ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 265/KH-UBND
|
Thừa Thiên Huế,
ngày 31 tháng 7 năm 2023
|
KẾ HOẠCH
THỰC HIỆN QUYẾT ĐỊNH 643/QĐ-TTG NGÀY 05/6/2023 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ VỀ ĐỀ ÁN NÂNG
CAO NĂNG LỰC QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ THỦY SẢN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
Thực hiện Quyết định số
643/QĐ-TTg ngày 05/6/2023 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt đề án Nâng cao
năng lực quản lý nhà nước về thủy sản (Quyết định 643/QĐ-TTg), UBND tỉnh ban
hành Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án với nội dung như sau:
I. MỤC ĐÍCH,
YÊU CẦU
1. Mục đích
- Xác định mục tiêu, nhiệm vụ
và giải pháp chủ yếu tại Quyết định 643/QĐ-TTg để tổ chức thực hiện đề án Nâng
cao năng lực quản lý nhà nước về thủy sản trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế, đảm
bảo ngành thủy sản phát triển bền vững và hội nhập quốc tế.
- Tổ chức sắp xếp, kiện toàn, củng
cố và tăng cường năng lực hệ thống cơ quan quản lý chuyên ngành thủy sản trên địa
bàn tỉnh phù hợp với các quy định góp phần thực hiện mục tiêu của Quyết định số
3275/QĐ-UBND ngày 31/12/2022 của UBND tỉnh về ban hành kế hoạch hành động triển
khai thực hiện Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam giai đoạn 2022-2025 và định
hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.
2. Yêu cầu
- Phát huy tính chủ động, nâng
cao hiệu quả công tác phối hợp giữa các ngành, địa phương nhằm triển khai đồng
bộ các nhiệm vụ, giải pháp của đề án Nâng cao năng lực quản lý nhà nước về thủy
sản của Thủ tướng Chính phủ.
- Trên cơ sở nhiệm vụ của Kế hoạch
này, các sở, ban, ngành và địa phương liên quan tổ chức triển khai thực hiện
phù hợp với tình hình thực tế, đảm bảo thực hiện các mục tiêu của Quyết định
643/QĐ-TTg.
II. NHIỆM VỤ
VÀ GIẢI PHÁP
1. Triển
khai thực hiện hệ thống thể chế pháp lý về thủy sản
- Tổ chức tuyên truyền, tập huấn,
phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật về thủy sản; triển khai thực kịp thời
các Chương trình, đề án, kế hoạch, chính sách liên quan đến lĩnh vực thủy sản
đã được cấp có thẩm quyền ban hành trên địa bàn tỉnh, thường xuyên theo dõi,
giám sát đánh giá kết quả thực hiện.
- Hàng năm tổ chức tổng kết,
đánh giá sản xuất và công tác quản lý nhà nước về thủy sản nhằm định hướng cho
sản xuất thủy sản các năm sau. Kiến nghị, đề xuất tham mưu trình cấp có thẩm
quyền sửa đổi các quy định pháp luật không phù hợp, bổ sung những quy định còn
thiếu kịp thời phục vụ cho sản xuất và quản lý nhà nước về thủy sản trên địa
bàn tỉnh.
2. Kiện
toàn, củng cố cơ cấu tổ chức, chức năng nhiệm vụ của cơ quan quản lý nhà nước về
thủy sản
Sắp xếp tổ chức lại bộ máy quản
lý nhà nước về thủy sản trên địa bàn tỉnh phù hợp với các quy định của Bộ Nông
nghiệp và Phát triển nông thôn, cụ thể:
- Tiếp tục rà soát, sắp xếp lại
cơ cấu tổ chức của Chi cục Thủy sản phù hợp với Thông tư 30/2022/TT-BNNPTNT
ngày 30/12/2022 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về hướng dẫn
chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan chuyên môn về nông nghiệp và phát
triển nông thôn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện; Quyết định số 19/2023/QĐ-UBND
ngày 03/4/2023 của UBND tỉnh về việc tổ chức lại các phòng chuyên môn, nghiệp vụ
thuộc các Chi cục, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
- Xây dựng Đề án vị trí việc
làm và cơ cấu ngạch công chức của Chi cục Thủy sản sau khi có hướng dẫn của Bộ
Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; bồi dưỡng, nâng cao năng lực quản lý nhà
nước về lĩnh vực thủy sản.
