Kế hoạch 93/KH-UBND triển khai Chỉ thị 04/CT-TTg tiếp tục đẩy mạnh triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 tại các Bộ, ngành, địa phương năm 2024 và những năm tiếp theo do tỉnh Hà Giang ban hành

Số hiệu 93/KH-UBND
Ngày ban hành 12/03/2024
Ngày có hiệu lực 12/03/2024
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Hà Giang
Người ký Nguyễn Văn Sơn
Lĩnh vực Công nghệ thông tin,Bộ máy hành chính

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HÀ GIANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 93/KH-UBND

Hà Giang, ngày 12 tháng 3 năm 2024

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI CHỈ THỊ SỐ 04/CT-TTG NGÀY 11/02/2024 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ VỀ VIỆC TIẾP TỤC ĐẨY MẠNH TRIỂN KHAI ĐỀ ÁN PHÁT TRIỂN ỨNG DỤNG DỮ LIỆU VỀ DÂN CƯ, ĐỊNH DANH VÀ XÁC THỰC ĐIỆN TỬ PHỤC VỤ CHUYỂN ĐỔI SỐ QUỐC GIA GIAI ĐOẠN 2022-2025, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2030 TẠI CÁC BỘ, NGÀNH, ĐỊA PHƯƠNG NĂM 2024 VÀ NHỮNG NĂM TIẾP THEO

Thực hiện Chỉ thị số 04/CT-TTg ngày 11/02/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục đẩy mạnh triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06) tại các bộ, ngành, địa phương năm 2024 và những năm tiếp theo.

Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Giang ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Tiếp tục quán triệt thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển hạ tầng thông tin, viễn thông, tạo nền tảng chuyển đổi số quốc gia, từng bước phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số. Việc triển khai Đề án 06 là nội dung quan trọng, đột phá để thực hiện chiến lược, tạo ra nhiều tiện ích, dịch vụ, mang lại lợi ích thiết thực cho người dân và doanh nghiệp.

2. Kịp thời khắc phục những “điểm nghẽn” làm chậm tiến độ triển khai Đề án 06 đã được kiểm điểm, đánh giá tại Hội nghị Sơ kết 02 năm triển khai Đề án 06 của Chính phủ và Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện các nhiệm vụ Đề án 06 năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024 trên địa bàn tỉnh Hà Giang của Tổ Công tác triển khai Đề án 06 tỉnh.

3. Tiếp tục đẩy mạnh triển khai Đề án 06 trên địa bàn tỉnh trong năm 2024, tạo tiền đề hoàn thành các mục tiêu của Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

II. NỘI DUNG, NHIỆM VỤ

1. Nhiệm vụ chung

- Thủ trưởng các sở, ngành, địa phương tiếp tục duy trì quyết tâm chính trị cao trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện Đề án 06 trên địa bàn tỉnh; tổ chức quán triệt triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các chỉ tiêu, nhiệm vụ tại Kế hoạch số 31/KH-UBND, ngày 23/01/2024 của UBND tỉnh về triển khai nhiệm vụ Đề án 06 trên địa bàn năm 2024 và các văn bản chỉ đạo của các bộ, ngành Trung ương về Đề án 06; tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc thực hiện các nhiệm vụ theo ngành, lĩnh vực hàng tuần, hàng tháng và công bố kết quả cụ thể, tiện ích người dân, doanh nghiệp được hưởng.

- Đẩy mạnh công tác tái cấu trúc quy trình nghiệp vụ, hoàn thành việc cung cấp dịch vụ công thiết yếu trên Cổng dịch vụ công quốc gia, đảm bảo cắt giảm tối đa giấy tờ, thời gian đi lại và chi phí tuân thủ của người dân, doanh nghiệp; tham mưu xây dựng, ban hành quy trình điện tử liên thông đối với các nhóm thủ tục hành chính (TTHC) liên thông (Các sở, ngành thực hiện, VPUBND tỉnh tham mưu đôn đốc, hoàn thành trong tháng 4/2024).

