Thông tư 41/2010/TT-BCA hướng dẫn Nghị định 70/2006/NĐ-CP và 22/2009/NĐ-CP về việc quản lý tang vật, phương tiện bị tạm giữ theo thủ tục hành chính trong Công an nhân dân do Bộ Công an ban hành

Số hiệu 41/2010/TT-BCA
Ngày ban hành 04/11/2010
Ngày có hiệu lực 25/12/2010
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Công An
Người ký Lê Hồng Anh
Lĩnh vực Vi phạm hành chính,Thủ tục Tố tụng

BỘ CÔNG AN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------

Số: 41/2010/TT-BCA

Hà Nội, ngày 04 tháng 11 năm 2010

 

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH CHI TIẾT THI HÀNH MỘT SỐ ĐIỀU CỦA NGHỊ ĐỊNH SỐ 70/2006/NĐ-CP NGÀY 24/7/2006 VÀ NGHỊ ĐỊNH SỐ 22/2009/NĐ-CP NGÀY 24/2/2009 VỀ VIỆC QUẢN LÝ TANG VẬT, PHƯƠNG TIỆN BỊ TẠM GIỮ THEO THỦ TỤC HÀNH CHÍNH TRONG CÔNG AN NHÂN DÂN

Để thực hiện thống nhất việc quản lý tang vật, phương tiện bị tạm giữ theo thủ tục hành chính trong Công an nhân dân, Bộ Công an quy định chi tiết thi hành một số điều của Nghị định số 70/2006/NĐ-CP ngày 24/7/2006 quy định việc quản lý tang vật, phương tiện bị tạm giữ theo thủ tục hành chính đã được sửa đổi, bổ sung theo Nghị định số 22/2009/NĐ-CP ngày 24/2/2009 (sau đây viết gọn là Nghị định số 70/2006/NĐ-CP) như sau:

Chương 1.

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này quy định chi tiết về nơi tạm giữ tang vật, phương tiện bị tạm giữ; trình tự, thủ tục trả lại tang vật, phương tiện bị tạm giữ; xử lý tang vật, phương tiện hết thời hạn tạm giữ; thu, nộp, quản lý, sử dụng phí lưu giữ, bảo quản tang vật, phương tiện bị tạm giữ theo thủ tục hành chính trong Công an nhân dân.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Thông tư này áp dụng đối với Công an các đơn vị, địa phương và các tổ chức, cá nhân tham gia hoặc liên quan đến hoạt động quản lý tang vật, phương tiện bị tạm giữ theo thủ tục hành chính trong Công an nhân dân.

Điều 3. Nguyên tắc quản lý tang vật, phương tiện bị tạm giữ theo thủ tục hành chính trong Công an nhân dân

Việc quản lý tang vật, phương tiện bị tạm giữ theo thủ tục hành chính trong Công an nhân dân phải tuân thủ các nguyên tắc quản lý tang vật, phương tiện bị tạm giữ theo thủ tục hành chính quy định tại Điều 3 Nghị định số 70/2006/NĐ-CP.

Chương 2.

NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Điều 4. Yêu cầu đối với nơi tạm giữ tang vật, phương tiện

Nơi tạm giữ tang vật, phương tiện bị tạm giữ phải đáp ứng các yêu cầu dưới đây:

1. Đối với nơi tạm giữ là nhà kho, bãi

a) Phải bảo đảm an toàn; được quản lý nghiêm ngặt, sắp xếp hợp lý, tránh nhầm lẫn, mất mát, hư hỏng, ô nhiễm môi trường hoặc gây nguy hại cho tính mạng, sức khỏe của con người. Trường hợp tạm giữ tang vật, phương tiện ở ngoài trời thì phải bố trí mái che hoặc phương tiện chống mưa, nắng khác.

b) Đối với tang vật, phương tiện bị tạm giữ là máy móc, phương tiện có sử dụng xăng, dầu hoặc các nhiên liệu dễ cháy khác, trước khi đưa vào nơi tạm giữ, tổ chức làm công tác quản lý tang vật, phương tiện phải hút hết nhiên liệu ra khỏi bình chứa.

c) Nghiêm cấm đưa vào nơi tạm giữ những đồ vật là chất nổ, chất cháy, chất độc, chất phóng xạ nếu nơi tạm giữ không có những điều kiện phương tiện kỹ thuật bảo quản loại đồ vật đó.

d) Phải bảo đảm khô ráo, thoáng khí; có hệ thống thiết bị chiếu sáng, bảo vệ an toàn;

đ) Phải có hàng rào bảo vệ;

e) Phải trang bị đầy đủ thiết bị báo cháy, phòng cháy, chữa cháy; các trang thiết bị, phương tiện kỹ thuật phù hợp cho việc quản lý từng loại tang vật, phương tiện. Thủ trưởng nơi tạm giữ tang vật, phương tiện phải xây dựng phương án phòng, chống cháy, nổ và tổ chức cho cán bộ, chiến sỹ, nhân viên luyện tập thành thạo các phương án chống cháy, nổ và khắc phục hậu quả thiên tai, bảo đảm an toàn nơi tạm giữ.

2. Đối với nơi tạm giữ là bến nước, âu thuyền thì phải đáp ứng các điều kiện theo quy định tại điểm a, b, c khoản 1 Điều này. Riêng nơi tạm giữ là bến nước thì còn phải đáp ứng các tiêu chuẩn của bến thủy nội địa.

3. Đối với nơi tạm giữ là trụ sở cơ quan, nơi làm việc hoặc nơi khác do người có thẩm quyền tạm giữ bố trí thì phải bảo đảm các điều kiện theo quy định tại điểm a, b, c, d khoản 1 Điều này.

Điều 5. Bố trí nơi tạm giữ tang vật, phương tiện

1. Nơi tạm giữ tang vật, phương tiện trong Công an nhân dân có thể là nơi tạm giữ tang vật, phương tiện riêng của một đơn vị Công an, nơi tạm giữ tang vật, phương tiện chung của nhiều đơn vị Công an khác nhau hoặc nơi tạm giữ tang vật, phương tiện chung của cơ quan Công an với các cơ quan khác ở địa phương.

Đối với đơn vị thường xuyên phải tạm giữ tang vật, phương tiện với số lượng lớn thì người đứng đầu đơn vị đó báo cáo Giám đốc Công an cấp tỉnh để đề nghị Ủy ban nhân dân cùng cấp xem xét cất đất, kinh phí xây dựng nơi tạm giữ.

Khi được cấp đất, kinh phí xây dựng nơi tạm giữ, cơ quan tạm giữ tang vật, phương tiện chủ trì phối hợp với các cơ quan, đơn vị chức năng để tổ chức việc thiết kế và xây dựng nơi tạm giữ bảo đảm đáp ứng các yêu cầu theo quy định tại Điều 4 Thông tư này, tiêu chuẩn về xây dựng, phòng, chống cháy, nổ và tiêu chuẩn môi trường theo quy định của pháp luật.

[...]
3
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