Kế hoạch 79/KH-UBND về thực hiện nhiệm vụ, giải pháp khắc phục tồn tại, hạn chế, nâng cao chỉ số cải cách hành chính, chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước, chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công tỉnh Yên Bái năm 2020

Số hiệu 79/KH-UBND
Ngày ban hành 31/03/2020
Ngày có hiệu lực 31/03/2020
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Yên Bái
Người ký Đỗ Đức Duy
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH YÊN BÁI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 79/KH-UBND

Yên Bái, ngày 31 tháng 3 năm 2020

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN CÁC NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP KHẮC PHỤC CÁC TỒN TẠI, HẠN CHẾ, NÂNG CAO CHỈ SỐ CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH, CHỈ SỐ HÀI LÒNG CỦA NGƯỜI DÂN, TỔ CHỨC ĐỐI VỚI SỰ PHỤC VỤ CỦA CƠ QUAN HÀNH CHÍNH NHÀ NƯỚC, CHỈ SỐ HIỆU QUẢ QUẢN TRỊ VÀ HÀNH CHÍNH CÔNG TỈNH YÊN BÁI NĂM 2020

Thực hiện Chương trình hành động số 190-CTr/TU ngày 26/11/2019 của Tỉnh ủy Yên Bái về thực hiện Kết luận số 63-KL/TW ngày 18/10/2019 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII và Nghị quyết Hội nghị lần thứ 27 Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về thực hiện nhiệm vụ chính trị của tỉnh năm 2020 (Chương trình hành động số 190-CTr/TU); Kết luận số 509-KL/TU ngày 06/3/2020 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Yên Bái về phân công nhiệm vụ trọng tâm tháng 3/2020 đối với các đồng chí thành viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy; Chương trình hành động số 02/CTr-UBND ngày 15/01/2020 của UBND tỉnh Yên Bái về thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01/01/2020 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2020 (Chương trình hành động số 02/CTr-UBND); Kế hoạch số 183/KH-UBND ngày 10/7/2019 của UBND tỉnh về thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp khắc phục các tồn tại, hạn chế; cải thiện, nâng cao hiệu quả công tác cải cách hành chính (CCHC), cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh Yên Bái trong năm 2019 và các năm tiếp theo (Kế hoạch số 183/KH-UBND), Ủy ban Nhân dân (UBND) tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp khắc phục các tồn tại, hạn chế; tiếp tục cải thiện, nâng cao Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX), Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS), Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI) của tỉnh Yên Bái năm 2020, cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

Các sở, ban, ngành, Ủy ban Nhân dân các huyện, thị xã, thành phố, các cơ quan, đơn vị có liên quan trong toàn tỉnh quán triệt sâu, rộng Chương trình hành động số 190-CTr/TU ngày 26/11/2019 của Tỉnh ủy Yên Bái; Chương trình hành động số 02/CTr-UBND ngày 15/01/2020 của UBND tỉnh Yên Bái và Kế hoạch số 183/KH-UBND ngày 10/7/2019 của UBND tỉnh đến cán bộ, đảng viên và nhân dân, đề ra các nhiệm vụ, giải pháp khắc phục các tồn tại, hạn chế để nâng cao Chỉ số cải cách hành chính; Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công của tỉnh Yên Bái nhằm góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch phát triển KT-XH của tỉnh năm 2020.

2. Yêu cầu

- Xác định việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ CCHC nói chung và nhiệm vụ đề ra tại Kế hoạch này là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, cần tập trung chỉ đạo thường xuyên, quyết liệt và tổ chức thực hiện có hiệu quả gắn với nhiệm vụ phát triển KT-XH của tỉnh.

- Giám đốc, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, địa phương trực tiếp chỉ đạo xây dựng Kế hoạch và thực hiện kiểm tra, giám sát việc các nhiệm vụ thuộc phạm vi, trách nhiệm của cơ quan, địa phương mình, đồng thời phải chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh về kết quả thực hiện, đây là cơ sở để xem xét mức độ hoàn thành nhiệm vụ và bình xét thi đua khen thưởng hàng năm của người đứng đầu, cấp phó người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương.

- Sau khi Trung ương công bố các Chỉ số PAR INDEX, SIPAS, PAPI năm 2019 của tỉnh Yên Bái, các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố, các cơ quan, đơn vị có liên quan khẩn trương tiến hành rà soát, tìm nguyên nhân các tiêu chí, tiêu chí thành phần thuộc lĩnh vực chuyên môn của đơn vị, địa phương chưa đạt điểm theo yêu cầu để đưa các giải pháp tối ưu khắc phục, cải thiện, nâng cao các Chỉ số nêu trên trong năm 2020.

