Kế hoạch 317/KH-UBND năm 2024 thực hiện Quyết định 203/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch thực hiện Quy hoạch hạ tầng phòng cháy, chữa cháy thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 do tỉnh Nghệ An ban hành

Số hiệu 317/KH-UBND
Ngày ban hành 25/04/2024
Ngày có hiệu lực 25/04/2024
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Nghệ An
Người ký Lê Hồng Vinh
Lĩnh vực Xây dựng - Đô thị,Tài nguyên - Môi trường

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NGHỆ AN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 317/KH-UBND

Nghệ An, ngày 25 tháng 4 năm 2024

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN QUYẾT ĐỊNH SỐ 203/QĐ-TTG NGÀY 28/02/2024 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ PHÊ DUYỆT KẾ HOẠCH THỰC HIỆN QUY HOẠCH HẠ TẦNG PHÒNG CHÁY VÀ CHỮA CHÁY THỜI KỲ 2021 - 2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050

Thực hiện Quyết định số 203/QĐ-TTg ngày 28/02/2024 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch thực hiện Quy hoạch hạ tầng phòng cháy và chữa cháy thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Cụ thể hóa các nội dung, quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của Quyết định số 203/QĐ-TTg đảm bảo thực hiện thống nhất, đồng bộ và hiệu quả trên địa bàn toàn tỉnh. Xác định rõ nguồn lực, giải pháp thực hiện Quy hoạch hạ tầng phòng cháy và chữa cháy thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (sau đây viết tắt là Quy hoạch) theo Quyết định số 203/QĐ-TTg.

2. Phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành Trung ương trong việc triển khai thực hiện các quy hoạch phát triển hạ tầng phòng cháy, chữa cháy của địa phương theo các thời kỳ, bảo đảm liên kết vùng, kết nối đồng bộ, hiệu quả với quy hoạch tổng thể quốc gia, các quy hoạch ngành.

3. Quá trình thực hiện phải bám sát mục tiêu, định hướng theo Kế hoạch số 644/KH-UBND ngày 31/8/2023 của UBND tỉnh về triển khai thực hiện Quyết định số 819/QĐ-TTg ngày 07/7/2023 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Quy hoạch hạ tầng phòng cháy và chữa cháy thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Căn cứ phân kỳ các mốc thời gian trong Quy hoạch để kiểm tra, đôn đốc nhằm hoàn thành mục tiêu, định hướng mà Quy hoạch đã xác định. Các sở, ban, ngành và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã phải xác định rõ nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm cần tập trung thực hiện trong từng giai đoạn, đảm bảo việc triển khai thực hiện Quyết định số 203/QĐ-TTg có hiệu quả, đúng tiến độ.

II. NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM

1. Nhiệm vụ thực hiện các thủ tục theo quy định của pháp luật về quy hoạch

- Tổ chức công bố quy hoạch, tuyên truyền phổ biến nội dung quy hoạch, cung cấp thông tin về quy hoạch hạ tầng phòng cháy và chữa cháy thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 để các tổ chức, nhân dân tham gia giám sát việc thực hiện quy hoạch, tham gia phát triển hạ tầng phòng cháy và chữa cháy theo quy hoạch được phê duyệt.

- Báo cáo, đánh giá việc thực hiện quy hoạch hạ tầng phòng cháy và chữa cháy định kỳ hằng năm, 05 năm hoặc đột xuất theo yêu cầu của cấp có thẩm quyền.

2. Nhiệm vụ hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật về phòng cháy và chữa cháy

- Nghiên cứu, tham gia góp ý đề xuất sửa đổi, ban hành Luật Phòng cháy và chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; rà soát, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật của địa phương để tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho hoạt động đầu tư, quản lý, khai thác, bảo trì hệ thống hạ tầng phòng cháy và chữa cháy.

