Nghị định 161-NĐ năm 1957 ban hành thể lệ tạm thời về chuyên chở khách hàng, hành lý và bao gửi để áp dụng trên tất cả các đường sắt đang khai thác ở miền Bắc Việt Nam do Bộ Giao thông và Bưu điện ban hành

Số hiệu 161-NĐ
Ngày ban hành 02/07/1957
Ngày có hiệu lực 01/09/1957
Loại văn bản Nghị định
Cơ quan ban hành Bộ Giao thông và Bưu điện
Người ký Nguyễn Văn Trân
Lĩnh vực Giao thông - Vận tải

BỘ GIAO THÔNG VÀ BƯU ĐIỆN
*******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HOÀ
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
*******

Số: 161-NĐ

Hà Nội, ngày 02 tháng 07 năm 1957

 

NGHỊ ĐỊNH

BAN HÀNH THỂ LỆ TẠM THỜI VỀ CHUYÊN CHỞ KHÁCH HÀNG, HÀNH LÝ VÀ BAO GỬI ĐỂ ÁP DỤNG TRÊN TẤT CẢ CÁC ĐƯỜNG SẮT ĐANG KHAI THÁC Ở MIỀN BẮC VIỆT NAM

BỘ TRƯỞNG BỘ GIAO THÔNG VÀ BƯU ĐIỆN

Để đảm bảo quyền lợi và định rõ trách nhiệm của nhân dân đi xe lửa;
Để đề cao trách nhiệm, chất lượng phục vụ của Đường sắt đối với nhân dân đi tàu, đồng thời bảo đảm sự hoạt động tốt của xí nghiệp vận tải đường sắt của Nhà nước;
Để phát huy đầy đủ năng lực tiềm tàng của Đường sắt, thoả mãn nhu cầu vận chuyển của Nhà nước và nhân dân.
Sau khi đã được Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn;

NGHỊ ĐỊNH:

Điều 1:-Nay ban hành bản thể lệ tạm thời về chuyên chở hành khách, hành lý và bao gửi để áp dụng trên tất cả các đường sắt đang khai thác ở miền Bắc Việt Nam.

Điều 2:-Bản thể lệ này bắt đầu thi hành từ ngày 1-9-1957 về phần hành khách.

Về phần hành lý và bao gửi, thể lệ sẽ thi hành bắt đầu từ ngày mồng 1 tháng 1 năm 1958 ở một số ga và trên những đoạn đường do Tổng cục Đường sắt quy định và công bố.

Trong năm 1958, Tổng cục Đường sắt sẽ tuỳ theo khả năng của mình và nhu cầu vận chuyển của nhân dân mà dần dần tổ chức chở hành lý theo chế độ mới và chuyển từ chế độ hàng mang theo người sang chế độ bao gửi ở những ga và trên những đoạn đường khác để cho đến ngày 31-12-1958 toàn bộ thể lệ này phải được thi hành ở những ga quan trọng trên các đường sắt khai thác ở miền Bắc Việt Nam.

Điều 3: -  Tất cả nhiều điều khoản nào trái với bản thể lệ này đều bãi bỏ kể từ những ngày thi hành thể lệ quy định ở điều 2.

Điều 4: - Các ông Chánh văn phòng Bộ Giao thông và Bưu điện, ông Chủ nhiệm Tổng cục Đường sắt có nhiệm vụ thi hành nghị định này.

 

BỘ TRƯỞNG
BỘ GIAO THÔNG VÀ BƯU ĐIỆN





Nguyễn Văn Trân

 

THỂ LỆ

VẬN CHUYỂN HÀNH KHÁCH, HÀNH LÝ VÀ BAO GỬI

Chương 1:

NGUYÊN TẮC CHUNG

Điều 1: Phạm vi áp dụng: Bản Thể lệ này áp dụng cho tất cả các đường sắt của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.

Điều 2: Công bố giá cước và điều kiện vận chuyển: Mỗi lần đặt ra hoặc sửa đổi, huỷ bỏ những giá cước, tạp chí  và những điều kiện vận chuyển thì Đường sắt phải công bố cho nhân dân biết 5 ngày trước ngày thi hành.

Điều 3: - Đo lường: Đơn vị đo lường Đường sắt áp dụng là: mét và kilôgam.

Điều 4: - Thời gian: Nếu lấy giờ hay ngày làm đơn vị để tính thì không đủ 60 phút coi là 1 giờ, không đủ 24 tiếng đồng hồ coi là 1 ngày.

Tháng thì tính từ ngày mùng 1 đến ngày cuối tháng là một tháng. Nếu ngày bắt đầu tính không phải là ngày mùng 1 thì tính từ ngày bắt đầu tính đến ngày trước ngày ấy tháng sau là 1 tháng. (Ví dụ: từ ngày mùng 5 tháng 7 đến ngày mùng 4 tháng 8 là một tháng).

Điều 5: - Đoạn đường vận chuyển: Đoạn đường để tính tiền cước vận chuyển và tạp phí là khoảng cách giữa các ga ghi trong bản "Đoạn đường vận chuyển" của Đường sắt.

Điều 6: - Thời gian mở cửa bán vé khách và nhận gửi hành lý, bao gửi:

- Khoản 1: - Mỗi ga căn cứ vào số lượng hàng khách, hành lý và bao gửi thường có nhiều hay ít đối với mỗi chuyến tàu mà quy định thời gian mở cửa bán vé khách, vé hành lý và làm giấy tờ bao gửi cho sát với tình hình và hoàn cảnh của ga mình, nhưng chậm nhất cũng phải mở cửa 30 phút trước giờ tàu chạy.

Những ga có nhiều hành khách, hành lý và bao gửi, có thể mở cửa suốt ngày, hoặc suốt ngày đêm.

-Khoản 2: - Giờ đóng cửa thì căn cứ vào số lượng hành khách và hàng hóa nhiều ít và tổ chức của nhà ga mà quy định cho sát, nhưng:

- Đối với việc bán vé khách chỉ có thể đóng cửa sớm nhất là 10 phút, chậm nhất là 2 phút, trước giờ tàu chạy.

[...]