Kế hoạch 890/KH-UBND năm 2022 thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2021-2025

Số hiệu 890/KH-UBND
Ngày ban hành 07/03/2022
Ngày có hiệu lực 07/03/2022
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Ninh Thuận
Người ký Nguyễn Long Biên
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NINH THUẬN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 890/KH-UBND

Ninh Thuận, ngày 07 tháng 3 năm 2022

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG TỈNH NINH THUẬN GIAI ĐOẠN 2021 - 2025

Căn cứ Quyết định số 90/QĐ-TTg ngày 18/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025.

Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh, cụ thể như sau:

A. ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA GIẢM NGHÈO GIAI ĐOẠN 2016-2020.

I. Kết quả thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ của Chương trình.

Đầu giai đoạn (năm 2016) toàn tỉnh có 23.767 hộ nghèo, tỷ lệ 14,93% trên tổng số hộ dân; đến cuối năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm xuống còn 5,33%, bình quân mỗi năm giảm 1,92% (đến cuối năm 2021, toàn tỉnh còn 8.280 hộ nghèo chiếm 4,55% trên tổng số hộ dân). Về kết quả giảm nghèo đối với hộ nghèo dân tộc thiểu số: năm 2016, tỉnh có 12.556 hộ nghèo dân tộc thiểu số, đến cuối năm 2020, toàn tỉnh còn 5.901 hộ nghèo là hộ dân tộc thiểu số, giảm 6.655 hộ.

Tổng nguồn lực huy động cho chính sách giảm nghèo và Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh là 3.705,24 tỷ đồng trong đó: Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững là 423.469,37 triệu đồng, chiếm tỷ lệ 11,01%; vốn tín dụng 2.338 tỷ đồng chiếm 60,8%, vốn thực hiện chính sách giảm nghèo khác là 930,927 tỷ đồng chiếm 24,2%, vốn huy động từ các nguồn Quỹ và vận động của các cấp hội là 152,85 tỷ đồng chiếm tỷ lệ 3,97%.

Kết quả thực hiện các Dự án:

Dự án 1: (Chương trình 30a) Tổng kinh phí thực hiện là 286.930,12 triệu đồng. Trong đó: vốn chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo là 216.360 triệu đồng, vốn lồng ghép là 68.441,12 triệu đồng, huy động khác là 2.129 triệu đồng. Xây dựng và sửa chữa 233 công trình huyện nghèo và 15 công trình xã đặc biệt khó khăn, bãi ngang ven biển. Với 97 dự án hỗ trợ phát triển sản xuất và nhân rộng mô hình giảm nghèo.

Dự án 2: (Chương trình 135) Tổng kinh phí thực hiện là 134.597,28 triệu đồng. Trong đó: Ngân sách Trung ương: 128.890,28 triệu đồng; ngân sách địa phương: 5.707 triệu đồng. Giai đoạn 2016 - 2020 đã thực hiện xây dựng mới 154 công trình, duy tu bảo dưỡng 50 công trình, thu hút 3.067 hộ gia đình tham gia các dự án, mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế; tổ chức 182 lớp tập huấn cho 4.248 người tham gia.

Dự án 3: (Hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo): Tổng vốn thực hiện là 5.356,25 triệu đồng; Thực hiện hiệu quả các hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất và nhân rộng mô hình giảm nghèo với 17 mô hình và 335 hộ hưởng lợi.

Dự án 4: (Truyền thông và Giảm nghèo về thông tin): Tổ chức nhiều cuộc đối thoại chính sách giảm nghèo cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ dân tộc thiểu số; in ấn, cấp phát tờ rơi về chính sách giảm nghèo và lắp đặt Pano, băng rôn tuyên truyền phong trào “Cả nước chung tay vì người nghèo- không để ai bị bỏ lại phía sau” tạo thành phong trào sâu rộng trong nhân dân. Thực hiện hỗ trợ phương tiện nghe xem; Xây dựng trang Thông tin điện tử “giamngheo.ninhthuan.gov.vn” cung cấp đầy đủ thông tin liên quan đến Chương trình.

Dự án 5: (Nâng cao năng lực, giám sát đánh giá): Tổ chức biên soạn tài liệu và tập huấn nâng cao năng lực, bồi dưỡng, đào tạo cho các địa phương; thường xuyên tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát và phân công thành viên Ban Chỉ đạo tổ chức các đoàn kiểm tra liên ngành, qua đó tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc ở cơ sở trong quá trình thực hiện. Tổ chức các hội nghị sơ kết, tổng kết đánh giá kết quả thực hiện chính sách, chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững 05 năm, 03 năm và hàng năm. Kịp thời khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác giảm nghèo các cấp.

