Chủ nhật, Ngày 27/10/2024

Kế hoạch 96/KH-UBND năm 2016 thực hiện Chương trình quốc gia về an toàn, vệ sinh lao động giai đoạn 2016-2020 trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang

Số hiệu 96/KH-UBND
Ngày ban hành 23/11/2016
Ngày có hiệu lực 23/11/2016
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Tuyên Quang
Người ký Lê Thị Kim Dung
Lĩnh vực Lao động - Tiền lương,Tài nguyên - Môi trường

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH TUYÊN QUANG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 96/KH-UBND

Tuyên Quang, ngày 23 tháng 11 năm 2016

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH QUỐC GIA VỀ AN TOÀN, VỆ SINH LAO ĐỘNG GIAI ĐOẠN 2016 - 2020 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH TUYÊN QUANG

Thực hiện Quyết định số 05/QĐ-TTg ngày 05/01/2016 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình quốc gia về an toàn, vệ sinh lao động giai đoạn 2016 - 2020, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình quốc gia về an toàn, vệ sinh lao động giai đoạn 2016 - 2020 trên địa bàn tỉnh, như sau:

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu tổng quát

Chăm lo cải thiện điều kiện làm việc, giảm ô nhiễm môi trường lao động; ngăn chặn tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp, chăm sóc sức khỏe người lao động; nâng cao nhận thức và sự tuân thủ pháp luật về bảo hộ lao động, bảo đảm an toàn tính mạng cho người lao động, tài sản của Nhà nước, tài sản của doanh nghiệp và của tổ chức, góp phần vào sự phát triển bền vững của tỉnh và của quốc gia.

2. Mục tiêu cụ thể

2.1. Trung bình hằng năm, giảm 5% tần suất tai nạn lao động chết người.

2.2. Trên 50% người lao động làm việc tại các cơ sở, doanh nghiệp có nguy cơ bị các bệnh nghề nghiệp phổ biến được khám phát hiện bệnh nghề nghiệp; trên 70% doanh nghiệp lớn và 30% doanh nghiệp vừa và nhỏ có nguy cơ cao về bệnh nghề nghiệp thực hiện quan trắc môi trường lao động.

2.3. Trung bình mỗi năm tăng thêm từ 20-25 doanh nghiệp vừa và nhỏ áp dụng hiệu quả một số nội dung cơ bản của hệ thống quản lý an toàn, vệ sinh lao động tại doanh nghiệp, bước đầu xây dựng văn hóa an toàn trong lao động.

2.4. Trên 90% số người làm công tác quản lý, chỉ đạo tổ chức thực hiện công tác an toàn, vệ sinh lao động cấp tỉnh, huyện, xã và Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh được tập huấn nâng cao năng lực về an toàn, vệ sinh lao động.

2.5. Trên 80% người lao động làm các nghề, công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn - vệ sinh lao động; 80% số người làm công tác an toàn, vệ sinh lao động, người làm công tác y tế; 90% số người là an toàn, vệ sinh viên trong các cơ sở sản xuất kinh doanh được huấn luyện về an toàn, vệ sinh lao động.

2.6. Trên 80% số người thuộc lực lượng sơ cứu, cấp cứu tại nơi làm việc được huấn luyện cập nhật về sơ cứu, cấp cứu.

2.7. Trên 70% số hợp tác xã có nguy cơ cao về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được tiếp cận thông tin phù hợp về an toàn, vệ sinh lao động.

2.8. Bảo đảm 100% người lao động đã xác nhận bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được điều trị và phục hồi chức năng lao động theo quy định của pháp luật.

2.9. Bảo đảm 100% số vụ tai nạn lao động chết người được khai báo, điều tra, xử lý theo quy định pháp luật.

II. THỜI GIAN, PHẠM VI THỰC HIỆN

1. Thời gian: Thực hiện trong giai đoạn 2016-2020.

2. Phạm vi: Thực hiện trên phạm vi toàn tỉnh.

III. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP

1. Nâng cao năng lực và hiệu quả quản lý nhà nước về an toàn, vệ sinh lao động

- Thường xuyên phối hợp với các Bộ, ngành Trung ương rà soát, sửa đổi, bổ sung, xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật về lĩnh vực an toàn, vệ sinh lao động để đảm bảo các điều kiện làm việc công bằng, an toàn lao động.

- Tăng cường phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền địa phương với các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong việc quản lý, thực hiện công tác an toàn, vệ sinh lao động và trong triển khai các hoạt động của Chương trình quốc gia về an toàn, vệ sinh lao động.

- Trang bị máy, thiết bị phục vụ nâng cao năng lực và hiệu quả công tác kiểm tra chất lượng sản phẩm, công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát an toàn, vệ sinh lao động.

- Triển khai, hướng dẫn và hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng hệ thống quản lý công tác an toàn, vệ sinh lao động phù hợp với đặc thù của doanh nghiệp.

- Tổ chức điều tra đúng thời hạn quy định đối với các vụ tai nạn lao động chết người, tai nạn lao động làm bị thương nặng từ hai người lao động trở lên; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm của tổ chức, cá nhân để xảy ra tai nạn lao động.

- Tổ chức thống kê, tổng hợp báo cáo, đánh giá tình hình tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, sự cố kỹ thuật gây mất an toàn, vệ sinh lao động nghiêm trọng theo quy định của pháp luật; phối hợp chặt chẽ với Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội xây dựng và kiện toàn cơ sở dữ liệu về an toàn, vệ sinh lao động.

2. Nâng cao nghiệp vụ y tế lao động, chăm sóc sức khỏe người lao động tại nơi làm việc

[...]