Nghị định 70/2006/NĐ-CP quy định quản lý tang vật, phương tiện bị tạm giữ theo thủ tục hành chính

Số hiệu 70/2006/NĐ-CP
Ngày ban hành 24/07/2006
Ngày có hiệu lực 14/08/2006
Loại văn bản Nghị định
Cơ quan ban hành Chính phủ
Người ký Nguyễn Tấn Dũng
Lĩnh vực Vi phạm hành chính,Thủ tục Tố tụng

CHÍNH PHỦ

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

Số:  70/2006/NĐ-CP

Hà Nội, ngày 24  tháng 7 năm 2006

 

NGHỊ ĐỊNH

QUY ĐỊNH  VIỆC QUẢN LÝ TANG VẬT, PHƯƠNG TIỆN BỊ TẠM GIỮ THEO THỦ TỤC HÀNH CHÍNH

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001 ;
Căn cứ Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính ngày 02 ngày 7 năm 2002;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Công an,

NGHỊ ĐỊNH :

Chương 1:

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

1. Nghị định này quy định về chế độ quản lý tang vật, phương tiện bị tạm giữ theo thủ tục hành chính (sau đây viết gọn là tang vật, phương tiện bị tạm giữ); trách nhiệm, quyền hạn của cơ quan và người quản lý tang vật, phương tiện bị tạm giữ; quyền và nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân có tang vật, phương tiện bị tạm giữ.

2. Tang vật, phương tiện bị tạm giữ bao gồm vật, hàng hoá, phương tiện có liên quan trực tiếp đến vi phạm hành chính.

3. Đối với tang vật, phương tiện là tiền, ngoại tệ, chứng chỉ có giá, chứng từ liên quan đến tài sản, vàng, bạc, đá quý, kim loại quý, chất ma túy, vũ khí, công cụ hỗ trợ, vật có giá trị lịch sử văn hoá, bảo vật quốc gia, cổ vật, hàng lâm sản quý hiếm, các loại động vật, thực vật, hàng hoá, vật phẩm dễ bị hư hỏng và các loại tang vật, phương tiện đặc biệt khác thì không áp dụng Nghị định này, mà áp dụng theo Nghị định số 134/2003/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2003 quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Tổ chức, cá nhân Việt Nam có tang vật, phương tiện bị tạm giữ thì áp dụng theo quy định của Nghị định này và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

2. Tổ chức, cá nhân nước ngoài có tang vật, phương tiện bị tạm giữ trên lãnh thổ Việt Nam thì áp dụng như tổ chức, cá nhân Việt Nam có tang vật, phương tiện bị tạm giữ; trường hợp Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có quy định khác thì thực hiện theo Điều ước quốc tế đó.

Điều 3. Nguyên tắc quản lý tang vật, phương tiện bị tạm giữ

1. Tang vật, phương tiện bị tạm giữ phải được quản lý, bảo quản chặt chẽ, an toàn, sắp xếp hợp lý, dễ kiểm tra, tránh nhầm lẫn, không để gây ô nhiễm môi trường, lây lan địch bệnh, thuận lợi cho việc quản lý và phục vụ tốt công tác xử lý vi phạm hành chính. Nghiêm cấm mọi hành vi đánh tráo, chiếm đoạt, mua bán trái phép, làm mất, hư hỏng, thiếu hụt, vi phạm niêm phong tang vật, phương tiện bị tạm giữ và các hành vi trục lợi khác.

2. Việc quản lý tang vật, phương tiện bị tạm giữ phải thực hiện theo đúng quy định của Nghị định này; chỉ tiếp nhận, trả lại hoặc chuyển tang vật, phương tiện bị tạm giữ cho cơ quan, tổ chức, cá nhân khi có quyết định của người có thẩm quyền.

3. Nơi tạm giữ tang vật, phương tiện bị tạm giữ phải bảo đảm an toàn phòng, chống cháy, nổ và đáp ứng được các điều kiện về bảo vệ môi trường.

Điều 4. Kinh phí bảo đảm cho công tác quản lý tang vật, phương tiện bi tạm giữ

1. Kinh phí bảo đảm cho công tác quản lý tang vật, phương tiện bị tạm giữ bao gồm: kinh phí xây dựng, sửa chữa, mở rộng, nâng cấp hoặc thuê nơi tạm giữ; kinh phí mua sắm, sửa chữa, nâng cấp trang thiết bị, phương tiện cần thiết phục vụ cho việc quản lý, bảo quản, vận chuyển, giao, nhận, giám định tang vật, phương tiện bị tạm giữ; kinh phí để thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng; kinh phí phục vụ xử lý tang vật, phương tiện bị tạm giữ không còn giá trị sử dựng, buộc phải tiêu huỷ và các khoản chi khác phù hợp với các quy định của pháp luật.

2. Nguồn kinh phí bảo đảm cho việc quản lý tang vật, phương tiện bị tạm giữ do ngân sách địa phương đảm bảo.

3. Phí lưu kho, phí bến bãi, phí bảo quản tang vật, phương tiện bị tạm giữ được thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành.

Chương 2:

NƠI TẠM GIỮ VÀ CHẾ ĐỘ QUẢN LÝ TANG VẬT, PHƯƠNG TIỆN BỊ TẠM GIỮ

Điều 5. Nơi tạm giữ tang vật, phương tiện bị tạm giữ

1. Nơi tạm giữ tang vật, phương tiện bị tạm giữ là nhà kho, bến, bãi, âu thuyền, trụ sở cơ quan, nơi làm việc của người có thẩm quyền tạm giữ tang vật, phương tiện hoặc nơi khác do người có thẩm quyền tạm giữ bố trí.

2. Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trưng ương căn cứ vào đặc điểm cụ thể của địa phương và trên cơ sở đề nghị của các cơ quan có thẩm quyền tạm giữ tang vật, phương tiện, quyết định xây dựng nơi tạm giữ tang vật, phương tiện chung ở địa phương; đối với cơ quan thường xuyên phải tạm giữ tang vật, phương tiện với số lượng lớn, thì Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm cấp đất và kinh phí để xây dựng nơi tạm giữ.

3. Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm tổ chức quản lý nơi tạm giữ chung hoặc giao cho một cơ quan quản lý. Cơ quan có nơi tạm giữ tang vật, phương tiện hoặc được giao quản lý nơi tạm giữ chung, phải bố trí cán bộ chuyên trách làm công tác quản lý tang vật, phương tiện bị tạm giữ.

[...]