Kế hoạch 642/KH-UBND năm 2024 thực hiện Quy hoạch hạ tầng phòng cháy và chữa cháy thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 do tỉnh Quảng Bình ban hành

Số hiệu 642/KH-UBND
Ngày ban hành 15/04/2024
Ngày có hiệu lực 15/04/2024
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Quảng Bình
Người ký Đoàn Ngọc Lâm
Lĩnh vực Xây dựng - Đô thị,Tài nguyên - Môi trường

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG BÌNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 642/KH-UBND

Quảng Bình, ngày 15 tháng 4 năm 2024

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN QUY HOẠCH HẠ TẦNG PHÒNG CHÁY VÀ CHỮA CHÁY THỜI KỲ 2021 - 2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050

Thực hiện Quyết định số 203/QĐ-TTg ngày 28/02/2024 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch thực hiện Quy hoạch hạ tầng phòng cháy và chữa cháy (PCCC) thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quyết định số 203), Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh ban hành Kế hoạch với các nội dung sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Nâng cao nhận thức và hành động, tổ chức thực hiện có hiệu quả Quyết định số 819/QĐ-TTg ngày 07/7/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch hạ tầng PCCC thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quyết định số 819) và Quyết định 377/QĐ-TTg ngày 12/4/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh Quảng Bình thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quyết định số 377);

- Xác định các nhiệm vụ, giải pháp, danh mục các dự án cụ thể triển khai thực hiện theo từng giai đoạn từ nay đến năm 2030 phù hợp với điều kiện của các sở, ban, ngành, địa phương; xác định rõ phương thức, nguồn lực, cơ chế phối hợp giữa các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố trong việc triển khai thực hiện;

- Định hướng cho các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố trong việc xây dựng kế hoạch, phối hợp với Công an tỉnh và các đơn vị liên quan trong việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp thực hiện quy hoạch trong từng giai đoạn.

2. Yêu cầu

- Kế hoạch thực hiện quy hoạch phải bám sát mục tiêu, định hướng của Quy hoạch hạ tầng PCCC thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 819 và Quyết định số 377;

- Đảm bảo tính tuân thủ, tính kế thừa các chương trình hành động, kế hoạch thực hiện quy hoạch cấp tỉnh, kế hoạch đầu tư công đã được phê duyệt; đảm bảo tính liên kết, thống nhất, không chồng lấn, mâu thuẫn giữa các nhiệm vụ, chương trình, dự án của các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố;

- Đảm bảo tính khả thi, linh hoạt trong quá trình tổ chức thực hiện; không để xảy ra tiêu cực, tham nhũng, lãng phí khi sử dụng các nguồn lực;

- Huy động tối đa các nguồn lực và sự tham gia của các thành phần kinh tế để phát triển hạ tầng PCCC;

- Phân bổ nguồn lực có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với khả năng huy động nguồn vốn; kết hợp hài hòa giữa các nguồn lực, đầu tư công tập trung cho các dự án quan trọng của tỉnh;

- Đề cao tính chủ động, sáng tạo, linh hoạt của các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố trong triển khai thực hiện; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho UBND các huyện, thị xã, thành phố đầu tư kết cấu hạ tầng PCCC; đồng thời, tăng cường giám sát, kiểm tra ở các cấp.

II. NỘI DUNG CHỦ YẾU

1. Các nhóm nhiệm vụ trọng tâm và lộ trình thực hiện

a) Nhiệm vụ thực hiện các thủ tục theo quy định của pháp luật về quy hoạch

- Tổ chức tuyên truyền phổ biến nội dung quy hoạch, cung cấp thông tin về quy hoạch hạ tầng PCCC thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 để các tổ chức, Nhân dân tham gia giám sát việc thực hiện quy hoạch, tham gia phát triển hạ tầng PCCC theo quy hoạch được phê duyệt;

- Hoàn thiện cơ sở dữ liệu quy hoạch, hệ thống sơ đồ, bản đồ quy hoạch của tỉnh bảo đảm thống nhất với nội dung phê duyệt tại Quyết định số 819, Quyết định số 377 của Thủ tướng Chính phủ và các quy định của pháp luật có liên quan;

- Báo cáo, đánh giá việc thực hiện quy hoạch hạ tầng PCCC định kỳ hàng năm, 05 năm hoặc đột xuất theo yêu cầu của cấp có thẩm quyền.

(Các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai thực hiện các nội dung cụ thể tại Phụ lục I gửi kèm theo Kế hoạch này).

b) Nhiệm vụ hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật về PCCC

- Tham gia góp ý, đề xuất cấp có thẩm quyền sửa đổi, ban hành Luật PCCC và cứu nạn, cứu hộ (CNCH) theo trình tự, thủ tục quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; rà soát, đề xuất hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật để tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho hoạt động đầu tư, quản lý, khai thác, bảo trì hệ thống hạ tầng PCCC;

- Rà soát, đề xuất sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến cơ chế chính sách để thực hiện khả thi, hiệu quả các mục tiêu của quy hoạch hạ tầng PCCC, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, của từng huyện, thị xã, thành phố;

- Đề xuất hoàn thiện chế độ, chính sách nhằm thu hút nhân lực phục vụ chuyên nghiệp trong lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH đã được xác định tại Quyết định số 819, Quyết định số 377 của Thủ tướng Chính phủ phù hợp với tình hình thực tế của tỉnh;

- Đề xuất hoàn thiện và xây dựng bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật về thu hút nguồn vốn, quản lý và sử dụng các nguồn vốn hợp pháp ngoài ngân sách cho phát triển hạ tầng PCCC theo quy hoạch được phê duyệt và phù hợp với tình hình thực tế của tỉnh.

(Các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai thực hiện các nội dụng cụ thể tại Phụ lục I gửi kèm theo Kế hoạch này).

[...]