Kế hoạch 800/KH-UBND năm 2019 về đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu chính ngạch các sản phẩm chủ lực của tỉnh An Giang năm 2020 và những năm tiếp theo

Số hiệu 800/KH-UBND
Ngày ban hành 06/12/2019
Ngày có hiệu lực 06/12/2019
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh An Giang
Người ký Lê Văn Nưng
Lĩnh vực Xuất nhập khẩu

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH AN GIANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 800/KH-UBND

An Giang, ngày 06 tháng 12 năm 2019

 

KẾ HOẠCH

ĐẨY MẠNH HOẠT ĐỘNG XUẤT KHẨU CHÍNH NGẠCH CÁC SẢN PHẨM CHỦ LỰC CỦA TỈNH AN GIANG NĂM 2020 VÀ NHỮNG NĂM TIẾP THEO

Căn cứ Quyết định số 565/QĐ-UBND ngày 03/4/2013 của Ủy ban nhân dân tỉnh về Phê duyệt kế hoạch thực hiện Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa tỉnh An Giang thời kỳ 2013-2020, định hướng đến năm 2030;

Căn cứ Quyết định số 281/QĐ-UBND tỉnh ngày 25 tháng 02 năm 2014 của Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang về việc phê duyệt quy hoạch vùng sản xuất lúa ứng dụng công nghệ cao tỉnh An Giang đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030;

Căn cứ Quyết định 1351/QĐ-UBND ngày 25 tháng 8 năm 2014 của Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang về việc phê duyệt quy hoạch chi tiết phát triển các vùng sản xuất chuyên canh hàng hóa (lúa, rau màu, thủy sản) tỉnh An Giang đến năm 2020, định hướng đến năm 2030;

Căn cứ Quyết định 1066/QĐ-UBND ngày 05 tháng 4 năm 2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang về việc ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình hành động của ban chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển nông nghiệp giai đoạn 2016-2020 định hướng đến 2025;

Căn cứ Quyết định 3878/QĐ-UBND ngày 28 tháng 12 năm 2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang về việc phê duyệt kế hoạch phát triển ngành hàng lúa gạo bền vững tỉnh An Giang từ nay đến năm 2020;

Căn cứ Quyết định số 1869/QĐ-UBND ngày 31 tháng 7 năm 2019 của Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang phê duyệt Kế hoạch “Phát triển vùng chuyên canh nếp huyện Phú Tân giai đoạn 2019 - 2020”;

Thực hiện Thông báo số 231-TB/TU ngày 15/7/2019 của Tỉnh ủy về Kết luận Hội nghị lần thứ 16 Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa X), Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang xây dựng Kế hoạch Đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu chính ngạch các sản phẩm chủ lực của tỉnh An Giang năm 2020 và những năm tiếp theo đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay như sau:

I. Đánh giá tình hình:

Từ năm 2012, Tỉnh ủy An Giang đã ban hành Nghị quyết phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, giai đoạn 2012 – 2020 và tầm nhìn đến năm 2030. Sau hơn 05 năm thực hiện, phương thức sản xuất đã chuyển biến theo hướng tích cực ứng dụng, chuyển giao thành tựu khoa học công nghệ, tiến bộ kỹ thuật, chú trọng tổ chức sản xuất hàng hóa lớn, gắn với liên kết tiêu thụ, sản phẩm được nâng cao về chất lượng và sức cạnh tranh thị trường, tư duy sản xuất dần thay đổi từ đặt nặng sản lượng sang các mục tiêu hiệu quả, bền vững và hội nhập. Đến nay, đã hình thành nhiều vùng sản xuất các sản phẩm nông sản chủ lực của tỉnh như lúa gạo (Jasmine, nếp), cây ăn quả (chuối, xoài), thủy sản (cá tra, tôm càng xanh, con giống thủy sản), rau an toàn, ....

Hoạt động xuất khẩu hàng hóa của tỉnh đạt được nhiều thành công, cả về quy mô và tốc độ. Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của tỉnh tăng qua từng năm (năm 2016 đạt 700 triệu USD, năm 2017 đạt 820 triệu USD, năm 2018 đạt 840 triệu USD và 10 tháng đầu năm 2019 đạt là 735 triệu USD). Trong đó, hàng nông sản cũng tăng trưởng qua từng năm (năm 2016 đạt 189 triệu USD, năm 2017 đạt 222 triệu USD, năm 2018 đạt 255 triệu USD và 10 tháng đầu năm 2019 đạt là 207 triệu USD); Kim ngạch xuất khẩu hàng thủy sản tăng trưởng qua từng năm (năm 2016 đạt 253 triệu USD, năm 2017 đạt 255 triệu USD, năm 2018 đạt 270 triệu USD và 10 tháng đầu năm 2019 đạt là 233 triệu USD).

Hội nhập kinh tế quốc tế đã tạo điều kiện cho các mặt hàng chủ lực của tỉnh như nông sản, thủy sản, rau quả đông lạnh..., cùng với cả nước chiếm lĩnh được nhiều thị trường lớn như: Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc,... góp phần tiêu thụ hàng hóa sản xuất trong tỉnh, tạo thu nhập ổn định, thúc đẩy sản xuất và phát triển thương mại.