II. MỤC TIÊU

1. Phấn đấu Chỉ số PAR INDEX năm 2020 của tỉnh Yên Bái tăng từ 04-06 bậc so với năm 2019 và nằm trong nhóm dẫn đầu các tỉnh miền núi phía Bắc.

2. Khắc phục cả 05 yếu tố cơ bản của Chỉ số SIPAS; nâng Chỉ số này đạt mức trên 80% sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh.

3. Thực hiện tốt, đồng bộ cả 08 nội dung đánh giá của Chỉ số PAPI năm 2020; phấn đấu đạt 04/08 Chỉ số nội dung được đánh giá thuộc nhóm các tỉnh đạt mức cao nhất; 04/08 Chỉ số nội dung được đánh giá thuộc nhóm các tỉnh đạt mức trung bình cao và Chỉ số tổng hợp chung của tỉnh đạt mức trung bình cao.

III. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP CHỦ YẾU

1. Đối với Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX)

a) Sở Nội vụ (Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của tỉnh) chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương liên quan:

- Tham mưu tổ chức hiện có hiệu quả công tác chỉ đạo điều hành cải cách hành chính của UBND tỉnh. Tham mưu triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ về cải cách tổ chức bộ máy; xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức được giao tại các Chương trình hành động của Tỉnh ủy, UBND tỉnh theo Nghị quyết số 18-NQ/TW và Nghị quyết số 19-NQ/TW của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII.

- Kịp thời tham mưu, xây dựng phương án sắp xếp các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, cấp huyện sau khi có Nghị định của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 24/2014/NĐ-CP ngày 04/4/2014 quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Nghị định số 37/2014/NĐ-CP ngày 05/5/2014 quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh; phương án giảm số lượng cấp phó các cơ quan, đơn vị vượt quá số lượng, sau hợp nhất, sáp nhập đảm bảo đúng quy định; rà soát có kế hoạch tuyển dụng công chức, viên chức đối với các cơ quan, đơn vị đã thực hiện tinh giản biên chế bảo đảm đúng tỷ lệ quy định.

- Báo cáo kết quả tổ chức thực hiện Nghị quyết số 21/NQ-CP ngày 21/3/2016 của Chính phủ về phân cấp quản lý nhà nước giữa Chính phủ và UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về lĩnh vực quản lý công vụ, cán bộ, công chức, viên chức.

- Tham mưu cho UBND tỉnh điều chỉnh, bổ sung, ban hành mới các quy định về phân cấp quản lý cán bộ, công chức, viên chức (tuyển dụng, bổ nhiệm, nâng bậc lương...), xong trong tháng 05/20250.

- Hoàn thành việc tham mưu, đề xuất UBND tỉnh có các giải pháp để nâng cao tỷ lệ đạt chuẩn của cán bộ, công chức cấp xã, xong trong Quý III/2020.

b) Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương liên quan:

- Tham mưu, theo dõi việc nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đảm bảo tính hợp pháp, đồng bộ, thống nhất, khả thi. Đôn đốc, hướng dẫn các ngành thực hiện tự kiểm tra, rà soát, đánh giá việc thực hiện văn bản quy phạm pháp luật và theo dõi tình hình thi hành pháp luật trên địa bàn tỉnh.

- Tham mưu và tổ chức thực hiện giải pháp hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, các hộ kinh doanh chuyển đổi thành mô hình doanh nghiệp.

c) Văn phòng Đoàn ĐBQH, HĐND và UBND tỉnh:

- Phối hợp với các sở, ngành, địa phương liên quan thường xuyên rà soát, tham mưu, kiến nghị, đề xuất cắt giảm thủ tục hành chính (TTHC) gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp nhưng phải bảo đảm yêu cầu quản lý nhà nước; rà soát, công bố nhóm TTHC liên thông thuộc phạm vi, thẩm quyền được giao; rà soát, trình Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt nhóm các TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết ở cấp tỉnh, cấp huyện nhưng tiếp nhận và trả kết quả tại cấp huyện, cấp xã hoặc thông qua dịch vụ bưu chính công ích, xong trong tháng 5/2020.

- Chú trọng nâng cao hiệu quả, chất lượng hoạt động của Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh và Bộ phận Phục vụ hành chính công cấp huyện, cấp xã bảo đảm thực chất, giảm tỷ lệ trễ hẹn trong giải quyết hồ sơ; thực hiện nghiêm túc việc xin lỗi người dân, tổ chức khi để xảy ra trễ hẹn, tránh gây bức xúc, tạo dư luận không tốt trong nhân dân.

[...]