Kế hoạch 64/KH-UBND năm 2022 thực hiện Đề án Phát triển thị trường trong nước và Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” giai đoạn 2022-2025 trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang

Số hiệu 64/KH-UBND
Ngày ban hành 23/04/2022
Ngày có hiệu lực 23/04/2022
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Tuyên Quang
Người ký Nguyễn Mạnh Tuấn
Lĩnh vực Thương mại

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH TUYÊN QUANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 64/KH-UBND

Tuyên Quang, ngày 23 tháng 4 năm 2022

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN ĐỀ ÁN PHÁT TRIỂN THỊ TRƯỜNG TRONG NƯỚC VÀ CUỘC VẬN ĐỘNG “NGƯỜI VIỆT NAM ƯU TIÊN DÙNG HÀNG VIỆT NAM” GIAI ĐOẠN 2022-2025 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH TUYÊN QUANG

Thực hiện Chỉ thị số 03-CT/TW ngày 19/5/2021 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Cuộc vận động “ Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trong tình hình mới; Quyết định số 386/QĐ-TTg ngày 17/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” giai đoạn 2021 - 2025 (gọi tắt là Đề án); Kế hoạch số 10/KH-BCĐCVĐ ngày 29/11/2021 của Ban Chỉ đạo Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tỉnh Tuyên Quang. Ủy ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án phát triển thị trường trong nước và Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” giai đoạn 2022 - 2025, cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Tuyên truyền, phổ biến và triển khai thực hiện kịp thời, hiệu quả Chỉ thị số 03-CT/TW ngày 19/5/2021 của Ban Bí thư Trung ương Đảng; đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” giai đoạn 2021 - 2025 ban hành kèm theo Quyết định số 386/QĐ-TTg ngày 17/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ nhằm khơi dậy niềm tự hào hàng Việt Nam, giúp nhận thức đúng khả năng sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp Việt Nam; xây dựng văn hóa tiêu dùng của người Việt Nam trên tinh thần yêu nước, tự cường, tự tôn dân tộc.

2. Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động phải phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh, đáp ứng nhu cầu sản xuất và tiêu dùng của nhân dân; đẩy mạnh phát triển hệ thống phân phối, tạo điều kiện đưa các dịch vụ, hàng hóa thiết yếu, nhất là hàng Việt Nam có thế mạnh, chất lượng đến tay người tiêu dùng.

3. Gắn kết các nhiệm vụ, giải pháp của Cuộc vận động với các chương trình, đề án, kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm an sinh và giữ vững an ninh chính trị trên địa bàn tỉnh, đề cao trách nhiệm thực hiện của các sở, ban, ngành, Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố và các tổ chức, cá nhân liên quan đảm bảo tính khả thi, thiết thực và hiệu quả.

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

Đẩy mạnh các hoạt động phát triển thị trường; huy động và sử dụng có hiệu quả nguồn lực của các chủ thể sản xuất, kinh doanh hàng Việt Nam thuộc mọi thành phần kinh tế; kết hợp hài hòa giữa kinh doanh truyền thống và hiện đại; nâng cao chất lượng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ thương hiệu Việt; đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi đưa hàng hóa thiết yếu, hàng Việt Nam có thế mạnh đến tay người tiêu dùng nhằm nâng cao sức mua, thúc đẩy sản xuất, tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội theo tinh thần Chỉ thị số 03-CT/TW ngày 19/5/2021 của Ban Bí thư Trung ương Đảng.

2. Mục tiêu cụ thể đến năm 2025

- Giữ thị phần hàng Việt Nam có thế mạnh với tỷ lệ trên 85% tại các kênh phân phối hiện đại (trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini...) và trên 80% các kênh phân phối truyền thống (chợ, cửa hàng tạp hóa...).

- Trên 90% người tiêu dùng và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh biết đến Chương trình nhận diện hàng Việt Nam với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam”, “Tinh hoa hàng Việt Nam”.

- Trên 90% doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh biết đến phong trào “Hàng Việt Nam chinh phục người Việt Nam” và trên 70% doanh nghiệp tham gia phong trào này.

- 100% các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh triển khai mô hình Điểm b án hàng Việt Nam với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam”, “Tinh hoa hàng Việt Nam”.

- Tổ chức và tham gia từ 3 đến 5 chương trình kết nối cung cầu cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh hàng Việt Nam.

- Xây dựng và hình thành trên 05 chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm của doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, hộ nông dân trên địa bàn tỉnh tại thị trường trong nước.

III. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP

1. Công tác thông tin, tuyên truyền

- Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về Cuộc vận động, sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đến các cơ quan, đơn vị, tổ chức đoàn thể và nhân dân trên địa bàn tỉnh nhằm nâng cao nhận thức về Cuộc vận động, đồng thời hiểu, đánh giá đúng về chất lượng hàng Việt Nam và các sản phẩm “Tinh hoa hàng Việt Nam”; khả năng sản xuất, kinh doanh và đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của doanh nghiệp Việt Nam, từ đó ưu tiên mua sắm, sử dụng hàng Việt Nam khi có nhu cầu mua sắm công trong tiêu dùng hàng ngày và trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh.

- Tăng cường thông tin, tuyên truyền, vận động các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đẩy mạnh hợp tác, liên kết, sử dụng kỹ thuật, máy móc, thiết bị, nguyên liệu trong nước sản xuất được; chú trọng nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa và dịch vụ; thực hiện các cam kết bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng; từng bước xây dựng, bảo vệ và phát triển thương hiệu cho các sản phẩm, hàng hóa của tỉnh không chỉ tại thị trường trong nước mà còn vươn ra thị trường khu vực và thế giới.

- Đa dạng hóa các hoạt động tuyên truyền cổ động về Cuộc vận động bằng các hình thức, nội dung phù hợp tại các địa điểm công cộng, các thiết chế văn hóa công cộng; sử dụng công nghệ thông tin, phát huy ưu điểm của phương tiện truyền thông trên internet, văn hóa nghệ thuật, phim ảnh,... để quảng bá hàng hóa và doanh nghiệp Việt Nam.

- Kịp thời cập nhật và công bố thường xuyên danh mục máy móc, thiết bị, vật tư, nguyên liệu, các sản phẩm, dịch vụ, công nghệ,... trong nước sản xuất được; danh mục quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn quốc gia mới ban hành; thông tin về diễn biến thị trường, giá cả các mặt hàng thiết yếu, nhất là hàng hóa sản xuất trong nước trên các phương tiện thông tin đại chúng để phục vụ các tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng.

- Tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức của doanh nghiệp, người tiêu dùng về thương mại điện tử, các mô hình ứng dụng công nghệ 4.0 vào sản xuất, kinh doanh thông qua các phóng sự và hoạt động truyền thông đa kênh.

- Tổ chức tuyên truyền về Cuộc vận động trong nhà trường phù hợp với từng cấp học.

- Các sở, ban, ngành phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Mặt trận tổ quốc tỉnh và các tổ chức đoàn thể tỉnh tổ chức thực hiện hiệu quả Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

2. Phát triển hệ thống phân phối hàng hóa cố định và bền vững, ưu tiên đối với hàng Việt Nam

- Rà soát, tích hợp hạ tầng thương mại vào quy hoạch phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh đảm bảo đồng bộ, tạo cơ sở pháp lý định hướng thu hút các nguồn lực xã hội vào đầu tư phát triển hạ tầng thương mại nhằm mở rộng mạng lưới phân phối hàng Việt Nam, nhất là khu vực vùng sâu, vùng xa.

[...]