Tuy nhiên, các mặt hàng xuất khẩu của tỉnh hiện nay phải đối mặt với nhiều thách thức bởi các rào cản kỹ thuật từ các thị trường nhập khẩu, cũng như sự cạnh tranh gay gắt từ sản phẩm cùng loại của các nước trong khu vực và thế giới như: Thái Lan, Campuchia, Ấn Độ, Pakistan,.... đặc biệt là cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung diễn biến khó dự đoán... Trong khi đó: Tư duy về nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao còn chưa nhất quán, chuyển biến nhận thức của nông dân, doanh nghiệp về tự lực đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao còn chậm, còn trông chờ vào nguồn hỗ trợ của nhà nước; Mô hình sản xuất theo chuỗi liên kết có thực hiện nhưng quy mô nhỏ lẽ, manh mún, phân tán, khó khăn cho công tác đầu tư, quản lý chất lượng, tiêu thụ sản phẩm, doanh nghiệp chưa thật sự quan tâm nhiều trong lĩnh vực liên kết sản xuất; Các sản phẩm xuất khẩu của tỉnh chủ yếu là thô, chưa có thương hiệu, sức cạnh tranh thấp; hệ thống cơ chế, chính sách chưa đồng bộ, hoạt động xúc tiến chưa có nhiều bức phá; kim ngạch xuất khẩu có xu hướng tăng chậm qua các năm; Thị trường xuất khẩu các sản phẩm chủ lực của tỉnh còn phụ thuộc nhiều vào Thị trường Trung Quốc (trên 70% giá trị xuất khẩu). Trong khi Trung Quốc ngày càng nâng cao hàng rào kỹ thuật về kiểm dịch động thực vật, do vậy yêu cầu về kiểm dịch động thực vật nhập khẩu vào nước này sẽ ngày càng khắc khe hơn. Từ năm 2018, Trung Quốc yêu cầu áp dụng truy xuất nguồn gốc đối với sản phẩm nhập khẩu, cụ thể trên bao bì phải có mã vùng trồng và cơ sở đóng gói; đến thời điểm hiện tại chỉ có 10 loại trái cây của Việt Nam có thể đi con đường chính ngạch vào thị trường Trung Quốc với các quy định kiểm dịch rất khắt khe.

Trước thực trạng trên, khai thác hiệu quả những tiềm năng, lợi thế của tỉnh, nhu cầu đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu chính ngạch các sản phẩm chủ lực của tỉnh là nhu cầu cấp thiết hiện nay.

II. Quan điểm:

- Đẩy mạnh xuất khẩu chính ngạch các sản phẩm chủ lực của tỉnh An Giang trong năm 2020 và những năm tiếp theo. Phấn đấu chỉ tiêu kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đến năm 2020 đạt 930 triệu USD, và tăng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh những năm tiếp theo.

- Các Sở, ban, ngành xem đây là nhiệm vụ trọng tâm trong giai đoạn hiện nay nhằm giúp các doanh nghiệp vượt qua khó khăn, đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa; phân công rõ trách nhiệm cho các Sở, ban, ngành để chủ động triển khai và kiểm tra đánh giá việc tổ chức thực hiện các giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu của tỉnh trong thời gian tới.

III. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung: Phấn đấu kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đến năm 2025 ước đạt 1,2 tỷ USD và duy trì tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm là 5,2% đến năm 2025.

Cụ thể hóa những nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu để thực hiện có hiệu quả chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa thời kỳ 2011-2020, định hướng đến năm 2030 được phê duyệt tại Quyết định số 2471/QĐ-TTg ngày 28/12/2011 của Thủ tướng Chính phủ; Quyết định số 950/QĐ-TTg ngày 25/7/2012 của Thủ tướng Chính phủ ban hành chương trình hành động thực hiện Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa thời kỳ 2011-2020 định hướng đến năm 2030 và kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.

2. Mục tiêu cụ thể: Từ năm 2021 đến năm 2025: Phấn đấu tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 5.285 triệu USD; Nâng cao chất lượng và giá trị gia tăng của các mặt hàng đang có lợi thế xuất khẩu như: mặt hàng gạo đạt giá trị 1.455 triệu USD; mặt hàng thủy sản đạt giá trị 1.560 triệu USD, mặt hàng rau quả đạt 93 triệu USD; trong đó tỷ trọng sản phẩm giá trị gia tăng đến 50%; Có ít nhất 02 sản phẩm được xây dựng thương hiệu.

IV. Giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu chính ngạch các sản phẩm chủ lực của tỉnh năm 2020 và những năm tiếp theo:

1. Lựa chọn sản phẩm để thực hiện kế hoạch xuất khẩu:

Trong khuôn khổ kế hoạch này chỉ tập trung vào 05 sản phẩm chủ lực của tỉnh là: cá tra, gạo, nếp, chuối, xoài và một số loại trái cây tiềm năng như cây có múi, nhãn, sầu riêng... để tập trung đẩy mạnh các giải pháp nhằm nâng chất hoạt động xuất khẩu của tỉnh trong thời gian tới.

2. Xây dựng vùng nguyên liệu:

- Tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền cho cả người dân và doanh nghiệp nắm và hiểu được nhu cầu và tiêu chuẩn hiện nay của các thị trường nhập khẩu để từ đó có kế hoạch tổ chức sản xuất cho phù hợp với nhu cầu của thị trường. Trên cơ sở xác định các sản phẩm chủ lực của từng địa phương, trong đó phân định cụ thể sản phẩm nào ưu tiên phát triển trước để tập trung nguồn lực đầu tư đúng mức, tăng cường nguồn lực xã hội cùng phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

- Định hướng, hỗ trợ nông dân và doanh nghiệp từng bước chuyển đổi theo hướng chất lượng, giá trị gia tăng cao theo chuỗi bền vững, từng bước hạn chế chạy theo số lượng và xuất khẩu thô, Mở rộng diện tích áp dụng quy trình sản xuất thực hành nông nghiệp tốt (GAP) hoặc sản xuất theo VietGAP, GlobalGAP hoặc Organic nhằm chuẩn bị cho công tác xây dựng mã vùng trồng phục vụ cho xuất khẩu chính ngạch.

[...]