Kế hoạch 839/KH-UBND về đảm bảo an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng nông lâm thủy sản trong lĩnh vực nông nghiệp tỉnh Quảng Bình năm 2022

Số hiệu 839/KH-UBND
Ngày ban hành 19/05/2022
Ngày có hiệu lực 19/05/2022
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Quảng Bình
Người ký Hồ An Phong
Lĩnh vực Thể thao - Y tế

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG BÌNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 839/KH-UBND

Quảng Bình, ngày 19 tháng 5 năm 2022

 

KẾ HOẠCH

ĐẢM BẢO AN TOÀN THỰC PHẨM, NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG NÔNG LÂM THỦY SẢN TRONG LĨNH VỰC NÔNG NGHIỆP TỈNH QUẢNG BÌNH NĂM 2022

Thực hiện Quyết định số 1099/QĐ-BNN-QLCL ngày 25/3/2022 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc ban hành Kế hoạch đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP), nâng cao chất lượng nông lâm thủy sản trong lĩnh vực nông nghiệp năm 2022, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch đảm bảo ATTP, nâng cao chất lượng nông lâm thủy sản tỉnh Quảng Bình năm 2022 với nội dung chính như sau:

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

Bảo đảm an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng nông lâm thủy sản góp phần bảo vệ sức khỏe và quyền lợi của Nhân dân; nâng cao chất lượng, giá trị và khả năng cạnh tranh các sản phẩm nông thủy sản của tỉnh tại thị trường trong nước và xuất khẩu.

2. Mục tiêu cụ thể và chỉ tiêu đến hết năm 2022

- Ngăn chặn hiệu quả việc lưu thông, buôn bán, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, chất xử lý cải tạo môi trường, chất bảo quản, phụ gia ngoài danh mục, kém chất lượng, không an toàn trong trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản và chế biến thực phẩm nông lâm thủy sản.

- 75% cơ sở sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản thuộc diện cấp Giấy chứng nhận ATTP được cấp Giấy chứng nhận ATTP.

- 60% cơ sở sản xuất, kinh doanh nông thủy sản không thuộc diện cấp Giấy chứng nhận ATTP được ký cam kết sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn.

- Tỷ lệ mẫu thực phẩm nông lâm thủy sản giám sát vi phạm quy định về ô nhiễm sinh học, tạp chất, tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, hóa chất, kháng sinh duy trì dưới 3%. Tiếp tục kiểm soát tốt việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, hóa chất ngoài danh mục trong chế biến thực phẩm.

II. CÁC NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM, TRỌNG ĐIỂM

1. Rà soát các văn bản quy phạm pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về chất lượng vật tư nông nghiệp, ATTP nông lâm thủy sản để kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền kịp thời sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành văn bản mới, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật về quản lý vật tư nông nghiệp, ATTP nông lâm thủy sản.

2. Lồng ghép nhiệm vụ đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng đủ điều kiện sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản chất lượng, an toàn vào các kế hoạch, đề án, kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp và Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025.

3. Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật đảm bảo chất lượng vật tư nông nghiệp, ATTP nông lâm thủy sản. Triển khai có hiệu quả Chương trình tuyên truyền, vận động sản xuất kinh doanh nông sản thực phẩm chất lượng, an toàn vì sức khỏe cộng đồng, phát triển bền vững tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2022-2025 theo Kế hoạch số 139/KH-UBND ngày 28/01/2022 của UBND tỉnh.

4. Tổ chức đào tạo, tập huấn, chuyển giao khoa học công nghệ, khoa học quản lý đảm bảo ATTP, nâng cao chất lượng nông lâm thủy sản; ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, khoa học quản lý, chuyển đổi số trong quản lý chất lượng, ATTP, truy xuất nguồn gốc; hỗ trợ xây dựng, mở rộng vùng sản xuất tập trung các sản phẩm chủ lực của tỉnh theo chuỗi giá trị đảm bảo chất lượng, an toàn, truy xuất nguồn gốc.

5. Thanh tra, kiểm tra chất lượng vật tư nông nghiệp và ATTP nông lâm thủy sản theo Quyết định số 82/QĐ-UBND ngày 14/1/2022 của UBND tỉnh về phê duyệt kế hoạch thanh tra, kiểm tra năm 2022; Thanh tra đột xuất cơ sở sản xuất, kinh doanh nông thủy sản, vật tư nông nghiệp, truy xuất và xử lý triệt để các trường hợp vi phạm theo quy định; thẩm định, cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP theo Thông tư 38/2018/TT-BNNPTNT ngày 25/11/2018 và ký cam kết sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn theo Thông tư 17/2018/TT-BNNPTNT ngày 31/10/2018 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo phân công tại Quyết định số 37/2019/QĐ-UBND ngày 25/11/2019, số 18/2021/QĐ-UBND ngày 12/7/2021 của UBND tỉnh; thực hiện có hiệu quả công tác giám sát chất lượng, ATTP sản phẩm nông lâm thủy sản trên địa bàn.

6. Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho lực lượng quản lý chất lượng, ATTP. Ưu tiên nguồn lực phục vụ công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp và thực phẩm nông lâm thủy sản.

III. NGUỒN KINH PHÍ

Sử dụng nguồn kinh phí từ ngân sách Nhà nước cấp cho hoạt động quản lý chất lượng, ATTP và các nguồn kinh phí hợp pháp khác.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

- Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Chủ trì, đôn đốc các đơn vị, địa phương triển khai thực hiện kế hoạch đảm bảo đúng tiến độ, hiệu quả các chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra. Phối hợp với Báo Quảng Bình, Đài Phát thanh Truyền hình Quảng Bình tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật đảm bảo chất lượng vật tư nông nghiệp, ATTP nông lâm thủy sản.

- Các Sở, ngành: Y tế, Công Thương, Thông tin và Truyền thông, Công an tỉnh và các cơ quan, đơn vị có liên quan, theo chức năng, nhiệm vụ, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các địa phương triển khai các nội dung của kế hoạch đảm bảo tiến độ, hiệu quả.

- Đề nghị Hội Nông dân tỉnh, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh phối hợp chặt chẽ với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các sở ngành liên quan tổ chức thực hiện có hiệu quả Chương trình phối hợp tuyên truyền, vận động sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm chất lượng, an toàn vì sức khỏe cộng đồng, phát triển bền vững giai đoạn 2021 - 2025.

- Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã: Chỉ đạo các Phòng, ban, UBND cấp xã triển khai thực hiện có hiệu quả các nội dung, kế hoạch đề ra.

(Chi tiết phân công thực hiện tại Phụ lục kèm theo)

Yêu cầu các Sở, ngành, đơn vị, địa phương triển khai thực hiện./.

 

[...]