Nghị định 252-NĐ năm 1957 về thể lệ vận chuyển hàng hóa trên tất cả các đường sắt đang khai thác ở miền Bắc Việt Nam do Bộ trưởng Bộ Giao thông và Bưu điện ban hành

Số hiệu 252-NĐ
Ngày ban hành 19/08/1957
Ngày có hiệu lực 01/10/1957
Loại văn bản Nghị định
Cơ quan ban hành Bộ Giao thông và Bưu điện
Người ký Nguyễn Văn Trân
Lĩnh vực Giao thông - Vận tải

BỘ GIAO THÔNG
VÀ BƯU ĐIỆN

*******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
*******

Số: 252-NĐ

Hà Nội, ngày 19 tháng 08 năm 1957

 

NGHỊ ĐỊNH

BAN HÀNH THỂ LỆ VẬN CHUYỂN HÀNG HÓA TRÊN TẤT CẢ CÁC ĐƯỜNG SẮT ĐANG KHAI THÁC Ở MIỀN BẮC VIỆT NAM

Để bảo đảm quyền lợi và định rõ trách nhiệm của người có hàng chuyên chở;
Để đề cao trách nhiệm, chất lượng phục vụ của Đường sắt;
Để phát huy đầy đủ năng lực tiềm tàng của Đường sắt, thỏa mãn nhu cầu vận chuyển của Nhà nước và nhân dân;
Theo đề nghị của ông Chủ nhiệm Tổng cục Đường sắt;
Sau khi đã được Thủ tướng phủ thông qua.

NGHỊ ĐỊNH:

Điều 1.Nay ban hành bản thể lệ vận chuyển hàng hóa để thi hành trên tất cả các đường sắt đang khai thác ở miền Bắc Việt Nam.

Điều 2.Thể lệ này thi hành từ ngày mồng 01 tháng 10 năm 1957; tất cả những điều khoản nào trái với thể lệ đều bãi bỏ.

Điều 3. Các Ông Chánh Văn phòng Bộ Giao thông và Bưu điện và Chủ nhiệm Tổng cục Đường sắt chịu trách nhiệm thi hành nghị định này.

 

 

BỘ TRƯỞNG
BỘ GIAO THÔNG VÀ BƯU ĐIỆN




Nguyễn Văn Trân

 

THỂ LỆ

CHUYÊN CHỞ HÀNG HÓA CỦA ĐƯỜNG SẮT VIỆT NAM

Chương 1:

QUY TẮC CHUNG

Điều 1. – Phạm vi áp dụng.

Bản thể lệ chuyên chở hàng hóa này áp dụng cho tất cả các đường sắt khai thác ở miền Bắc Việt Nam và phải được Đường sắt cũng như người có hàng chấp hành nghiêm chỉnh.

Điều 2. – Công bố điều kiện chuyên chở và giá cước.

Các điều kiện chuyên chở, các khoản cước, tạp phí, tiền phạt, v.v... phải được Đường sắt công bố ít nhất là 3 ngày trước ngày thi hành.

Điều 3. – Đơn vị đo lường.

Đơn vị đo lường Đường sắt áp dụng là:

- Mét (m)

- Ki-lô-mét (km)

- Ki-lô-gam (kg)

- Tấn 1.000 kg (T)

Điều 4. – Tính kỳ hạn

Khoản a. – Nếu lấy giờ hay ngày làm đơn vị để tính thì không đủ 60 phút cũng tính 1 giờ, không đủ 24 tiếng đồng hồ cũng tính 1 ngày.

Nếu sự việc xảy ra ngày hôm trước và lân sang ngày hôm sau thì dù không đủ 48 tiếng đồng hồ cũng tính 2 ngày (thí dụ từ 10 giờ ngày 12 đến 23 giờ ngày 13 tính là 2 ngày).

Khoản b. – Tháng thì tính từ ngày mùng 01 đến ngày cuối tháng là 01 tháng. Nếu sự việc không xảy ra ngày đầu tháng thì tính từ ngày sự việc xảy ra đến ngày trước ngày ấy tháng sau là 01 tháng (thí dụ từ mồng 05 tháng 03 đến hết ngày 04 tháng 04 là 01 tháng. Riêng tháng giêng thì từ 30 hoặc 31 tháng giêng đến 28 hay 29 tháng 02 là 01 tháng).

[...]