Thứ 6, Ngày 25/10/2024

Thông tư 72/2004/TT-BTC hướng dẫn quản lý và xử lý tang vật, phương tiện tịch thu sung quỹ Nhà nước do vi phạm hành chính do Bộ Tài chính ban hành

Số hiệu 72/2004/TT-BTC
Ngày ban hành 15/07/2004
Ngày có hiệu lực 15/08/2004
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Tài chính
Người ký Huỳnh Thị Nhân
Lĩnh vực Vi phạm hành chính

BỘ TÀI CHÍNH
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 72/2004/TT-BTC

Hà Nội, ngày 15 tháng 7 năm 2004

THÔNG TƯ

CỦA BỘ TÀI CHÍNH SỐ 72/2004/TT-BTC NGÀY 15 THÁNG 7 NĂM 2004 HƯỚNG DẪN VIỆC QUẢN LÝ VÀ XỬ LÝ TANG VẬT, PHƯƠNG TIỆN TỊCH THU SUNG QUỸ NHÀ NƯỚC DO VI PHẠM HÀNH CHÍNH

Căn cứ Nghị định số 14/1998/NĐ-CP ngày 6 tháng 3 năm 1998 của Chính phủ về quản lý tài sản nhà nước; Căn cứ Nghị định 134/2003/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2003 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 2002, Bộ Tài chính hướng dẫn việc quản lý và xử lý tang vật, phương tiện tịch thu sung quỹ Nhà nước do vi phạm hành chính như sau:

I. PHẠM VI VÀ ĐỐI TƯỢNG ÁP DỤNG

1. Thông tư này hướng dẫn việc xác định giá trị, bảo quản, phân loại, chuyển giao, xử lý và tổ chức bán đấu giá tang vật, phương tiện (sau đây gọi chung là tài sản) tịch thu sung quỹ Nhà nước do vi phạm hành chính và quản lý các khoản thu, chi phát sinh từ việc quản lý, xử lý tài sản tịch thu sung quỹ Nhà nước.

2. Người có thẩm quyền ra quyết định tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính theo quy định tại Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 2002; cơ quan tài chính nhà nước và Kho bạc Nhà nước các cấp; Hội đồng bán đấu giá tài sản các cấp; Trung tâm dịch vụ bán đấu giá cấp tỉnh; tổ chức, cá nhân có quyền và nghĩa vụ liên quan đến việc bán đấu giá tài sản tịch thu sung quỹ Nhà nước có trách nhiệm thực hiện Thông tư này.

II. XÁC ĐỊNH GIÁ TRỊ TÀI SẢN VI PHẠM HÀNH CHÍNH

1. Xác định giá trị tài sản:

Trong trường hợp cần áp dụng biện pháp tịch thu tài sản, người có thẩm quyền ra quyết định tạm giữ mời đại diện cơ quan tài chính cùng cấp xem xét, định giá tài sản để ra quyết định tịch thu. Việc xác định giá trị tài sản được thực hiện như sau:

- Căn cứ vào số lượng, chất lượng tài sản cần ra quyết định tịch thu; căn cứ giá các loại tài sản tịch thu sung quỹ Nhà nước trên địa bàn do Sở Tài chính tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quy định (nếu có); căn cứ giá tài sản cùng loại trên thị trường địa phương hoặc giá tài sản có cùng các chỉ tiêu kỹ thuật, chất lượng với tài sản cần định giá; tham khảo giá tính thuế xuất nhập khẩu, giá tính lệ phí trước bạ, giá tính thuế tài nguyên và giá tài sản trên hồ sơ tài liệu kèm theo như hợp đồng kinh tế, hợp đồng mua bán, vận chuyển, hợp đồng bảo hiểm, hoá đơn mua bán tài sản, tờ khai nhập khẩu, các loại giấy tờ khác có liên quan; người có thẩm quyền ra quyết định tịch thu và đại diện cơ quan tài chính xác định giá trị của từng tài sản.

- Trong trường hợp tài sản đã qua sử dụng, thì phải xác định tỷ lệ (%) chất lượng còn lại của từng tài sản. Đối với các tài sản khó xác định chất lượng thì có thể thuê cơ quan có thẩm quyền của Nhà nước hoặc đơn vị tư vấn chuyên ngành xác định.

- Giá trị tài sản của một vụ vi phạm (khi có quyết định tịch thu sung quỹ Nhà nước) được xác định trên cơ sở đơn giá tài sản và số lượng tài sản thực tế bị tịch thu sung quỹ Nhà nước.