- Đẩy nhanh tiến độ số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC trong quá trình tiếp nhận, giải quyết TTHC; gắn việc số hóa với việc thực hiện nhiệm vụ của cán bộ, công chức trong quá trình giải quyết TTHC, không yêu cầu người dân, doanh nghiệp cung cấp giấy tờ, kết quả giải quyết TTHC đã được số hóa theo đúng quy định (Các sở, ngành, địa phương thực hiện, VPUBND tỉnh tham mưu đôn đốc).

- Chủ động tham mưu sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật theo kết quả rà soát văn bản phục vụ triển khai Đề án 06 của Tổ Công tác triển khai Đề án 06 Chính phủ về rà soát văn bản quy phạm pháp luật, bao gồm cả các phương án đơn giản hóa TTHC, giấy tờ công dân đã giao tại các Nghị quyết chuyên đề của Chính phủ giai đoạn 2017-2018 (Các sở, ngành thực hiện, Sở Tư pháp tham mưu đôn đốc).

- Phối hợp xây dựng, thực hiện phương án xây dựng, đồng bộ dữ liệu con người theo phạm vi quản lý về Trung tâm dữ liệu quốc gia theo lộ trình phù hợp với tiến độ xây dựng, vận hành của Trung tâm dữ liệu quốc gia (Các sở, ngành, địa phương thực hiện theo chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ Công an; Công an tỉnh tham mưu, đôn đốc).

- Triển khai các mô hình, giải pháp ứng dụng tiện ích từ nền tảng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Căn cước công dân và định danh điện tử để đẩy mạnh thực hiện Đề án 06 theo lộ trình, kế hoạch đã ban hành (Các sở, ngành, địa phương thực hiện theo Kế hoạch 226/KH-UBND, Công an tỉnh tham mưu, đôn đốc).

2. Nhiệm vụ cụ thể của các sở, ngành, địa phương

2.1. Văn phòng UBND tỉnh

- Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện tích hợp, kết nối và chia sẻ dữ liệu giữa Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh với Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp theo hướng dẫn của Văn phòng Chính phủ (Hoàn thành trong Quý I/2024).

- Triển khai Nghị định về 02 nhóm dịch vụ công liên thông “Đăng ký khai sinh - Đăng ký thường trú - Cấp thẻ BHYT cho trẻ dưới 6 tuổi và Đăng ký khai tử - Xóa đăng ký thường trú - Trợ cấp mai táng phí” (Hoàn thành trong tháng 4/2024).

- Chủ trì, hướng dẫn các sở, ngành, địa phương thực hiện tích hợp, kết nối, chia sẻ, khai thác kết quả số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC điện tử giữa hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh và Cổng Dịch vụ công quốc gia (Hoàn thành trong Quý I/2024).

- Tham mưu thực hiện việc đánh giá chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp dựa trên dữ liệu, thời gian thực theo Quyết định số 766/QĐ-TTg ngày 23/6/2022 của Thủ tướng Chính phủ.

- Triển khai Kho dữ liệu hồ sơ TTHC theo quy định tại khoản 10 điều 23 Thông tư số 01/2023/TT-VPCP để lưu giữ dữ liệu giải quyết TTHC trên hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh.

2.2. Công an tỉnh

- Tham mưu triển khai Luật Căn cước, Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân và Luật Dữ liệu theo chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ Công an.

- Triển khai cung cấp dịch vụ xác thực điện tử theo quy định tại Nghị định số 59/2022/NĐ-CP ngày 05/9/2022 của Chính phủ.

- Triển khai các tiện ích trên ứng dụng VNeID phục vụ người dân và công tác quản lý xã hội như: Tố giác tội phạm, phòng chống cháy nổ, an toàn giao thông, bảo vệ môi trường, khai báo tạm trú, tạm vắng...; tích hợp ứng dụng VNeID với các dịch vụ cho người dân như: Dịch vụ ngân hàng, mua sắm, thanh toán, giáo dục, y tế, tiện ích cho đối tượng yếu thế...

- Phối hợp với Bưu điện tỉnh, các sở, ngành, địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện Dịch vụ công trực tuyến tại các điểm Bưu điện trên địa bàn.

[...]