Kế hoạch 4124/KH-UBND năm 2021 về huy động lực lượng, phương tiện và tài sản của các cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân để xử lý các tình huống cháy, sự cố, tai nạn trên địa bàn tỉnh Hải Dương

Số hiệu 4124/KH-UBND
Ngày ban hành 10/11/2021
Ngày có hiệu lực 10/11/2021
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Hải Dương
Người ký Triệu Thế Hùng
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường,Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HẢI DƯƠNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 4124/KH-UBND

Hải Dương, ngày 10 tháng 11 năm 2021

 

KẾ HOẠCH

HUY ĐỘNG LỰC LƯỢNG, PHƯƠNG TIỆN VÀ TÀI SẢN CỦA CÁC CƠ QUAN, TỔ CHỨC, HỘ GIA ĐÌNH VÀ CÁ NHÂN ĐỂ XỬ LÝ CÁC TÌNH HUỐNG CHÁY, SỰ CỐ, TAI NẠN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HẢI DƯƠNG

Căn cứ Luật Phòng cháy và chữa cháy năm 2001 và Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy năm 2013;

Căn cứ Nghị định số 136/2020/NĐ-CP ngày 24/11/2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng cháy và chữa cháy và Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy; Nghị định số 83/2017/NĐ-CP ngày 18/7/2017 của Thủ tướng Chính phủ quy định về công tác cứu nạn, cứu hộ của lực lượng phòng cháy và chữa cháy;

Để giảm thiểu tối đa thiệt hại về người và tài sản khi xảy ra tình huống cháy, sự cố, tai nạn có quy mô lớn, diễn biến phức tạp trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch huy động lực lượng, phương tiện và tài sản của các cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân để xử lý các tình huống cháy, sự cố, tai nạn trên địa bàn tỉnh Hải Dương như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Nhằm chủ động, kịp thời và đạt hiệu quả trong việc tổ chức huy động lực lượng, phương tiện và tài sản của các cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân trên địa bàn tỉnh Hải Dương tham gia để xử lý các tình huống cháy, sự cố, tai nạn có quy mô lớn, diễn biến phức tạp.

- Nâng cao nhận thức của các cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân về trách nhiệm tham gia chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ; phát huy có hiệu quả phương châm “4 tại chỗ” trong công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.

- Nâng cao hiệu quả công tác và cơ chế phối hợp giữa các đơn vị, lực lượng trong công tác chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn tỉnh.

2. Yêu cầu

- Việc huy động lực lượng, phương tiện, tài sản của các cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân để chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ phải được thực hiện theo đúng trình tự, thủ tục và thẩm quyền theo quy định của pháp luật.

- Huy động lực lượng, phương tiện tham gia phải căn cứ vào tình hình vụ cháy, sự cố, tai nạn đang xảy ra, cũng như khả năng chi viện về lực lượng, phương tiện chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ của lực lượng, đơn vị phối hợp.

- Các cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân khi nhận được lệnh điều động phải nhanh chóng huy động người và phương tiện đến nơi xảy ra cháy, nổ, tai nạn, sự cố để phục vụ chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.

II. NỘI DUNG HUY ĐỘNG

1. Trường hợp huy động

Khi tình huống cháy, sự cố, tai nạn cần phải huy động lực lượng, phương tiện nhanh chóng, kịp thời mà không thuộc phạm vi quản lý của cơ quan Công an, cần phải có sự hỗ trợ của các cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân tại địa phương để chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ.

2. Thẩm quyền huy động

- Người đứng đầu cơ quan, tổ chức và Chủ tịch UBND cấp xã được quyền huy động lực lượng, phương tiện và tài sản của cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân trong phạm vi quản lý của mình. Trường hợp cần huy động lực lượng, phương tiện và tài sản ngoài phạm vi quản lý của mình thì phải đề nghị người có thẩm quyền huy động quyết định.

- Chủ tịch UBND cấp huyện được quyền huy động lực lượng, phương tiện và tài sản của cơ quan, tổ chức trong phạm vi quản lý của mình. Trường hợp cần huy động lực lượng, phương tiện và tài sản ngoài phạm vi quản lý của mình thì phải đề nghị người có thẩm quyền huy động quyết định.

- Chủ tịch UBND tỉnh được quyền huy động lực lượng, phương tiện và tài sản của cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân trong phạm vi quản lý của mình và lực lượng quân đội đóng ở địa phương; sau khi huy động thì thông báo cho người có thẩm quyền quản lý lực lượng, phương tiện đó biết.

3. Trình tự huy động

- Khi tình huống cháy, sự cố, tai nạn cần phải huy động lực lượng, phương tiện và tài sản của các cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân tại xã, huyện nơi xảy ra cháy, sự cố, tai nạn để tham gia chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ, người chỉ huy chữa cháy của cơ quan Công an phải nhanh chóng đề nghị người có thẩm quyền (Chủ tịch UBND cấp xã, huyện) huy động các lực lượng, phương tiện và tài sản trong phạm vi quản lý của mình.

- Khi tình huống cháy, sự cố, tai nạn cần phải huy động lực lượng, phương tiện và tài sản của các cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn cấp huyện khác nơi xảy ra cháy, sự cố, tai nạn để tham gia chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ, người chỉ huy chữa cháy của cơ quan Công an phải nhanh chóng báo cáo tình hình, tham mưu với Giám đốc Công an tỉnh báo cáo đề xuất Chủ tịch UBND tỉnh huy động lực lượng phương tiện và tài sản của các cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân tại địa phương khác tham gia chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ.

Trường hợp giữa UBND các cấp và cơ quan, tổ chức đã có quy chế phối hợp về việc huy động lực lượng, phương tiện để chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ thì có thể thực hiện theo quy chế đồng thời báo cáo người có thẩm quyền huy động biết.

- Khi nhận được lệnh huy động lực lượng, phương tiện chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ của người có thẩm quyền, người đứng đầu của cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân phải nhanh chóng điều động đủ lực lượng, phương tiện thuộc phạm vi quản lý của mình để chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. Trường hợp tại địa bàn đang xảy ra tình huống cháy, sự cố, tai nạn tương tự hoặc khả năng bố trí lực lượng, phương tiện để chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ ít hơn so với yêu cầu huy động thì phải báo cáo ngay cho người có thẩm quyền huy động biết để điều động lực lượng, phương tiện từ địa bàn khác.

- Khi đến hiện trường, lực lượng chi viện phải liên hệ ngay với Ban Chỉ huy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (hoặc Chỉ huy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ) để nhận và thực hiện nhiệm vụ theo sự phân công. Nếu thời gian thực hiện nhiệm vụ chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ kéo dài, chỉ huy lực lượng chi viện phải chủ động đề xuất Ban Chỉ huy chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ bảo đảm công tác hậu cần chiến đấu cho lực lượng, phương tiện của đơn vị mình để việc tham gia chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ được liên tục và đạt hiệu quả.

- Khi kết thúc nhiệm vụ chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ, chỉ huy đơn vị chi viện thu hồi lực lượng, phương tiện theo mệnh lệnh của Ban Chỉ huy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đồng thời báo cáo cấp trên trực tiếp và người huy động về tình hình, kết quả thực hiện nhiệm vụ theo lệnh điều động.

[...]