- Thành lập Kiểm ngư địa phương
cấp tỉnh:
+ Giai đoạn 2023-2025: Thành lập,
kiện toàn tổ chức kiểm ngư; sắp xếp về cơ cấu, tổ chức với biên chế hiện có và
đi vào hoạt động để thực thi pháp luật thủy sản ở vùng ven bờ và vùng lộng.
+ Giai đoạn 2026-2030: Tiếp tục
thành lập, kiện toàn tổ chức bộ máy kiểm ngư của tỉnh và bổ sung đủ biên chế
cho Kiểm ngư theo vị trí việc làm và định biên thuyền viên.
- Kiện toàn địa vị pháp lý của
Văn phòng đại diện thanh tra, kiểm soát nghề cá tại Cảng cá Thuận An để thanh
tra, kiểm tra, kiểm soát tàu cá cập cảng phục vụ xác nhận, chứng nhận nguồn gốc
thủy sản khai thác và chống khai thác thủy sản bất hợp pháp (IUU). Bố trí nhân
sự có sự tham gia của các thành phần theo quy định: Thanh tra Sở Nông nghiệp và
Phát triển nông thôn, Chi cục Thủy sản (bao gồm cả kiểm ngư), Ban Quản lý Cảng
cá, Bộ đội Biên phòng,…
- Phòng Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn/Phòng Kinh tế của UBND các huyện, thị xã và thành phố Huế: Bố trí tối
thiểu 01 công chức có chuyên môn về thủy sản theo dõi nhiệm vụ quản lý nhà nước
về thủy sản tại địa phương.
3. Phân cấp
quản lý nhà nước về thủy sản
- Rà soát các văn bản phân cấp
quản lý nhà nước giữa tỉnh và địa phương và nhiệm vụ phối hợp giữa các đơn vị
trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn liên quan đến quản lý thủy sản.
Bổ sung, điều chỉnh để phát huy năng lực quản lý nhà nước ở các cấp.
- Tăng cường công tác thanh
tra, kiểm tra, giám sát về thực thi pháp luật và quản lý nhà nước về thủy sản tại
địa phương theo chức năng quản lý chuyên ngành và chức năng quản lý địa bàn.
- Đẩy mạnh phân cấp cho cơ quan
quản lý cấp huyện/thị xã/thành phố về quản lý thủy sản nhằm tăng cường sự chủ động
trong bố trí nguồn lực, kinh phí và triển khai nhiệm vụ. Chú trọng trước mắt
phân cấp quản lý tàu cá có chiều dài lớn nhất dưới 12 mét hoạt động tại vùng biển
ven bờ, vùng nội địa trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế; phân cấp quản lý thủy sản
thủy vực đầm phá.
4. Phát
triển nguồn nhân lực quản lý nhà nước về thủy sản
- Xây dựng, bổ sung danh mục vị
trí việc làm, biên chế, số người làm việc tại các cơ quan quản lý nhà nước về
thủy sản trên địa bàn tỉnh phù hợp với quy định của pháp luật, điều kiện cụ thể
tại tỉnh theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả.
- Hàng năm căn cứ vào các
chương trình đào tạo của Trung ương, xây dựng kế hoạch đào tạo chuyên môn, nghiệp
vụ, kiến thức toàn diện về quản lý nhà nước, chú trọng các kỹ năng tham mưu,
xây dựng, tổ chức thực hiện các chính sách thủy sản. Nâng cao trình độ tin học
để áp dụng chuyển đổi số lĩnh vực quản lý thủy sản.
- Đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn,
huấn luyện, chuyên môn, nghiệp vụ cho công chức, viên chức, kiểm ngư viên, thuyền
viên kiểm ngư đảm bảo yêu cầu thực hiện nhiệm vụ được giao.
- Định kỳ thực hiện luân chuyển,
điều chuyển, biệt phái công chức từ cấp tỉnh về cấp huyện; giữa các cơ quan,
đơn vị thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phù hợp với năng lực, sở
trường, quan tâm đào tạo bồi dưỡng quy hoạch, bổ nhiệm.
