Luật phòng cháy, chữa cháy sửa đổi 2013

Số hiệu 40/2013/QH13
Ngày ban hành 22/11/2013
Ngày có hiệu lực 01/07/2014
Loại văn bản Luật
Cơ quan ban hành Quốc hội
Người ký Nguyễn Sinh Hùng
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường,Văn hóa - Xã hội

QUỐC HỘI
---------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------

Luật số: 40/2013/QH13

Hà Nội, ngày 22 tháng 11 năm 2013

 

LUẬT

SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT PHÒNG CHÁY VÀ CHỮA CHÁY

Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

Quốc hội ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật phòng cháy và chữa cháy số 27/2001/QH10.

Điều 1.

Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật phòng cháy và chữa cháy:

1. Khoản 3 và khoản 6 Điều 3 được sửa đổi, bổ sung như sau:

“3. Cơ sở là nơi sản xuất, kinh doanh, công trình công cộng, trụ sở làm việc, khu chung cư và công trình độc lập khác theo danh mục do Chính phủ quy định.”

“6. Đội phòng cháy và chữa cháy cơ sở là tổ chức gồm những người được giao nhiệm vụ phòng cháy và chữa cháy tại cơ sở, hoạt động theo chế độ chuyên trách hoặc không chuyên trách.”

2. Sửa đổi, bổ sung khoản 3; bổ sung khoản 3a và khoản 3b vào sau khoản 3 Điều 5 như sau:

“3. Người đứng đầu cơ quan, tổ chức trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm:

a) Tổ chức tuyên truyền, phổ biến kiến thức về phòng cháy và chữa cháy; xây dựng phong trào toàn dân tham gia phòng cháy và chữa cháy; thành lập, duy trì hoạt động đội phòng cháy và chữa cháy theo quy định của pháp luật;

b) Ban hành theo thẩm quyền nội quy và biện pháp về phòng cháy và chữa cháy;

c) Tổ chức thực hiện, kiểm tra, giám sát việc chấp hành quy định về phòng cháy và chữa cháy;

d) Bảo đảm kinh phí cho hoạt động phòng cháy và chữa cháy, sử dụng kinh phí phòng cháy và chữa cháy đúng mục đích; trang bị và duy trì hoạt động của dụng cụ, phương tiện phòng cháy và chữa cháy; chuẩn bị các điều kiện phục vụ chữa cháy; xây dựng, tổ chức thực tập phương án chữa cháy; bảo đảm các điều kiện phục vụ công tác huấn luyện nghiệp vụ về phòng cháy và chữa cháy; tổ chức chữa cháy và khắc phục hậu quả do cháy gây ra;

đ) Thực hiện nhiệm vụ khác về phòng cháy và chữa cháy theo quy định của pháp luật.

3a. Chủ hộ gia đình có trách nhiệm:

a) Đôn đốc, nhắc nhở thành viên trong gia đình thực hiện quy định của pháp luật về phòng cháy và chữa cháy;

b) Thường xuyên kiểm tra phát hiện và khắc phục kịp thời nguy cơ gây cháy, nổ;

c) Phối hợp với cơ quan, tổ chức và hộ gia đình khác trong việc bảo đảm điều kiện an toàn về phòng cháy và chữa cháy; quản lý chặt chẽ và sử dụng an toàn chất dễ gây cháy, nổ.

3b. Cá nhân có trách nhiệm:

a) Chấp hành quy định, nội quy, yêu cầu về phòng cháy và chữa cháy của người hoặc cơ quan có thẩm quyền;

b) Tuân thủ pháp luật và nắm vững kiến thức cần thiết về phòng cháy và chữa cháy; biết sử dụng dụng cụ, phương tiện phòng cháy và chữa cháy thông dụng;

c) Bảo đảm an toàn về phòng cháy và chữa cháy trong quá trình sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt, thiết bị, dụng cụ sinh lửa, sinh nhiệt và trong bảo quản, sử dụng chất cháy;

d) Ngăn chặn nguy cơ trực tiếp phát sinh cháy, hành vi vi phạm quy định an toàn về phòng cháy và chữa cháy;

đ) Thực hiện quy định khác có liên quan đến trách nhiệm cá nhân trong Luật này.”

3. Sửa đổi, bổ sung khoản 2; bổ sung khoản 2a vào sau khoản 2 Điều 6 như sau:

“2. Cơ quan, tổ chức và hộ gia đình có trách nhiệm tổ chức, thực hiện việc tuyên truyền, phổ biến kiến thức và kỹ năng về phòng cháy và chữa cháy.

[...]