Kế hoạch 635/KH-UBND năm 2023 thực hiện Nghị quyết 418-NQ/BCSĐ về đẩy mạnh phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công, 3 Chương trình mục tiêu quốc gia và Chương trình phục hồi phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2023-2025

Số hiệu 635/KH-UBND
Ngày ban hành 29/08/2023
Ngày có hiệu lực 29/08/2023
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Nghệ An
Người ký Bùi Thanh An
Lĩnh vực Thương mại,Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NGHỆ AN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 635/KH-UBND

Nghệ An, ngày 29 tháng 8 năm 2023

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 418-NQ/BCSĐ NGÀY 31/7/2023 CỦA BAN CÁN SỰ ĐẢNG ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH VỀ ĐẨY MẠNH PHÂN BỔ, GIẢI NGÂN VỐN ĐẦU TƯ CÔNG, 3 CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA VÀ CHƯƠNG TRÌNH PHỤC HỒI PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NGHỆ AN GIAI ĐOẠN 2023-2025

Thực hiện Nghị quyết số 418-NQ/BCSĐ ngày 31/7/2023 của Ban cán sự Đảng UBND tỉnh về đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2023 - 2025 trên địa bàn tỉnh Nghệ An, UBND tỉnh Nghệ An ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện như sau:

I. MỤC TIÊU, YÊU CẦU

1. Mục tiêu: Thực hiện thành công kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025. Trong đó, phấn đấu tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công hằng năm đạt 95-100% kế hoạch được giao; giải ngân 100% nguồn vốn thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2023 theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội và Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ.

2. Yêu cầu

- Xác định rõ việc đẩy mạnh công tác giải ngân vốn đầu tư công, triển khai 03 chương trình mục tiêu quốc gia là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm hằng năm.

- Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công phải đi đối với bảo đảm chất lượng công trình và hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công.

II. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP TRỌNG TÂM

1. Tăng cường sự chỉ đạo của các cấp chính quyền địa phương trong việc đẩy mạnh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công

a) Các sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND các huyện, thành phố, thị xã, các ban quản lý dự án và các chủ đầu tư:

- Quán triệt, chỉ đạo thực hiện đồng bộ, quyết liệt, kịp thời, hiệu quả các Nghị quyết, chỉ đạo của Trung ương, Tỉnh ủy về đẩy mạnh phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công, 03 Chương trình mục tiêu quốc gia và chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

- Phối hợp, làm việc với các cơ quan Đảng, Ủy ban mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn để tạo sự đồng thuận xã hội trong thực hiện dự án đầu tư công, nhất là công tác giải phóng mặt bằng và tăng cường công tác giám sát đầu tư cộng đồng góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả dự án.

b) Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các ban, ngành cấp tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã: Đề cao trách nhiệm, quyết liệt, chủ động, tích cực, sâu sát, cụ thể, nắm chắc tình hình, nhận diện rõ các hạn chế, nguyên nhân giải ngân chậm của từng dự án. Tăng cường tần suất kiểm tra hiện trường, chấn chỉnh ngay các tồn tại, bất cập; phân công lãnh đạo phụ trách từng dự án để trực tiếp chỉ đạo, tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn.

2. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong công tác giao kế hoạch, thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công

a) Các Sở: Kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Tài chính, Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Kho bạc Nhà nước tỉnh và các sở, ban, ngành khác liên quan: Rà soát, kiến nghị các cấp có thẩm quyền sửa đổi các quy định còn bất cập, thiếu đồng bộ về đầu tư công, xây dựng, tài nguyên, đất đai, quản lý, cấp phép khai thác đối với nguyên vật liệu đầu vào phục vụ cho các dự án đầu tư công,... (từ khâu khảo sát, chuẩn bị dự án, giao kế hoạch vốn và tổ chức thực hiện) để tạo hành lang pháp lý đồng bộ, thống nhất.

b) Tổ công tác về lĩnh vực đầu tư công: Thành lập các đoàn công tác tiến hành kiểm tra, đốc thúc các địa phương, chủ đầu tư thực hiện khối lượng và giải ngân kế hoạch đầu tư công được giao; Thường xuyên nắm bắt các khó khăn, vướng mắc của từng dự án để hướng dẫn xử lý hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý kịp thời.

c) Sở Kế hoạch và Đầu tư:

- Hướng dẫn, chỉ đạo, đôn đốc các chủ đầu tư hoàn chỉnh hồ sơ thủ tục để đảm bảo điều kiện bố trí vốn và thời gian giao kế hoạch vốn hàng năm đúng theo quy định.

- Tiếp tục thực hiện Thông báo giải ngân 10 ngày 1 lần đến Giám đốc sở, Bí thư, Chủ tịch UBND các huyện, thành, thị và các chủ đầu tư để đôn đốc, chỉ đạo kịp thời.

- Đối với các dự án có kết cấu phức tạp, có giá trị lớn nhưng năng lực của chủ đầu tư không đáp ứng được yêu cầu làm chậm tiến độ dự án, tham mưu chuyển chủ đầu tư cho các Ban quản lý chuyên ngành để đảm bảo triển khai thực hiện dự án có chất lượng, hiệu quả và đúng tiến độ.

- Tham mưu UBND tỉnh tổ chức giao ban toàn tỉnh về giải ngân kế hoạch đầu tư công; đấy nhanh tiến độ thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia và chương trình phục hồi phát triển kinh tế - xã hội.

d) Sở Tài chính:

- Chủ trì, phối hợp với Kho bạc Nhà nước tỉnh đôn đốc, hướng dẫn các chủ đầu tư thực hiện công tác quyết toán dự án hoàn thành theo đúng quy định. Tham mưu UBND tỉnh giải pháp xử lý cụ thể đối với các chủ đầu tư có số lượng dự án tồn đọng quyết toán lớn.

- Kịp thời nhập dự toán trên hệ thống TABMIS cho các dự án đủ điều kiện để các chủ đầu tư kịp thời giải ngân vốn.

e) Kho bạc Nhà nước tỉnh:

- Chỉ đạo Kho bạc Nhà nước các huyện, thành, thị kịp thời thực hiện thanh toán khối lượng hoàn thành, đẩy mạnh thanh toán qua dịch vụ công trực tuyến của Kho bạc Nhà nước, công khai minh bạch quá trình xử lý hồ sơ tại cơ quan kiểm soát thanh toán.

- Tiếp tục đôn đốc thu hồi vốn tạm ứng, đặc biệt là vốn tạm ứng kéo dài qua nhiều năm.

[...]