Kế hoạch 1997/KH-UBND năm 2022 thực hiện Đề án Đảm bảo an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng nông lâm thủy sản giai đoạn 2021-2030, trên địa bàn tỉnh Lai Châu

Số hiệu 1997/KH-UBND
Ngày ban hành 13/06/2022
Ngày có hiệu lực 13/06/2022
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Lai Châu
Người ký Hà Trọng Hải
Lĩnh vực Thể thao - Y tế

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LAI CHÂU
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1997/KH-UBND

Lai Châu, ngày 13 tháng 6 năm 2022

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN ĐỀ ÁN ĐẢM BẢO AN TOÀN THỰC PHẨM, NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG NÔNG LÂM THỦY SẢN GIAI ĐOẠN 2021-2030, TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LAI CHÂU

Thực hiện Quyết định số 1384/QĐ-BNN-QLCL ngày 15/4/2022 của Bộ Nông nghiệp và PTNT phê duyệt Đề án “Đảm bảo an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng nông, lâm thủy sản giai đoạn 2021-2030"; Ủy ban nhân dân tỉnh Lai Châu xây dựng kế hoạch thực hiện Đề án đảm bảo ATTP, nâng cao chất lượng nông lâm thủy sản giai đoạn 2021-2030, như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Cụ thể hóa các nội dung để triển khai thực hiện Đề án “Đảm bảo ATTP, nâng cao chất lượng nông lâm thủy sản giai đoạn 2021-2030” theo Quyết định số 1384/QĐ-BNN-QLCL ngày 15/4/2022 của Bộ Nông nghiệp và PTNT phù hợp với điều kiện của tỉnh Lai Châu; triển khai một số nội dung đề án phát triển một số nội dung về phát triển nông nghiệp hàng hoá tập trung giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030;

- Góp phần bảo vệ sức khỏe và quyền lợi của nhân dân; nâng cao chất lượng, giá trị và sức cạnh tranh của sản phẩm nông sản của tỉnh tại thị trường trong nước và quốc tế, gắn với truy xuất nguồn gốc sản phẩm;

- Huy động các nguồn lực xã hội nâng cấp cơ sở hạ tầng, phát triển hợp tác, liên kết sản xuất với tiêu thụ, ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi số để nâng cao chất lượng ATTP nông lâm thủy sản;

- Tiếp tục xây dựng và nhân rộng các chuỗi cung cấp thực phẩm nông lâm thủy sản an toàn, mô hình hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp gắn với thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) của tỉnh; xây dựng thương hiệu, tạo niềm tin của người tiêu dùng vào các sản phẩm chuỗi nông lâm thủy sản an toàn; hình thành thói quen, tập quán tiêu dùng thực phẩm an toàn có địa chỉ, nhãn mác hàng hóa, truy xuất được nguồn gốc sản phẩm.

2. Yêu cầu

- Tích cực triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp trên địa bàn nhất là chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp hàng hoá tập trung giai đoạn 2021-2025;

- Các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố chủ động, tích cực triển khai Kế hoạch theo chức năng nhiệm vụ được giao;

- Việc triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của đề án đảm bảo tính khoa học, đồng bộ, hiệu quả; thực hiện nghiêm túc việc đôn đốc, kiểm tra, giám sát, báo cáo, đánh giá tiến độ đối với việc thực hiện các nhiệm vụ của kế hoạch.

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu tổng quát

Tạo ra các sản phẩm nông sản có chất lượng cao, đảm bảo ATTP, phù hợp với các tiêu chuẩn tiên tiến phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong tỉnh, trong nước và hướng tới xuất khẩu. Tăng cường năng lực công tác quản lý chất lượng nông lâm thủy sản đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

2. Mục tiêu đến năm 2025

- Diện tích trồng trọt, diện tích nuôi thủy sản, số cơ sở chăn nuôi được chứng nhận các tiêu chuẩn, quy chuẩn ATTP (VietGAP, Global GAP, hữu cơ, RA, tiêu chuẩn xuất khẩu…) tăng 10%/năm (Dự kiến năm 2022: Tổng diện tích trồng trọt chứng nhận Hữu cơ, VietGAP, RA… 52,0 ha, thuỷ sản 7.700m3, chăn nuôi 1,2 ha);

- 80% cơ sở sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản được chứng nhận đủ điều kiện bảo đảm ATTP hoặc ký cam kết tuân thủ quy định ATTP (Dự kiến ký cam kết năm 2022 là 2.296/2950 cơ sở được thống kê; cấp 77 giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP);

- Số cơ sở sơ chế, chế biến thực phẩm nông lâm sản và thủy sản được chứng nhận HACCP, ISO 2200 (hoặc tương đương) tăng 01-02 cơ sở/năm (năm 2022 có 04 cơ sở được cấp chứng nhận ISO 2200 còn hiệu lực);

- Số cơ sở chế biến sâu (làm sẵn, ăn liền) tăng 01-02 cơ sở/năm (năm 2022 dự kiến có 01 cơ sở đi vào hoạt động ổn định);

- Tỷ lệ mẫu thực phẩm nông lâm thủy sản được giám sát vi phạm các quy định ATTP giảm 10%/năm; {Năm 2022 dự kiến lấy 94 mẫu (đã thực hiện lấy 69 mẫu 100% các mẫu đạt yêu cầu)};

- Hệ thống quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản từ tỉnh đến cơ sở được kiện toàn phù hợp với phân công, phân cấp;

- 100% cán bộ quản lý chất lượng ATTP nông lâm thủy sản các cấp được bồi dưỡng, cập nhật hàng năm về chuyên môn nghiệp vụ.

3. Mục tiêu giai đoạn 2026-2030

- Duy trì diện tích trồng trọt, diện tích nuôi thủy sản, số cơ sở chăn nuôi được chứng nhận các tiêu chuẩn, quy chuẩn ATTP (VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ, tiêu chuẩn xuất khẩu…) tăng 10%/năm; (tương đương: Tổng diện tích trồng trọt chứng nhận Hữu cơ, VietGAP, RA… 84,0 ha, thuỷ sản 12.400m3, chăn nuôi 2,0 ha);

- Duy trì 80% cơ sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản được chứng nhận đủ điều kiện bảo đảm ATTP hoặc ký cam kết tuân thủ quy định ATTP; (tương đương ký cam kết 3.056 cơ sở được thống kê và cấp 124 giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP);

- Duy trì số cơ sở sơ chế, chế biến thực phẩm nông lâm sản và thủy sản được chứng nhận HACCP, ISO 2200 (hoặc tương đương) từ 6-7 cơ sở;

[...]