Quyết định 4600/QĐ-BNN-TCTL năm 2020 về Kế hoạch phát triển thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng giai đoạn 2021-2025 do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành

Số hiệu 4600/QĐ-BNN-TCTL
Ngày ban hành 13/11/2020
Ngày có hiệu lực 13/11/2020
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Người ký Nguyễn Hoàng Hiệp
Lĩnh vực Lĩnh vực khác

BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 4600/QĐ-BNN-TCTL

Hà Nội, ngày 13 tháng 11 năm 2020

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN THỦY LỢI NHỎ, THỦY LỢI NỘI ĐỒNG GIAI ĐOẠN 2021-2025

BỘ TRƯỞNG BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN

Căn cứ Nghị định số 15/2017/NĐ-CP ngày 17/02/2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;

Căn cứ Luật Thủy lợi ngày 19 tháng 6 năm 2017;

Xét đề nghị của Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch phát triển thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng giai đoạn 2021-2025.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày ký.

Điều 3. Thủ trưởng cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- BT. Nguyễn Xuân Cường (để b/c);
- Văn phòng Chính phủ;
- Các Bộ TC, KHĐT;
- UBND các tỉnh, TP trực thuộc TW;
- Sở NNPTNT các tỉnh, TP trực thuộc TW;
- Các Cục: Trồng trọt, KTHT, QLXDCT;
- Các Vụ: KHCN&MT, KH, TC; VP ĐPNTM TW;
- Viện KHTLVN; Trường ĐHTL;
- Các Ban CPO: Thủy lợi, Nông nghiệp;
- Lưu: VT, TCTL.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Nguyễn Hoàng Hiệp

 

KẾ HOẠCH

PHÁT TRIỂN THỦY LỢI NHỎ, THỦY LỢI NỘI ĐỒNG GIAI ĐOẠN 2021-2025
 (Ban hành kèm theo Quyết định số    /QĐ-BNN-TCTL ngày   tháng   năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn)

I. SỰ CẦN THIẾT VÀ CƠ SỞ BAN HÀNH KẾ HOẠCH

1. Sự cần thiết ban hành kế hoạch

a) Thực trạng cơ sở hạ tầng thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng:

Đến nay, cả nước có hàng chục ngàn công trình thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng bao gồm: 4.229 hồ chứa nước nhỏ có dung tích từ 50.000÷500.000 m3, 15.900 đập dâng kiên cố có chiều cao nhỏ hơn 10m, 16.000 đập tạm, gần 10.000 trạm bơm có tổng lưu lượng từ 1.000÷3.600 m3/h, 174.000 km kênh mương cấp 3 và nội đồng; ngoài ra, còn hàng ngàn ao, hồ có dung tích nhỏ hơn 50.000 m3, trạm bơm có tổng lưu lượng nhỏ hơn 1000 m3/h và các công trình trên kênh khác.

Việc đầu tư xây dựng công trình đầu mối và kênh chính của các hệ thống công trình thủy lợi vừa và lớn cơ bản đã hoàn thành, tuy nhiên công trình thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng chủ yếu do người dân đầu tư xây dựng, hạn chế về nguồn lực cũng như kỹ thuật, thiếu kinh phí tu bổ thường xuyên nên đa phần đã xuống cấp. Để phát huy hiệu quả của hệ thống công trình thủy lợi, cần thiết phải đầu tư đồng bộ công trình từ đầu mối đến mặt ruộng.

Mặt khác, cơ sở hạ tầng thủy lợi nội đồng hiện nay chưa đáp ứng yêu cầu sản xuất nông nghiệp theo phương thức canh tác tiên tiến hoặc chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Kết quả áp dụng tưới tiên tiến, tiết kiệm nước đối với cây trồng cạn hiện là 288.620 ha (đạt 17.5%), lúa là 1.320.118 ha (đạt 18%). Vì vậy, cần thiết phải tăng cường đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng để đáp ứng cơ cấu lại ngành nông nghiệp và thích ứng với biến đổi khí hậu.

b) Thực trạng quản lý, khai thác thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng:

Các địa phương đã thành lập 16.800 tổ chức quản lý, khai thác công trình thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng với nhiều loại hình (Hợp tác xã, tổ hợp tác, Ban quản lý thủy lợi, tổ đường nước…), một số địa phương Ủy ban nhân dân xã trực tiếp quản lý khai thác. Một số loại hình quản lý khai thác công trình thủy lợi nhỏ, nội đồng chưa phù hợp theo quy định của Luật Thủy lợi, năng lực/trình độ chưa đảm bảo, việc bảo vệ công trình và chất lượng nước trong công trình thủy lợi chưa được quan tâm, chưa thực sự phát huy được vai trò chủ thể của người sử dụng nước do đó nhiều tổ chức thủy lợi cơ sở hoạt động chưa hiệu quả.

Nhiều loại hình tổ chức thủy lợi cơ sở tồn tại nên rất khó áp dụng một cách đồng bộ cơ chế chính sách hiện hành trong quản lý, khai thác công trình thủy lợi. Phần lớn các tổ chức thủy lợi cơ sở hoạt động thiếu bền vững; năng lực của cán bộ quản lý yếu cả về tổ chức quản lý và kỹ thuật, phần lớn chưa được đào tạo do thiếu kinh phí.

Tài chính của tổ chức thủy lợi cơ sở rất khó khăn, khả năng thu được phí thủy lợi nội đồng rất thấp, đa số là không thu được, ở một số địa phương, chính quyền can thiệp quá sâu vào công việc của các HTX như: sắp xếp nhân sự, phân phối lợi ích, trực tiếp sử dụng nguồn kinh phí hỗ trợ tiền sử dụng sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi mà không giao cho các HTX được tự chủ. Công tác thủy lợi trong các HTX chưa được coi trọng, bị hòa lẫn vào các hoạt động khác, dẫn đến công tác quản lý cũng như tu sửa công trình thủy lợi ít được quan tâm, thiếu kinh phí duy tu, sửa chữa, nạo vét, dẫn đến công trình hư hỏng, xuống cấp nhanh.

Bên cạnh cơ sở hạ tầng thủy lợi, vấn đề quản lý, khai thác thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng có vai trò rất quan trọng trong việc phát huy hiệu quả công trình thủy lợi, vì vậy việc củng cố, phát triển các tổ chức thủy lợi cơ sở hoạt động hiệu quả bền vững là thực sự cần thiết.

2. Căn cứ pháp lý xây dựng và ban hành kế hoạch

- Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 05/8/2008 Hội nghị lần thứ 7 BCH TW khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

[...]