Kế hoạch 178/KH-UBND về đào tạo nghề nông nghiệp trình độ sơ cấp, dưới 03 tháng cho lao động nông thôn năm 2023 trên địa bàn Thành phố Cần Thơ

Số hiệu 178/KH-UBND
Ngày ban hành 24/08/2023
Ngày có hiệu lực 24/08/2023
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Thành phố Cần Thơ
Người ký Nguyễn Ngọc Hè
Lĩnh vực Lao động - Tiền lương

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ CẦN THƠ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 178/KH-UBND

Cần Thơ, ngày 24 tháng 8 năm 2023

 

KẾ HOẠCH

ĐÀO TẠO NGHỀ NÔNG NGHIỆP TRÌNH ĐỘ SƠ CẤP, DƯỚI 3 THÁNG CHO LAO ĐỘNG NÔNG THÔN NĂM 2023 TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Thực hiện Quyết định số 46/2015/QĐ-TTg ngày 28 tháng 9 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ quy định chính sách hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 03 tháng, Quyết định số 1223/QĐ-UBND ngày 22 tháng 5 năm 2023 của Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ về việc phê duyệt danh mục nghề nông nghiệp đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 03 tháng cho lao động nông thôn trên địa bàn thành phố Cần Thơ, giai đoạn 2023 - 2025, Ủy ban nhân dân (UBND) thành phố Cần Thơ ban hành Kế hoạch đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn năm 2023 trên địa thành phố Cần Thơ, với nội dung cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Đào tạo nguồn nhân lực phục vụ sản xuất nông nghiệp hiện nay của thành phố đáp ứng được nhu cầu phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng tái cơ cấu ngành nông nghiệp.

2. Đào tạo nguồn nhân lực trong các Hợp tác xã nông nghiệp, trang trại, cơ sở sản xuất ngành nghề nông thôn có chuyên môn kỹ thuật tốt, kỹ năng nghề phù hợp để đáp ứng yêu cầu của các nhà đầu tư khi thành phố đang triển khai nhiều chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn như: Nghị định số 52/2018/NĐ-CP, Nghị định số 98/2018/NĐ-CP của Chính phủ …

3. Đào tạo nguồn nhân lực nhằm đáp ứng mục tiêu của chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn giai đoạn 2021 - 2025 của thành phố, đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp đô thị theo chuỗi giá trị, mở rộng các vùng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn, gắn với chế biến và xuất khẩu các sản phẩm chủ lực.

II. CHỈ TIÊU

Đào tạo nghề nông nghiệp trình độ sơ cấp nghề và dạy nghề dưới 3 tháng cho 770 lao động nông thôn, có ít nhất 85% lao động sau đào tạo có việc làm ổn định và tăng thu nhập.

III. ĐỐI TƯỢNG VÀ MỨC HỖ TRỢ

1. Đối tượng hỗ trợ

a) Lao động trong độ tuổi lao động (nam đủ 15 tuổi đến 62 tuổi và nữ đủ 15 tuổi đến 60 tuổi) thuộc lĩnh vực nông nghiệp ở các vùng sản xuất hàng hóa thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới.

b) Lao động trong các làng nghề, ngành nghề nông thôn.

c) Lao động làm việc trong các hợp tác xã, tổ hợp tác nông nghiệp (gồm cả các thành viên hợp tác xã, tổ hợp tác); doanh nghiệp có liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm với nông dân.

d) Lao động nông thôn tham gia thực hiện chu trình trong Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP); chuyển đổi số trong nông nghiệp.

đ) Lao động là người được hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, người khuyết tật, người dân tộc thiểu số, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, người thuộc hộ gia đình bị thu hồi đất sản xuất nông nghiệp, đất kinh doanh, lao động nữ mất việc làm.

2. Nguyên tắc hỗ trợ

a) Mỗi người chỉ được hỗ trợ đào tạo một lần theo chính sách quy định tại Kế hoạch này.

b) Những người đã được hỗ trợ đào tạo theo các chính sách hiện hành khác của Nhà nước thì không được tiếp tục hỗ trợ đào tạo theo chính sách quy định tại kế hoạch này. Riêng những người đã được hỗ trợ đào tạo nhưng bị mất việc làm do nguyên nhân khách quan thì Ủy ban nhân dân cấp xã, phường, thị trấn xem xét, quyết định tiếp tục hỗ trợ đào tạo để chuyển đổi việc làm theo chính sách quy định tại kế hoạch này nhưng tối đa không quá 03 lần.

c) Đối với những nghề có chi phí đào tạo thực tế lớn hơn mức hỗ trợ, cơ sở đào tạo chủ động xây dựng phương án huy động hỗ trợ của doanh nghiệp, đóng góp của người học và nguồn huy động, tài trợ hợp pháp khác để đảm bảo chi phí đào tạo.

3. Nội dung các khoản hỗ trợ chi phí đào tạo

a) Tuyển sinh, khai giảng, bế giảng, cấp chứng chỉ.

b) Tài liệu, văn phòng phẩm, giáo trình, học liệu.

c) Hợp đồng thuê mướn giáo viên.

d) Chi mua nguyên, nhiên liệu phục vụ hoạt động đào tạo.

đ) Thuê lớp học lý thuyết, địa điểm thực hành.

e) Chi phí khác (giải khát giữa giờ).

g) Chi phí quản lý lớp học.

[...]