Nghị quyết 31/2021/NQ-HĐND quy định về việc xử lý các cơ sở không đảm bảo yêu cầu về phòng cháy và chữa cháy trên địa bàn tỉnh Tiền Giang được đưa vào sử dụng trước ngày Luật Phòng cháy và chữa cháy năm 2001 có hiệu lực

Số hiệu 31/2021/NQ-HĐND
Ngày ban hành 08/12/2021
Ngày có hiệu lực 01/01/2022
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Tỉnh Tiền Giang
Người ký Võ Văn Bình
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH TIỀN GIANG

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 31/2021/NQ-HĐND

Tiền Giang, ngày 08 tháng 12 năm 2021

 

NGHỊ QUYẾT

QUY ĐỊNH VIỆC XỬ LÝ CÁC CƠ SỞ KHÔNG ĐẢM BẢO YÊU CẦU VỀ PHÒNG CHÁY VÀ CHỮA CHÁY TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH TIỀN GIANG ĐƯỢC ĐƯA VÀO SỬ DỤNG TRƯỚC NGÀY LUẬT PHÒNG CHÁY VÀ CHỮA CHÁY NĂM 2001 CÓ HIỆU LỰC

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH TIỀN GIANG
KHÓA X - KỲ HỌP THỨ 4

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 18 tháng 6 năm 2020;

Căn cứ Luật Phòng cháy và chữa cháy ngày 29 tháng 6 năm 2001; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy ngày 22 tháng 11 năm 2013;

Căn cứ Nghị định số 136/2020/NĐ-CP ngày 24 tháng 11 năm 2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng cháy và chữa cháy và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy;

Căn cứ Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; Nghị định số 154/2020/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ;

Xét Tờ trình số 352/TTr-UBND ngày 22 tháng 11 năm 2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh đề nghị Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành Nghị quyết quy định việc xử lý các cơ sở không đảm bảo yêu cầu về phòng cháy và chữa cháy trên địa bàn tỉnh Tiền Giang được đưa vào sử dụng trước ngày Luật Phòng cháy và chữa cháy năm 2001 có hiệu lực; Báo cáo thẩm tra số 91/BC-HĐND ngày 29 tháng 11 năm 2021 của Ban Pháp chế Hội đồng nhân dân tỉnh; ý kiến thảo luận của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp.

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Phạm vi điều chỉnh

Nghị quyết này quy định việc xử lý các cơ sở không đảm bảo yêu cầu về phòng cháy và chữa cháy trên địa bàn tỉnh Tiền Giang được đưa vào sử dụng trước ngày Luật Phòng cháy và chữa cháy năm 2001 có hiệu lực.

2. Đối tượng áp dụng

a) Cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân có các cơ sở không đáp ứng một trong các yêu cầu về phòng cháy, chữa cháy quy định tại Điều 20 Luật Phòng cháy và chữa cháy năm 2001;

b) Cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân có các kho chứa và công trình chế biến sản phẩm dầu mỏ, khí đốt, hóa chất nguy hiểm về cháy, nổ ở khu dân cư, nơi đông người nhưng không đảm bảo khoảng cách an toàn phòng cháy, chữa cháy được quy định tại Điều 22 Luật Phòng cháy và chữa cháy năm 2001;

c) Cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan đến hoạt động phòng cháy và chữa cháy trên địa bàn tỉnh Tiền Giang.

Điều 2. Quy định việc xử lý đối với cơ sở không đảm bảo yêu cầu về phòng cháy, chữa cháy được đưa vào sử dụng trước ngày Luật Phòng cháy và chữa cháy năm 2001 có hiệu lực

Các cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có cơ sở được đưa vào sử dụng trước ngày 04 tháng 10 năm 2001 không đảm bảo yêu cầu về phòng cháy, chữa cháy theo quy định tại các tiêu chuẩn, quy chuẩn phải thực hiện các giải pháp khắc phục đối với từng nội dung không đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy. Cụ thể:

1. Bậc chịu lửa

Đối với các nhà, nhóm nhà công nghiệp khung thép mái tôn cho phép không theo giới hạn chịu lửa theo quy định khi:

a) Dùng kết cấu thép không có bảo vệ trong nhà sản xuất một tầng mà không phụ thuộc vào tính toán nguy hiểm về cháy của hạng sản xuất bố trí trong đó;

b) Dùng kết cấu thép không có bảo vệ trong nhà sản xuất nhiều tầng khi bố trí trong đó các hạng sản xuất D và E;

c) Dùng kết cấu thép trong nhà sản xuất nhiều tầng khi trong đó bố trí các công nghệ sản xuất hạng A, B và C với điều kiện phải bảo vệ kết cấu thép bằng vật liệu chống cháy có gii hạn chịu lửa không dưới 45 phút ở tất cả các tầng, trừ tầng trên cùng;

d) Dùng kết cấu thép che mái, tầng hầm, mái và sàn trong các nhà, công trình công cộng bậc chịu lửa I, II mà các kết cấu đó có bảo vệ bằng các vật liệu không cháy hoặc sơn chống cháy, có giới hạn chịu lửa không dưới 45 phút;

đ) Bổ sung các giải pháp gia cố tăng cường bảo vệ các cấu kiện xây dựng trước tác động của đám cháy (bổ sung hệ thống chữa cháy sprinkler, màn nước ngăn cháy, sơn, bọc bảo vệ) làm tăng giới hạn chịu lửa của các cấu kiện này, theo đó, có thể nâng bậc chịu lửa của công trình.

2. Đường giao thông cho xe chữa cháy

a) Xem xét đến khả năng tiếp cận thông qua đường giao thông nội bộ của công trình liền kề theo hướng tiếp giáp với công trình, nếu bảo đảm đường, bãi đỗ cho xe chữa cháy, cần xây dựng biện pháp và quy chế chung giữa các cơ sở để bảo đảm được tính sẵn sàng của đường và bãi đỗ tương đương với điều kiện nằm trên cùng một chủ cơ sở và xem xét, cập nhật vào quy hoạch phòng cháy, chữa cháy;

[...]