- Tham gia góp ý đề xuất sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến cơ chế chính sách để thực hiện khả thi, hiệu quả các mục tiêu của quy hoạch hạ tầng phòng cháy và chữa cháy, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

3. Nhiệm vụ lập, điều chỉnh quy hoạch

- Rà soát, điều chỉnh, xây dựng các quy hoạch, dự án có liên quan đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ với quy hoạch hạ tầng phòng cháy và chữa cháy thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên địa bàn tỉnh.

- Tổ chức tích hợp các nội dung trong quy hoạch hạ tầng phòng cháy và chữa cháy vào quy hoạch ngành, quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; đồng thời, cập nhật những nội dung liên quan trong quy hoạch ngành, quy hoạch tỉnh để đảm bảo tuân thủ định hướng phát triển theo quy hoạch hạ tầng phòng cháy và chữa cháy thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

4. Phát triển mạng lưới trụ sở, doanh trại, công trình phục vụ phòng cháy và chữa cháy

4.1. Quan tâm đầu tư xây dựng trụ sở, doanh trại, công trình của lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; ưu tiên bố trí trụ sở các đơn vị Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ tại các khu vực đô thị, các khu vực trọng điểm về phòng cháy và chữa cháy, đảm bảo mỗi đơn vị hành chính cấp huyện có tối thiểu 01 Đội Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.

4.2. Xây dựng trụ sở, công trình của lực lượng phòng cháy, chữa cháy chuyên ngành, cơ sở, dân phòng và tình nguyện

- Xây dựng, bố trí trụ sở làm việc cho các Đội phòng cháy và chữa cháy chuyên ngành; bảo đảm điều kiện hoạt động cho các Đội phòng cháy, chữa cháy cơ sở và chuyên ngành phù hợp với quy hoạch, định hướng phát triển ngành, lĩnh vực, cơ quan, đơn vị theo quy định của pháp luật.

- Bố trí, sắp xếp trụ sở làm việc và bảo đảm các điều kiện hoạt động cho lực lượng dân phòng phù hợp với quy mô, tính chất hoạt động ở địa phương.

- Nghiên cứu thí điểm thành lập và bố trí địa điểm hoạt động cho Đội phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ tình nguyện tại các khu đô thị, khu dân cư, làng nghề sản xuất, kinh doanh hàng hóa dễ cháy, nổ, cụm gia đình hoạt động kinh doanh dịch vụ...

4.3. Phát triển hệ thống cung cấp nước phục vụ phòng cháy và chữa cháy

- Phát triển đồng bộ hệ thống cấp nước phòng cháy, chữa cháy tại các đô thị, khu công nghiệp, cụm công nghiệp đảm bảo tổng lưu lượng nước chữa cháy và phù hợp với định hướng phát triển cấp nước đô thị, khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh; các đường ống, họng, trụ lấy nước chữa cháy đảm bảo các yêu cầu về lưu lượng, áp lực cần thiết theo các tiêu chuẩn, quy chuẩn về phòng cháy, chữa cháy và được lắp đặt thống nhất trên toàn bộ hệ thống cấp nước đô thị, khu công nghiệp, cụm công nghiệp và các địa bàn trọng điểm thuộc phạm vi lập quy hoạch.

- Khai thác triệt để và sử dụng hiệu quả các nguồn nước phục vụ công tác phòng cháy, chữa cháy; hoàn thành xây dựng các điểm lấy nước (bến, bãi, hố ga) thuận tiện cho xe chữa cháy lấy nước tại các ao, hồ, sông, suối, kênh... được quy hoạch làm nguồn nước phòng cháy, chữa cháy; nghiên cứu quy hoạch các điểm phục vụ cho máy bay chữa cháy lấy nước ở những nơi cần thiết.

- Xây dựng các bể nước phòng cháy, chữa cháy cho từng khu vực tại các khu dân cư có đường hẹp, không thể lắp đặt họng, trụ nước chữa cháy hoặc không có hệ thống cấp nước tập trung và nguồn nước tự nhiên; phấn đấu đến năm 2030 hầu hết các khu dân cư trên đều được xây dựng bể nước phòng cháy, chữa cháy.

4.4. Phát triển hệ thống giao thông phục vụ phòng cháy và chữa cháy

[...]