II. Những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân.

1. Hạn chế, tồn tại:

Tỷ lệ hộ nghèo bình quân chung của tỉnh hàng năm tuy có giảm (còn 4,55% vào cuối năm 2021) nhưng vẫn còn ở mức cao so với bình quân chung toàn quốc; Trong đó, tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi còn chiếm tỷ lệ cao, điều kiện để giảm nghèo ở những vùng này còn nhiều khó khăn. Nguồn lực huy động cho chương trình chủ yếu dựa vào các nguồn lực từ ngân sách là chính. Một số chính sách, dự án hỗ trợ giảm nghèo có mức đầu tư thấp, còn dàn trải, chồng chéo. Việc huy động nguồn lực tại chỗ để giảm nghèo ở địa phương còn khó khăn, chưa đáp ứng được nhu cầu hỗ trợ của người nghèo, dẫn đến việc giúp người nghèo thoát nghèo nhưng tính bền vững chưa cao. Công tác chỉ đạo, kiểm tra, giám sát của chính quyền địa phương một số nơi chưa được quan tâm thường xuyên, liên tục; bên cạnh đó việc triển khai thực hiện chưa có sự phối hợp đồng bộ giữa các sở, ngành, địa phương.

2. Nguyên nhân:

Nguyên nhân khách quan: Điều kiện tự nhiên - xã hội của tỉnh còn khó khăn, nhất là vùng dân tộc miền núi và tác động của thiên tai, dịch bệnh Covid-19; một số chính sách thực hiện giảm nghèo còn dàn trải, chưa phát huy hiệu quả.

Nguyên nhân chủ quan: Cấp ủy, chính quyền, người đứng đầu ở một số địa phương, nhất là cấp xã chưa phát huy hết vai trò, trách nhiệm để tập trung, quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ, giải pháp giảm nghèo bền vững tại địa phương. Công tác tuyên truyền, vận động thực hiện công tác giảm nghèo hiệu quả chưa cao; một số nội dung, hình thức tuyên truyền, vận động chưa thu hút được người dân quan tâm tham gia. Một bộ phận cán bộ, công chức ở cơ sở năng lực lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện chính sách giảm nghèo còn hạn chế.

III. Thực trạng hộ nghèo, hộ cận nghèo giai đoạn 2021-2025.

1. Hộ nghèo chung:

Cuối năm 2021, toàn tỉnh có số hộ nghèo là 14.208 hộ, chiếm tỷ lệ 7,82%; Hộ cận nghèo là 12.887 hộ, chiếm tỷ lệ 7,09% so số hộ toàn tỉnh. Như vậy, tỷ lệ hộ nghèo và hộ cận nghèo tỉnh Ninh Thuận đầu giai đoạn 2022 - 2025 là 14,91%.

Hộ nghèo trên địa bàn huyện nghèo 30a (Bác Ái): có 3.173 hộ nghèo, chiếm 40,09%; hộ cận nghèo là 655 hộ, chiếm 8,28%. Trong đó, hộ nghèo dân tộc thiểu số là 3.149 hộ chiếm 99,24%.

2. Mức độ thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản của hộ nghèo:

Thiếu hụt về việc làm: Toàn tỉnh có 12.981 hộ nghèo thiếu hụt chiều việc làm, trong đó hộ thiếu việc làm hoặc có việc làm nhưng không ổn định chiếm 57,25% so hộ nghèo. Hộ có tỷ lệ người phụ thuộc trên 50% thành viên hộ chiếm 34,11%.

Thiếu hụt về y tế và dinh dưỡng: Toàn tỉnh có 7.787 hộ nghèo thiếu hụt chiều y tế và dinh dưỡng, cụ thể: hộ gia đình có trẻ em dưới 16 tuổi suy dinh dưỡng chiều cao hoặc suy dinh dưỡng cân nặng theo độ tuổi chiếm 14,63%. Hộ có người không có bảo hiểm y tế chiếm 40,17%.

Thiếu hụt về giáo dục: Toàn tỉnh có 7.096 hộ nghèo thiếu hụt về giáo dục, cụ thể: Hộ ít nhất một người trong độ tuổi từ 16 tuổi đến 30 tuổi không tham gia các khóa đào tạo hoặc không có bằng cấp, chứng chỉ giáo dục đào tạo so với độ tuổi tương ứng chiếm 41,17%; hộ gia đình có ít nhất 1 trẻ em từ 3 tuổi đến dưới 16 tuổi không được học đúng bậc, cấp học phù hợp với độ tuổi chiếm 8,78%.

[...]