- Căn cứ các quy định pháp luật
liên quan, điều kiện thực tế của tỉnh để xây dựng cơ chế thu hút cán bộ trẻ có
trình độ cao tham gia công tác quản lý thủy sản bằng nhiều hình thức (thi tuyển,
tiếp nhận không qua thi tuyển, xét tuyển); thường xuyên tổ chức tập huấn nâng
cao chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước về thủy sản.
- Tăng cường cử cán bộ quản lý
tham dự các hội thảo, diễn đàn chuyên ngành do các cấp tổ chức nhằm chia sẻ
kinh nghiệm, phối hợp nghiên cứu, chuyển giao công nghệ về thủy sản và nâng cao
năng lực ngoại ngữ, năng lực hội nhập quốc tế.
- Thực hiện sắp xếp đội ngũ cán
bộ, công chức, viên chức trong ngành thủy sản theo vị trí việc làm, khung năng
lực, đảm bảo đúng người, đúng việc, nâng cao chất lượng, hợp lý về cơ cấu.
5. Áp dụng
công nghệ thông tin, chuyển đổi số thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về thủy
sản.
- Nâng cấp trang thiết bị,
phương tiện làm việc cho cơ quan, công chức thực hiện nhiệm vụ về quản lý nhà
nước về thủy sản. Trang bị tàu kiểm ngư, xuồng kiểm ngư đủ mạnh với đầy đủ trang
thiết bị hỗ trợ nhằm đảm bảo tuần tra, kiểm tra, kiểm soát trên biển đồng thời
tạo điều kiện thuận lợi trong hoạt động chỉ đạo, phối hợp tìm kiếm cứu hộ, cứu
nạn trên biển.
- Công nghệ thông tin và chuyển
đổi số được ứng dụng vào các hoạt động quản lý nhà nước về thủy sản để đảm bảo
công tác chỉ đạo điều hành từ tỉnh đến cơ sở được thông suốt, kịp thời, hiệu quả.
Đồng bộ liên thông hệ thống cơ sở dữ liệu ngành thủy sản cấp tỉnh với Trung
ương, cũng như hệ thống cơ sở dữ liệu dùng chung tỉnh Thừa Thiên Huế.
- Xây dựng phần mềm Hệ thống chỉ
đạo, điều hành/giao ban trực tuyến giữa Chi cục Thủy sản và các Phòng Nông nghiệp
và Phát triển nông thôn/Phòng Kinh tế.
- Nâng cấp, nhật ký điện tử
trên các tàu cá xa bờ, liên thông cơ sở dữ liệu và phần mềm về quản lý tàu cá tại
cảng, để truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác đáp ứng công tác chống khai
thác IUU.
- Nâng cao năng lực cán bộ, bảo
đảm tham gia hệ thống cơ sở dữ liệu nghề cá quốc gia (Vnfishbase), khi được
nâng cấp, mở rộng: (i) về khai thác thủy sản (đăng ký, đăng kiểm, cấp giấy
phép): Định dạng số đăng ký theo quy định, khi nhập sai hệ thống sẽ báo lỗi; bổ
sung trường cho phép hồi cố tàu khi bị xóa nhầm,...; (ii) cấp giấy phép: Bổ
sung thông tin chiều dài Lmax và cho phép xuất ra màn hình chính; Điều chỉnh
báo cáo tổng hợp cấp giấy phép cho phù hợp, bổ sung tra cứu giấy phép,.. ;
(iii) đăng kiểm: quản lý, cập nhật khi xã hội hóa công tác đăng kiểm; Bổ sung
danh sách tàu hết hạn đăng kiểm; danh sách tàu chưa đăng kiểm; Sửa giao diện
màn hình đăng 44 kiểm, chỉ cho hiển thị 1 lần đăng kiểm mới nhất ra màn hình và
khi kích vào thông tin chi tiết sẽ có bảng liệt kê các lần đăng kiểm cũ,…; (iv)
tra cứu: Bổ sung tra cứu cấp giấy phép, tàu hết hạn giấy phép, hết hạn đăng kiểm,…;
Báo cáo: Bổ sung báo cáo tổng hợp; chỉnh sửa báo cáo đăng kiểm, cấp giấy phép
cho phù hợp với các quy định,…; (v) hậu cần: bổ sung thống kê thông tin hậu cần
theo chiều dài tàu, ngày cập nhật,..; (vi) hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu và phản
hồi kết quả quan trắc môi trường thủy sản: Nâng cấp, mở rộng thêm một số tính
năng của phần mềm để tối ưu hóa việc cung cấp thông tin kịp thời phục vụ sản xuất
và chỉ đạo sản xuất.
