Kế hoạch 52/KH-UBND về Đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp năm 2023

Số hiệu 52/KH-UBND
Ngày ban hành 14/02/2023
Ngày có hiệu lực 14/02/2023
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Đồng Tháp
Người ký Nguyễn Phước Thiện
Lĩnh vực Lao động - Tiền lương

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐỒNG THÁP
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 52/KH-UBND

Đồng Tháp, ngày 14 tháng 02 năm 2023

 

KẾ HOẠCH

ĐÀO TẠO NGHỀ NÔNG NGHIỆP CHO LAO ĐỘNG NÔNG THÔN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐỒNG THÁP NĂM 2023

I. KẾT QUẢ THỰC HIỆN NĂM 2022

1. Công tác chỉ đạo điều hành

Ngay đầu năm 2022, Ủy ban nhân dân (UBND) Tỉnh đã ban hành kế hoạch thực hiện đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn trên địa bàn Tỉnh năm 20221; văn bản chỉ đạo triển khai thực hiện Quyết định số 3685/QĐ- BNN-KTHT ngày 29/9/2022 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (PTNT) về việc phê duyệt Kế hoạch đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn giai đoạn 2022 - 20252. Theo đó, các sở, ngành Tỉnh, các địa phương ban hành văn bản, kế hoạch tổ chức triển khai kế hoạch đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động năm 20223. Đồng thời, UBND huyện/thành phố còn thường xuyên chỉ đạo, đôn đốc các phòng chuyên môn phối hợp với các xã thực hiện tốt công tác đào tạo nghề theo kế hoạch, định kỳ rà soát lại nhu cầu để điều chỉnh cho phù hợp với nhu cầu thực tế của người lao động.

2. Về công tác tuyên truyền, tư vấn, vận động; khảo sát, dự báo nhu cầu đào tạo nghề cho lao động nông thôn

- Công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho lao động nông thôn luôn được các Sở, ngành Tỉnh, các tổ chức chính trị - xã hội các cấp quan tâm và phối thực hiện bằng nhiều hình thức như: lồng ghép vào buổi họp, Chi tổ hội, sinh hoạt Hội quán nông dân, Đài truyền thanh,…, nội dung tuyên truyền các quy định về chính sách hỗ trợ đào tạo nghề nông nghiệp, vai trò, lợi ích của công tác học nghề gắn với phát triển kinh tế nông thôn, xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu, chuyển đổi số4.

- Ngành Nông nghiệp và PTNT phối hợp với UBND huyện/thành phố tiến hành rà soát nhu cầu đào tạo nghề năm 2022. Theo đó, các phòng chuyên môn cấp huyện, UBND cấp xã và các tổ chức chính trị - xã hội của địa phương rất quan tâm, thường xuyên rà soát các nghề đang và có xu hướng phát triển và phù hợp hợp với quy hoạch sản xuất nông nghiệp của địa phương để có kế hoạch tư vấn, mở các lớp đào tạo nghề nông nghiệp cho nông dân. Nhờ vậy, các lớp đào tạo nghề nông nghiệp cho nông dân cơ bản đáp ứng yêu cầu của nông dân trong việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới trong sản xuất nông nghiệp5.

3. Bồi dưỡng, phát triển đội ngũ nhà giáo; cập nhật kiến thức cho cán bộ tham gia đào tạo nghề nông nghiệp

Trong năm đã tổ chức 02 lớp tập huấn cập nhật kiến thức và lớp kỹ năng dạy học cho cán bộ phụ trách tham gia công tác đào tạo nghề nông nghiệp, với 57 người tham dự6.

4. Phát triển chương trình, giáo trình đào tạo và xây dựng danh mục nghề

Xây dựng chương trình, giáo trình đào tạo: việc đánh giá chất lượng các chương trình, giáo trình đào tạo nghề nông nghiệp đang được triển khai thực hiện; đồng thời xác định các vấn đề cần đổi mới, bổ sung cải tiến, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn trong tình hình mới. Năm 2022, ngành Nông nghiệp và PTNT đã tổ chức bổ sung các nội dung mới về (1) Sự cần thiết áp dụng các quy định chuẩn đầu ra sản phẩm nông sản (về truy xuất nguồn gốc, chứng nhận an toàn thực phẩm, cấp mã vùng trồng; các tiêu chuẩn, quy chuẩn sản xuất phổ biến hiện nay) và định hướng về phát triển nông sản của tỉnh trong thời gian tới; (2) Kiến thức cơ bản về thương mại điện tử; xây dựng thói quen hoạt động trên nền tảng sàn thương mại điện tử; quảng bá, tiêu thụ và xây dựng thương hiệu sản phẩm nông sản thông qua sàn thương mại điện tử (giải pháp hỗ trợ hộ sản xuất nông nghiệp tham gia sàn thương mại điện tử, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn) cho các giảng viên dạy nghề để cập nhật kiến thức, bổ sung vào chương trình đào tạo các nghề.

Xây dựng và áp dụng định mức kinh tế - kỹ thuật trong lĩnh vực nông nghiệp: Đến nay UBND Tỉnh đã ban hành quyết định phê duyệt định mức chi phí đào tạo nghề nông nghiệp7. Đồng thời, ngành Nông nghiệp và PTNT đang phối hợp các đơn vị liên quan rà soát, tham mưu điều chỉnh, bổ sung và xây dựng định mức chi phí ngành nghề mới phù hợp và đáp ứng tình phát triển kinh tế - xã hội hiện nay.

