Kế hoạch 328/KH-UBND năm 2024 thực hiện Chương trình Bảo vệ và Phát triển nguồn lợi thủy sản đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế

Số hiệu 328/KH-UBND
Ngày ban hành 16/08/2024
Ngày có hiệu lực 16/08/2024
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Thừa Thiên Huế
Người ký Hoàng Hải Minh
Lĩnh vực Lĩnh vực khác

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 328/KH-UBND

Thừa Thiên Huế, ngày 16 tháng 8 năm 2024

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH BẢO VỆ VÀ PHÁT TRIỂN NGUỒN LỢI THỦY SẢN ĐẾN NĂM 2030 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH THỪA THIÊN HUẾ

Thực hiện Quyết định số 76/QĐ-TTg ngày 18/01/2024 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình quốc gia Bảo vệ và Phát triển nguồn lợi thủy sản đến năm 2030 (Quyết định số 76/QĐ-TTg ngày 18/01/2024 của Thủ tướng Chính phủ); UBND tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình Bảo vệ và Phát triển nguồn lợi thủy sản đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh với các nội dung như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Đảm bảo triển khai thực hiện các nhiệm vụ kịp thời, hiệu quả nhằm đạt được các mục tiêu của Chương trình được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 76/QĐ-TTg ngày 18/01/2024 phù hợp với tình hình tại tỉnh Thừa Thiên Huế.

2. Kết hợp hài hòa giữa bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản theo hướng phát triển chất lượng, hiệu quả, bền vững và có trách nhiệm; hài hòa lợi ích với các ngành kinh tế khác và phát triển kinh tế xã hội các vùng, địa phương. Khai thác nguồn lợi thủy sản căn cứ vào trữ lượng nguồn lợi thủy sản, gắn với bảo vệ, tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản, không làm cạn kiệt nguồn lợi thủy sản, không ảnh hưởng đến đa dạng sinh học. Tiếp cận thận trọng, dựa vào hệ sinh thái và các chỉ số khoa học trong quản lý hoạt động thủy sản để bảo đảm phát triển bền vững.

3. Xác định rõ các nhiệm vụ, giải pháp gắn với chức năng, nhiệm vụ cụ thể của các sở, ban, ngành, địa phương và các cơ quan đơn vị liên quan trong quá trình triển khai thực hiện các nội dung của Kế hoạch. Đảm bảo chủ động trong triển khai thực hiện, phối hợp chặt chẽ, trách nhiệm để đạt được mục tiêu đề ra.

4. Kịp thời lồng ghép việc thực hiện với các chương trình, đề án, dự án, nhiệm vụ có liên quan tại tỉnh nhằm đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện Kế hoạch.

5. Phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành và cộng đồng dân cư trong triển khai thực hiện Kế hoạch. Khuyến khích xã hội hóa các chương trình bảo vệ, tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản.

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

- Bảo tồn, bảo vệ, tái tạo nguồn lợi thủy sản nhằm phục hồi và sử dụng hợp lý, hiệu quả nguồn lợi thủy sản và các hệ sinh thái thủy sinh. Gắn hoạt động tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, quản lý nguồn lợi thủy sản với hoạt động khai thác thủy sản bền vững, chống khai thác IUU.

- Nâng cao nhận thức của cộng đồng và xã hội về bảo tồn, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản góp phần phát triển thủy sản bền vững, giữ gìn tính đa dạng sinh học, giá trị tài ngyên sinh vật của tỉnh Thừa Thiên Huế. Chủ động ứng phó có hiệu quả với biến đổi khí hậu và nước biển dâng; thúc đẩy tăng trưởng xanh, nâng cao đời sống và sinh kế cho người dân, bảo đảm quốc phòng, an ninh, chủ quyền quốc gia.

2. Mục tiêu cụ thể

- Hoàn thành kế hoạch điều tra, đánh giá đa dạng sinh học, nguồn lợi thủy sản và môi trường sống của các loài thủy sản vùng ven biển, các bãi cạn, gò đồi ngầm ở biển và vùng nội địa tỉnh Thừa Thiên Huế theo Luật Thủy sản. Điều tra, đánh giá nghề cá thương phẩm hàng năm theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

- Hoàn thành kế hoạch điều tra, đánh giá hiện trạng khai thác nguồn lợi thủy sản vùng lộng và vùng ven bờ biển tỉnh Thừa Thiên Huế làm cơ sở cấp hạn ngạch khai thác vùng lộng, vùng ven bờ nhằm bảo vệ, khai thác bền vững nguồn lợi thủy sản góp phần trữ lượng nguồn lợi thủy sản ở biển được phục hồi, tăng 5%.

- Điều tra, đánh giá nguồn lợi và môi trường sống của các loài thủy sản theo chương trình phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đạt 100% các hồ tự nhiên, hồ chứa lớn và hệ thống sông chính trên địa bàn tỉnh.

- Hình thành Khu bảo tồn biển, rạn nhân tạo thả trong các khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản, quản lý và hoạt động theo quy định của pháp luật thủy sản.

- Xây dựng chính sách về việc bảo về nguồn lợi thủy sản, đặc biệt là các loài thủy sản quý hiếm có nguy cơ tiệt chủng.

- Đến năm 2030, có 10% số lượng loài thủy sinh trong Danh mục loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm được sinh sản nhân tạo, ương nuôi thành công. Ứng dụng khoa học công nghệ phát triển sản xuất các thủy sản đặc sản, đặc hữu có giá trị tại vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai. Có 20% số lượng loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm được lập hồ sơ, giám sát, đánh giá.

- Điều chỉnh, cơ cấu lại nghề khai thác thủy sản phù hợp theo hướng giảm dần các nghề khai thác có tính hủy diệt.

- Tổ chức hoạt động thả tái tạo nguồn lợi thủy sản vào vùng nước tự nhiên được thực hiện hàng năm vào các ngày lễ, kỷ niệm lớn của đất nước và của tỉnh.

- Tổ chức thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản gắn với xây dựng nông thôn mới, phát triển du lịch sinh thái.

- Hoàn thành hệ thống cơ sở dữ liệu thành phần về bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản của tỉnh và tích hợp, liên thông đồng bộ, thống nhất, phục vụ công tác quản lý giữa cac ban ngành của tỉnh và cơ quan quản lý Trung ương.

III. NỘI DUNG

1. Điều tra, đánh giá nguồn lợi thủy sản và môi trường sống của loài thủy sản

- Phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức công tác điều tra, đánh giá tổng thể nguồn lợi thủy sản và môi trường sống của các loài thủy sản trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế theo quy định tại Quyết định số 523/QĐ-TTg ngày 27/4/2022 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt điều tra, đánh giá tổng thể nguồn lợi thủy sản và môi trường sống của các loài thủy sản trên phạm vi cả nước định kỳ 5 năm đến năm 2030.

- Hoàn thiện, cập nhật cơ sở dữ liệu thành phần về bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản thuộc cơ sở dữ liệu quốc gia về thủy sản; cập nhật thông tin, công bố kết quả điều tra nguồn lợi thủy sản và môi trường sống của loài thủy sản.

[...]