III. TỔ CHỨC
THỰC HIỆN
1. Sở Nông nghiệp và Phát
triển nông thôn
- Sở Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn là cơ quan chủ trì triển khai thực hiện các nhiệm vụ tại Kế hoạch
này, định kỳ tổng hợp các kết quả, khó khăn vướng mắc báo cáo UBND tỉnh theo
quy định.
- Chủ trì phối hợp với Sở Nội vụ
rà soát bổ sung vị trí việc làm, bổ sung biên chế công chức cho Chi cục Thủy sản
đảm bảo năng lực quản lý nhà nước về thủy sản trên địa bàn tỉnh.
- Nghiên cứu, tham mưu thành lập,
kiện toàn tổ chức kiểm ngư tỉnh theo quy định của Chính phủ và Bộ Nông nghiệp
và Phát triển nông thôn.
- Xây dựng kế hoạch nhu cầu đào
tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ; tuyển dụng, xét tuyển công chức quản lý
thủy sản theo quy định.
- Hàng năm phối hợp Sở Tài
chính tham mưu đề xuất kinh phí cho thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm tại Kế hoạch
này.
2. Sở Nội vụ
- Phối hợp với Sở Nông nghiệp
và Phát triển nông thôn rà soát tham mưu UBND tỉnh cơ cấu, tổ chức của Chi cục
Thủy sản; xây dựng đề án vị trí việc làm, khung năng lực chuyên ngành thủy sản
theo quy định; ưu tiên bố trí biên chế công chức, viên chức ngành thủy sản tại
các cơ quan quản lý thủy sản.
- Phối hợp với Sở Nông nghiệp
và Phát triển nông thôn rà soát tham mưu UBND tỉnh kiện toàn tổ chức kiểm ngư;
sắp xếp về cơ cấu, tổ chức với biên chế bảo đảm đi vào hoạt động để thực thi
pháp luật thủy sản ở vùng ven bờ và vùng lộng.
- Phối hợp Sở Nông nghiệp và
Phát triển nông thôn tham mưu UBND tỉnh kiện toàn Văn phòng đại diện thanh tra,
kiểm soát nghề cá.
3. Sở Tài chính
Hàng năm, trên cơ sở dự toán
kinh phí thực hiện của các sở, ban, ngành và các địa phương tổng hợp, tham mưu
UBND tỉnh bố trí kinh phí trong khả năng cân đối ngân sách để thực hiện các nhiệm
vụ theo quy định tại Kế hoạch.
4. Các sở, ngành liên quan
Phối hợp với Sở Nông nghiệp và
Phát triển nông thôn thực hiện các nội dung liên quan của Kế hoạch này.
5. UBND các huyện, thị xã và
thành phố Huế
- Căn cứ nội dung Kế hoạch này,
UBND các huyện, thị xã và thành phố Huế tổ chức triển khai hiệu quả Kế hoạch
này.
- Tổ chức sắp xếp, kiện toàn, củng
cố và tăng cường năng lực hệ thống cơ quan quản lý chuyên ngành thủy sản tại địa
phương theo quy định.
- Thanh tra, kiểm tra, giám sát
về thực thi pháp luật và quản lý nhà nước về thủy sản tại địa phương theo chức
năng quản lý.
- Bố trí kinh phí thực hiện Kế
hoạch đối với các nhiệm vụ thuộc trách nhiệm của địa phương theo quy định phân
cấp ngân sách nhà nước hiện hành.
Yêu cầu các sở, ban, ngành, các
đơn vị liên quan và UBND các huyện, thị xã và thành phố Huế căn cứ chức năng
nhiệm vụ được giao chủ động thực hiện Kế hoạch này đạt hiệu quả. Quá trình triển
khai gặp vướng mắc báo cáo kết quả thực hiện về Sở Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh theo quy định./.