5. Kết quả hỗ trợ đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn

- Kết quả thực hiện chỉ tiêu đào tạo nghề năm 2022: Đã tổ chức 70 lớp với 1.740 học viên tham gia, đạt tỷ lệ 96% chỉ tiêu so với kế hoạch (1.820 lao động); tổng số nông dân học xong và được cấp chứng chỉ là 1.725 học viên, theo báo cáo các địa phương số người sau học nghề tự tìm việc làm hoặc ứng dụng vào sản xuất tại hộ gia đình (đạt tỷ lệ 99%) góp phần nâng thu nhập cho gia đình. (Đính kèm theo phụ lục 01).

Về lĩnh vực ngành nghề đào tạo: Trồng trọt 47 lớp, 1.202 học viên (tỷ lệ 67 %), Chăn nuôi 16 lớp, 380 học viên (tỷ lệ 23 %), Nuôi trồng thủy sản 07 lớp, 158 học viên (tỷ lệ 10%). (Đính kèm theo phụ lục 02).

Ngoài ra, từ nguồn kinh phí thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, Khuyến nông, Chương trình Mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới 54 lớp tập huấn kỹ thuật, hướng dẫn về thuỷ sản, chăn nuôi cho khoảng 1.942 lao động nông thôn, hội quán tại các địa phương trên địa bàn Tỉnh8.

Đánh giá chung: Qua kết quả dạy nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn, các học viên sau khi học nghề đã tiếp thu và ứng dụng kiến thức đã học vào sản xuất của gia đình từ đó tạo ra sản phẩm nông sản có chất lượng đáp ứng nhu cầu của thị trường, góp phần tăng thu nhập cho gia đình, đời sống cải thiện hơn.

- Về công tác đào tạo nghề giám đốc Hợp tác xã:

Trong năm 2022, Liên minh Hợp tác xã (HTX) Tỉnh đã phối hợp với Trường Trung cấp nghề và Đào tạo cán bộ HTX Miền Nam xây dựng chương trình đào tạo sơ cấp dành cho cán bộ HTX nông nghiệp (HTXNN). Kết quả đã tổ chức đào tạo 01 lớp có 35 cán bộ HTX tham gia đào tạo. Ngoài ra, ngành Nông nghiệp và PTNT lập kế hoạch tổ chức 01 lớp đào tạo nghề Giám đốc HTX, hiện đã tổng hợp hoàn chỉnh danh sách đăng ký với tổng số 32 học viên, đang chuẩn bị nội dung mời thầu.

- Về đào tạo nghề gắn với mô hình khuyến nông, mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất tại địa phương: Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Châu Thành đã triển khai thí điểm tại xã Phú Hựu huyện Châu Thành, diện tích thực hiện 18,7 ha, với 30 nông dân tham gia, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Châu Thành, lồng ghép đào tạo nghề gắn với mô hình Sầu riêng theo tiêu chuẩn VietGAP, các hộ nông dân được hướng dẫn lý thuyết và ứng dụng thực hành trên diện tích đất của gia đình, được hướng dẫn ghi chép sổ sách canh tác, theo dõi quá trình sinh trưởng của cây, giảm sử dụng bón phân hóa học và thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) có hại cho cây sầu riêng, từng bước giảm chi phí trong sản xuất, công lao động và đến nay các hộ này được hỗ trợ quy trình đăng ký mã vùng trồng theo quy định. Ngoài ra, mô hình cũng góp phần sự giảm thiểu ô nhiễm môi trường, bảo vệ sức khỏe cho người tiêu dùng và người sản xuất. Kết quả của mô hình bước đầu đạt kết quả tốt, là tín hiệu tốt để áp dụng, nhân rộng mô hình trong thời gian tới.

- Tổ chức khảo sát nhu cầu cần hỗ trợ của người lao động sau khi học nghề: Kết thúc khóa học Phòng Nông nghiệp và PTNT/Phòng Kinh tế huyện, thành phố đã phối hợp với cơ sở tham gia dạy nghề khảo sát nhu cầu cần hỗ trợ của người lao động sau khi học nghề (bằng phiếu khảo sát).

6. Công tác kiểm tra, giám sát thực hiện nâng cao chất lượng đào tạo nghề nông nghiệp

Nhằm thực hiện tốt các hoạt động theo kế hoạch đào tạo, đồng thời phát hiện và chấn chỉnh kịp thời những sai sót trong quá trình thực hiện; ngành Nông nghiệp và phát triển nông thôn ban hành kế hoạch kiểm tra giám sát kết quả thực hiện đào tạo nghề năm 20229, thành lập đoàn công tác đến làm việc tại các địa phương công tác đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn trên địa bàn Tỉnh kết hợp khảo sát phát triển các mô hình kinh tế tập thể, Hợp tác xã Nông nghiệp, Trang trại10. Bên cạnh đó, đơn vị chuyên môn cử cán bộ, công chức phối hợp với địa phương theo dõi và tham dự khai giảng, bế giảng các lớp đào tạo tại địa phương; thường xuyên phối hợp với các địa phương cập nhật, báo cáo tiến độ tình hình thực hiện dạy nghề, việc thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu nội dung kế hoạch, tình hình quản lý và sử dụng kinh phí và các đơn vị tham gia đào tạo nghề của địa phương.

7. Kinh phí thực hiện:

Tổng kinh phí bố trí cho hoạt động đào tạo nghề nông nghiệp năm 2022 là 2.022.825.500 đồng từ vốn sự nghiệp Trung ương hỗ trợ thực hiện chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Kết quả thực hiện và giải ngân 1.608.512.580 đồng. Trong đó:

+ Hỗ trợ đào tạo nghề nông nghiệp: 1.442.217.580/1.778.442.500 đồng.

+ Hỗ trợ thí điểm mô hình dạy nghề trồng Sầu Riêng theo tiêu chuẩn VietGAP gắn với mô hình khuyến nông và liên kết tiêu thụ: 159.948.000/159.948.000 đồng.

[...]