Chủ nhật, Ngày 27/10/2024

Kế hoạch 44/KH-UBND đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn năm 2024

Số hiệu 44/KH-UBND
Ngày ban hành 19/02/2024
Ngày có hiệu lực 19/02/2024
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Lạng Sơn
Người ký Lương Trọng Quỳnh
Lĩnh vực Lao động - Tiền lương

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LẠNG SƠN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 44/KH-UBND

Lạng Sơn, ngày 19 tháng 02 năm 2024

 

KẾ HOẠCH

ĐÀO TẠO NGHỀ NÔNG NGHIỆP CHO LAO ĐỘNG NÔNG THÔN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LẠNG SƠN NĂM 2024

Thực hiện Quyết định số 3685/QĐ-BNN-KTHT ngày 29/9/2022 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt kế hoạch đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn giai đoạn 2022-2025; Quyết định số 2068/QĐ- UBND ngày 12/12/2023 của Uỷ ban nhân dân tỉnh về việc giao chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2024; Kế hoạch số 227/KH-UBND ngày 01/11/2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh về đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2022 - 2025; Kế hoạch số 23/KH-UBND ngày 23/01/2024 của Ủy ban nhân dân tỉnh về hỗ trợ đào tạo nghề trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 03 tháng trên địa bàn tỉnh năm 2024. Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh ban hành Kế hoạch đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn năm 2024 trên địa bàn tỉnh như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn. Tạo điều kiện thuận lợi để lao động nông thôn tham gia các chương trình đào tạo phù hợp với trình độ học vấn, điều kiện kinh tế - xã hội của từng địa địa bàn, khu vực.

- Đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm sau đào tạo nhằm tăng thu nhập cho lao động nông thôn, giảm nghèo bền vững; chuyển dịch cơ cấu lao động, góp phần xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.

2. Yêu cầu

- Tập trung đào tạo các nghề nông nghiệp phục vụ sản xuất, chế biến nhằm nâng cao giá trị cho các nhóm sản phẩm chủ lực cấp tỉnh, nhóm sản phẩm chủ lực địa phương gắn với xây dựng nông thôn mới. Đào tạo nhân lực chất lượng cao phục vụ sản xuất nông nghiệp thông minh, nông nghiệp sinh thái, hữu cơ và chuyển đổi số trong nông nghiệp; đào tạo chuyển đổi nghề nghiệp.

- Thực hiện đào tạo theo nhu cầu học nghề của lao động nông thôn, nhu cầu sử dụng lao động của hợp tác xã, doanh nghiệp và yêu cầu của thị trường lao động; gắn đào tạo nghề với chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội, quy hoạch xây dựng nông thôn mới của địa phương.

- Căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, các huyện, thành phố, các cơ quan, đơn vị chủ động xây dựng kế hoạch, xác định các giải pháp cụ thể để tổ chức đào tạo nghề nông nghiệp cho người lao động nông thôn bảo đảm mục tiêu đề ra.

- Định kỳ tổ chức kiểm tra, giám sát đánh giá kết quả triển khai và thực hiện các hoạt động theo kế hoạch.

II. MỤC TIÊU CỤ THỂ

1. Đào tạo nghề trình độ sơ cấp và dưới 3 tháng cho 4.175 người, cụ thể:

- Đào tạo sơ cấp nghề Giám đốc hợp tác xã nông nghiệp cho khoảng 385 người (mỗi huyện, thành phố tổ chức được ít nhất 01 lớp sơ cấp nghề Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp).

- Đào tạo nghề nông nghiệp dưới 3 tháng cho 3.790 người.

(Có Biểu giao chỉ tiêu cụ thể cho các đơn vị kèm theo Kế hoạch này).

2. Tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho người tham gia công tác quản lý, giảng dạy nghề nông nghiệp.

III. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP

1. Công tác thông tin, tuyên truyền

Đổi mới, đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền nhằm phổ biến, cung cấp đầy đủ, kịp thời các chủ trương, chính sách pháp luật về giáo dục nghề nghiệp; ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác đào tạo nghề gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, các chương trình mục tiêu quốc gia: xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số; Chương trình mỗi xã một sản phẩm; lồng ghép tuyên truyền, tư vấn học nghề thông qua các hội nghị, hội thảo, tập huấn, các phương tiện thông tin đại chúng, cổng thông tin điện tử,... để cung cấp thông tin cho người học về ngành nghề, các cơ chế chính sách về đào tạo nghề nông nghiệp.

2. Công tác khảo sát, dự báo nhu cầu đào tạo nghề; hỗ trợ đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn

Thường xuyên tổ chức khảo sát, cập nhật, bổ sung nhu cầu học nghề của người dân, nhu cầu đào tạo nghề cho lao động của các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, đào tạo nghề gắn với các dự án/mô hình hỗ trợ sản xuất giảm nghèo, mô hình khuyến nông, trên địa bàn quản lý để kịp thời tham mưu, đề xuất, hỗ trợ đào tạo theo địa chỉ.

Chú trọng đào tạo, liên kết đào tạo các ngành nghề mới, nhất là các ngành nghề thuộc lĩnh vực kỹ thuật, sản xuất công nghệ cao gắn với quy hoạch các sản phẩm chủ lực, các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, nghề sơ cấp Giám đốc hợp tác xã nông nghiệp,... khuyến khích, tạo điều kiện cho học viên sau học nghề tham gia Hợp tác xã để tiếp cận kiến thức mới, hỗ trợ hướng dẫn sản xuất, gắn kết tiêu thụ sản phẩm.

3. Tăng cường các điều kiện đảm bảo nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo nghề nghiệp cho người lao động; gắn kết với doanh nghiệp đào tạo có địa chỉ

Quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị đào tạo đồng bộ cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp nhằm đáp ứng nhu cầu của người học và yêu cầu của thị trường lao động; nhất là các cơ sở đào tạo nghề nghiệp cho lao động vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, lao động nông thôn.

Thực hiện đào tạo theo đơn đặt hàng, đào tạo có địa chỉ; đào tạo theo vị trí việc làm trong doanh nghiệp, làng nghề, hợp tác xã; gắn với thực hiện “Chương trình mỗi xã một sản phẩm - Chương trình OCOP”, liên kết sản xuất, tạo việc làm cho người lao động sau đào tạo.

4. Đào tạo, bồi dưỡng, phát triển đội ngũ nhà giáo, cập nhật kiến thức cho cán bộ tham gia hoạt động đào tạo nghề nông nghiệp

[...]