Nghị quyết 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội do Quốc hội ban hành

Số hiệu 43/2022/QH15
Ngày ban hành 11/01/2022
Ngày có hiệu lực 11/01/2022
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Quốc hội
Người ký Vương Đình Huệ
Lĩnh vực Thương mại,Tiền tệ - Ngân hàng,Tài chính nhà nước

QUỐC HỘI
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Nghị quyết số: 43/2022/QH15

Hà Nội, ngày 11 tháng 01 năm 2022

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ CHÍNH SÁCH TÀI KHÓA, TIỀN TỆ HỖ TRỢ CHƯƠNG TRÌNH PHỤC HỒI VÀ PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI

QUỐC HỘI

Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

Căn cứ Luật Tổ chức Quốc hội số 57/2014/QH13 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 65/2020/QH14;

Trên cơ sở xem xét Tờ trình số 02/TTr-CP ngày 02 tháng 01 năm 2022 của Chính phủ, Báo cáo thẩm tra số 604/BC-UBKT15 ngày 03 tháng 01 năm 2022 của Ủy ban Kinh tế, Báo cáo số 106/BC-UBTVQH15 ngày 11 tháng 01 năm 2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiếp thu, chỉnh lý, giải trình về dự thảo Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, các tài liệu liên quan và ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội;

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Quan điểm

1. Bám sát chủ trương, định hướng của Đảng, các nghị quyết của Quốc hội, kiên trì giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, nâng cao năng suất, chất lượng, năng lực cạnh tranh, tính tự chủ, khả năng chống chịu, thích ứng của nền kinh tế, đáp ứng kịp thời nhu cầu trước mắt và lâu dài, gắn kết chặt chẽ với Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hằng năm, Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025, Kế hoạch tài chính quốc gia và vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021 - 2025, Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 và Chương trình phòng, chống dịch COVID-19.

2. Điều hành linh hoạt, phối hợp chặt chẽ, hài hòa, hiệu quả chính sách tài khóa, tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác; kiểm soát chặt chẽ lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; chỉ tăng bội chi ngân sách nhà nước để tăng chi đầu tư phát triển và bảo đảm cân đối ngân sách nhà nước khi thực hiện giải pháp miễn, giảm thuế để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội (sau đây gọi là Chương trình).

3. Chính sách hỗ trợ Chương trình có quy mô, nguồn lực đủ lớn, tác động cả phía cung và phía cầu; có mục tiêu trọng tâm, trọng điểm, xác định đúng đối tượng cần hỗ trợ để giải quyết những vấn đề cấp bách, tránh dàn trải, lãng phí nguồn lực gắn với trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, người đứng đầu và cấp ủy, chính quyền các cấp.

4. Chính sách, giải pháp hỗ trợ phải khả thi, kịp thời, hiệu quả, thời gian thực hiện chủ yếu trong 2 năm 2022 và 2023 với lộ trình thích hợp để nâng cao năng lực phòng, chống dịch COVID-19, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; nguồn lực đưa ra có khả năng giải ngân, hấp thụ nhanh.

5. Huy động, phân bổ và quản lý hiệu quả các nguồn lực; cân đối hợp lý giữa các vùng, miền, địa phương, lĩnh vực, đối tượng ưu tiên; dễ thực hiện, dễ kiểm tra, giám sát, đánh giá; chống tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm, trục lợi chính sách; bảo đảm hiệu quả, công bằng, công khai, minh bạch.

Điều 2. Mục tiêu, chỉ tiêu

1. Phục hồi, phát triển nhanh hoạt động sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy các động lực tăng trưởng, ưu tiên một số ngành, lĩnh vực quan trọng, phấn đấu đạt mục tiêu của giai đoạn 2021 - 2025: tăng trưởng GDP bình quân 6,5 - 7%/năm, chỉ tiêu nợ công dưới mức cảnh báo Quốc hội cho phép tại Nghị quyết số 23/2021/QH15, tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%; giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn trong trung hạn và dài hạn.

2. Tiết giảm chi phí, hỗ trợ dòng tiền, bảo đảm tính chủ động, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế và người dân.

3. Phòng, chống dịch COVID-19 hiệu quả; bảo đảm an sinh xã hội và đời sống của người dân, nhất là người lao động, người nghèo, người yếu thế, đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh; bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

Điều 3. Chính sách hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội

1. Chính sách tài khóa:

1.1. Chính sách miễn, giảm thuế:

a) Giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng trong năm 2022, áp dụng đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất thuế giá trị gia tăng 10% (còn 8%), trừ một số nhóm hàng hóa, dịch vụ sau: viễn thông, công nghệ thông tin, hoạt động tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, kim loại, sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, sản phẩm khai khoáng (không kể khai thác than), than cốc, dầu mỏ tinh chế, sản phẩm hoá chất, sản phẩm hàng hóa và dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt;

b) Cho phép tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp đối với khoản chi ủng hộ, tài trợ của doanh nghiệp, tổ chức cho các hoạt động phòng, chống dịch COVID-19 tại Việt Nam cho kỳ tính thuế năm 2022.

1.2. Chính sách đầu tư phát triển:

Tăng chi đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách nhà nước tối đa 176 nghìn tỷ đồng, tập trung trong 2 năm 2022 và 2023, bao gồm:

a) Về y tế:

Bố trí tối đa 14 nghìn tỷ đồng để đầu tư xây mới, cải tạo, nâng cấp, hiện đại hóa hệ thống y tế cơ sở, y tế dự phòng, trung tâm kiểm soát bệnh tật cấp vùng, nâng cao năng lực phòng, chống dịch bệnh của viện và bệnh viện cấp trung ương gắn với đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong lĩnh vực y tế, sản xuất vắc-xin trong nước và thuốc điều trị COVID-19;

b) Về an sinh xã hội, lao động, việc làm:

- Cấp cho Ngân hàng Chính sách Xã hội tối đa 5 nghìn tỷ đồng, bao gồm cấp bù lãi suất và phí quản lý 2 nghìn tỷ đồng để thực hiện chính sách cho vay ưu đãi thuộc Chương trình; hỗ trợ lãi suất tối đa 3 nghìn tỷ đồng cho đối tượng vay vốn theo các chương trình tín dụng chính sách có lãi suất cho vay hiện hành trên 6%/năm;

[...]