- Trường hợp tài sản vi phạm hành chính thuộc loại chưa được Sở Tài chính quy định giá, khó định giá hoặc chưa có sự thống nhất giữa người có thẩm quyền ra quyết định tịch thu và đại diện cơ quan tài chính, thì người có thẩm quyền ra quyết định phải thành lập Hội đồng định giá tài sản. Thành phần Hội đồng định giá tài sản bao gồm:

+ Đại diện cơ quan tài chính cùng cấp - Chủ tịch Hội đồng

+ Đại diện cơ quan có thẩm quyền ra quyết định tịch thu (hoặc cơ quan trình cấp có thẩm quyền ra quyết định tịch thu) - Phó Chủ tịch Hội đồng

+ Đại diện cơ quan chuyên môn kỹ thuật (nếu cần) - Thành viên

+ Đại diện Trung tâm dịch vụ bán đấu giá cấp tỉnh (nếu có) - Thành viên

+ Một số thành viên thuộc cơ quan tài chính và cơ quan ra quyết định tịch thu để thành lập Tổ công tác giúp việc cho Hội đồng theo quyết định của Chủ tịch Hội đồng.

Hội đồng định giá tài sản tịch thu làm việc theo nguyên tắc tập thể. Các quyết định của Hội đồng phải được quá nửa số thành viên Hội đồng tán thành. Trong trường hợp biểu quyết ngang nhau thì quyết định theo phía có ý kiến của Chủ tịch Hội đồng.

Trong thời hạn 7 ngày làm việc, kể từ ngày có quyết định thành lập, Hội đồng định giá phải thực hiện việc định giá tài sản vi phạm. Hội đồng định giá tài sản có thể thuê cơ quan có chức năng định giá để xác định giá trị tài sản trước khi quyết định giá trị từng loại tài sản.

2. Trường hợp cơ quan có thẩm quyền ra quyết định tịch thu tang vật, phương tiện không bị giới hạn về giá trị tài sản theo quy định tại Chương IV của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 2002, thì có thể định giá tài sản sau khi có quyết định tịch thu. Việc xác định giá trị tài sản đã có quyết định tịch thu được thực hiện theo quy định tại điểm 1 Mục này.

Việc định giá tài sản theo hướng dẫn tại điểm 1 và điểm 2 Mục này phải được lập thành biên bản theo Mẫu số 1 đính kèm Thông tư này.

3. Giá trị tài sản được xác định tại Mục này được sử dụng để chuyển giao cho các cơ quan, đơn vị quản lý, sử dụng; chuyển giao cho cơ quan tài chính hoặc Trung tâm dịch vụ bán đấu giá cấp tỉnh để bán đấu giá.

III. BẢO QUẢN, PHÂN LOẠI, CHUYỂN GIAO VÀ XỬ LÝ TÀI SẢN TỊCH THU SUNG QUỸ NHÀ NƯỚC

1. Phân loại và xử lý tài sản đã có quyết định tịch thu sung quỹ Nhà nước

1.1. Cơ quan ra quyết định tịch thu chủ trì xử lý các loại tài sản như sau:

a) Đối với tài sản là hàng hoá, vật phẩm dễ bị hư hỏng (hàng tươi sống, dễ bị ôi thiu, khó bảo quản, hàng thực phẩm đã qua chế biến nhưng hạn sử dụng còn dưới 30 ngày…), thì cơ quan (người) ra quyết định tịch thu phải tiến hành lập biên bản và tổ chức bán ngay theo hình thức bán công khai, không nhất thiết phải thông qua bán đấu giá. Số tiền thu được gửi vào tài khoản tạm giữ mở tại Kho bạc Nhà nước của cơ quan tài chính cấp huyện nơi bắt giữ tài sản.

b) Đối với tài sản là thuốc tân dược, vũ khí, chất nổ, chất phóng xạ, phương tiện kỹ thuật đặc chủng liên quan đến an ninh, quốc phòng; vật có giá trị lịch sử, văn hoá; di vật, cổ vật; bảo vật quốc gia; hàng lâm sản quý hiếm nhóm IA, IB và các tài sản khác không được phép lưu hành, thì cơ quan ra quyết định tịch thu chủ trì phối hợp với cơ quan tài chính và các ngành có liên quan tổ chức bàn giao cho cơ quan nhà nước chuyên ngành quản lý tài sản đó để tổ chức quản lý, xử lý theo quy định của pháp luật.

c) Đối với các tài sản là văn hoá phẩm độc hại, hàng giả không có giá trị sử dụng, vật phẩm gây hại cho sức khoẻ con người, vật nuôi, cây trồng buộc phải tiêu huỷ và các hàng hoá khác không được phép lưu thông trên thị trường, thì cơ quan ra quyết định tịch thu lập Hội đồng xử lý để tiêu huỷ. Thành phần Hội đồng bao gồm đại diện cơ quan ra quyết định tịch thu, cơ quan tài chính và các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan. Việc tiêu huỷ phải được lập thành biên bản có đầy đủ chữ ký của các thành viên Hội đồng.

[...]