Kế hoạch 98/KH-UBND năm 2021 về phát triển thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Thái Bình

Số hiệu 98/KH-UBND
Ngày ban hành 16/07/2021
Ngày có hiệu lực 16/07/2021
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Thái Bình
Người ký Lại Văn Hoàn
Lĩnh vực Lĩnh vực khác

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THÁI BÌNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 98/KH-UBND

Thái Bình, ngày 16 tháng 07 năm 2021

 

KẾ HOẠCH

PHÁT TRIỂN THỦY LỢI NHỎ, THỦY LỢI NỘI ĐỒNG GIAI ĐOẠN 2021 - 2025 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH THÁI BÌNH.

Thực hiện Quyết định số 4600/QĐ-BNN-TCTL ngày 13/11/2020 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Kế hoạch phát triển thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025; Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện như sau:

I. SỰ CẦN THIẾT VÀ CƠ SỞ BAN HÀNH KẾ HOẠCH

1. Sự cần thiết ban hành kế hoạch

a) Thực trạng cơ sở hạ tầng thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng: Hiện nay, tỉnh Thái Bình còn: 1.408 trạm bơm (Có tổng lưu lượng nhỏ hơn 3.600m3/h/trạm bơm), trong đó: Khối Hợp tác xã nông nghiệp quản lý, khai thác 1.368 trạm bơm, Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Bắc Thái Bình và Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Nam Thái Bình quản lý, khai thác 40 trạm bơm; 2.404 cống (Có khẩu độ cống nhỏ hơn 5m), trong đó: Khối Hợp tác xã nông nghiệp quản lý 1.901 cống, Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Bắc Thái Bình và Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Nam Thái Bình quản lý 503 cống; 1.069km kênh cấp III; 7.712km kênh mương nội đồng và các công trình khác trên kênh.

Các công trình thủy lợi từ đầu mối đến điểm giao nhận sản phẩm dịch vụ thủy lợi (Cống đầu kênh, cửa chia nước tại bể xả trạm bơm do Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Bắc Thái Bình, Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Nam Thái Bình và các Hợp tác xã nông nghiệp) hàng năm đã được nhà nước hỗ trợ bằng nguồn kinh phí dịch vụ công ích thủy lợi. Tuy nhiên, công trình thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng chủ yếu được đầu tư xây dựng bằng nguồn thu thủy lợi nội đồng của các tổ chức thủy lợi cơ sở nên hạn chế về nguồn lực cũng như kỹ thuật; thiếu kinh phí tu bổ thường xuyên, đa phần đã xuống cấp. Để phát huy hiệu quả của hệ thống công trình thủy lợi, phải đầu tư đồng bộ công trình từ đầu mối đến mặt ruộng.

Mặt khác, cần thiết phải tăng cường đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng để đáp ứng sản xuất nông nghiệp theo phương thức canh tác tiên tiến, chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp cơ cấu lại ngành nông nghiệp và thích ứng với biến đổi khí hậu.

b) Thực trạng quản lý, khai thác thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng:

- Hiện nay, tỉnh Thái Bình có 02 mô hình khai thác công trình thủy lợi (Công ty Khai thác công trình thủy lợi và Hợp tác xã nông nghiệp), trong đó: Mô hình Công ty Khai thác công trình thủy lợi gồm: Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Bắc Thái Bình, Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Nam Thái Bình (Là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước trực thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, hoạt động theo Luật Doanh nghiệp) và 314 Hợp tác xã nông nghiệp hoạt động theo Luật Hợp tác xã năm 2012.

- Trình độ năng lực quản lý, khai thác vận hành các công trình thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng vừa thiếu, vừa yếu, chưa đáp ứng được yêu cầu hiện nay; nguyên nhân do chưa được đào tạo cơ bản, lương công nhân vận hành công trình thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng thấp.

- Tài chính của tổ chức thủy lợi cơ sở còn khó khăn, nguồn thu từ thủy lợi nội đồng thấp, không đồng đều nên thiếu kinh phí duy tu sửa chữa, nạo vét dẫn đến công trình hư hỏng, xuống cấp nhanh.

2. Căn cứ pháp lý xây dựng và ban hành kế hoạch

- Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 05/8/2008 Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương (Khoá X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn;

- Luật Thủy lợi số 08/2017/QH14 ngày 19/6/2017;

- Quyết định số 33/QĐ-TTg ngày 7/01/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược thủy lợi Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045;

- Nghị định số 67/2018/NĐ-CP ngày 14/5/2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Thủy lợi;

- Nghị định số 77/2018/NĐ-CP ngày 16/5/2018 của Chính phủ quy định hỗ trợ phát triển thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng và tưới tiên tiến, tiết kiệm nước;

- Thông tư số 05/2018/TT-BNNPTNT ngày 15/5/2018 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định chi tiết một số điều của Luật Thủy lợi;

- Chỉ thị 3837/CT-BNN-TCTL ngày 03/6/2019 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về tăng cường phát triển thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng và tưới tiên tiến, tiết kiệm nước;

- Quyết định số 4600/QĐ-BNN-TCTL ngày 13/11/2020 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Kế hoạch phát triển thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng giai đoạn 2021 - 2025;

- Thực hiện tiêu chí Thủy lợi trong Bộ Tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025;

- Các Chỉ thị, Nghị quyết và các cơ chế chính sách khác có liên quan.

II. QUAN ĐIỂM VÀ MỤC TIÊU

1. Quan điểm

- Phát triển thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng là nhiệm vụ quan trọng góp phần nâng cao hiệu quả công trình thủy lợi, phục vụ nhu cầu sử dụng nước đa dạng trong nông nghiệp, đáp ứng yêu cầu chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi.

- Người dân đóng vai trò chủ đạo trong việc phát triển thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng; Nhà nước có chính sách hỗ trợ thông qua các tổ chức thủy lợi cơ sở, tăng cường sự tham gia của các thành phần kinh tế.

- Phát triển thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng trên cơ sở kết hợp giữa giải pháp công trình và phi công trình, bao gồm đầu tư kết cấu hạ tầng thủy lợi và tăng cường hiệu quả quản lý, khai thác công trình thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ.

[...]