Nơi nhận:
- CT và các PCT UBND tỉnh;
- Các Sở, ban, ngành cấp tỉnh;
- UBND các huyện, thị xã, thành phố Huế;
- VP: LĐ và các CV: TH, TC, NV, XDCB;
- Lưu: VT, NN.
|
TM.ỦY BAN NHÂN
DÂN
KT.CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Hoàng Hải Minh
|
PHỤ LỤC
NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM THỰC HIỆN ĐỀ ÁN NÂNG CAO NĂNG LỰC QUẢN
LÝ NHÀ NƯỚC VỀ THỦY SẢN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
(Kèm theo Kế hoạch số 265/KH-UBND ngày 31 tháng 7 năm 2023 của UBND tỉnh Thừa
Thiên Huế)
TT
|
Tên Chương trình
|
Cơ quan chủ trì
|
Cơ quan phối hợp
|
Thời gian thực hiện
|
1
|
Tổ chức tuyên truyền, tập huấn,
phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật về thủy sản; triển khai thực hiện kịp
thời các Chương trình, đề án, kế hoạch
|
Sở Nông nghiệp và PTNT
|
Các sở, ngành và địa phương liên quan
|
Hàng năm
|
2
|
Tổ chức tổng kết, đánh giá sản
xuất và công tác quản lý nhà nước về thủy sản nhằm định hướng cho sản xuất thủy
sản các năm sau. Kiến nghị, đề xuất tham mưu trình cấp có thẩm quyền sửa đổi
các quy định pháp luật không phù hợp, bổ sung những quy định.
|
Sở Nông nghiệp và PTNT
|
Các sở, ngành và địa phương liên quan
|
Hàng năm
|
3
|
Rà soát, sắp xếp lại cơ cấu tổ
chức của Chi cục Thủy sản phù hợp với quy định. xây dựng đề án vị trí việc
làm chuyên ngành thủy sản theo hướng dẫn của Bộ NNPTNT.
|
Sở Nông nghiệp và PTNT
|
Sở Nội vụ
|
2023-2024
|
4
|
Kiện toàn Văn phòng đại diện
thanh tra, kiểm soát nghề cá.
|
Sở Nông nghiệp và PTNT
|
Sở Nội vụ
|
8/2023
|
5
|
Nâng cao năng lực cán bộ, bảo
đảm tham gia hệ thống cơ sở dữ liệu nghề cá quốc gia (Vnfishbase), theo từng
giai đoạn.
|
Sở Nông nghiệp và PTNT
|
UBND các huyện, thị xã và thành phố Huế
|
Hàng năm
|
6
|
Phân cấp quản lý tàu cá có
chiều dài lớn nhất dưới 12 mét hoạt động tại vùng biển ven bờ, vùng nội địa
trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.
|
Sở Nông nghiệp và PTNT
|
Sở Tư pháp
|
8/2023
|
7
|
Phân quyền quản lý thủy sản đầm
phá, sông hồ cho các tổ chức ngư dân ở cơ sở.
|
Sở Nông nghiệp và PTNT/UBND cấp huyện có thủy vực
|
UBND cấp xã có liên quan
|
2024-2025
|
8
|
Nâng cấp trang thiết bị,
phương tiện làm việc cho cơ quan, công chức thực hiện nhiệm vụ về quản lý nhà
nước về thủy sản.
|
Sở Nông nghiệp và PTNT
|
Sở Tài chính
|
2024-2025
|
9
|
Trang bị 01 tàu kiểm ngư mới
đủ mạnh với đầy đủ trang thiết bị hỗ trợ nhằm đảm bảo tuần tra, kiểm tra, kiểm
soát trên biển.
|
Sở Nông nghiệp và PTNT
|
Sở Tài chính
|
2024-2025
|
10
|
Nâng cấp, nhật ký điện tử
trên các tàu cá xa bờ, liên thông cơ sở dữ liệu và phần mềm về quản lý tàu cá
tại cảng, để truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác đáp ứng công tác chống
khai thác IUU
|
Sở Nông nghiệp và PTNT
|
Chủ tàu cá xa bờ và các đơn vị liên quan
|
2024-2025
|
11
|
Thành lập, kiện toàn tổ chức
kiểm ngư tỉnh đảm bảo đủ năng lực, biên chế theo vị trí việc làm.
|
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
|
Sở Nội vụ
|
2026-2027
|