Kế hoạch 183/KH-UBND năm 2024 bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Ninh Bình

Số hiệu 183/KH-UBND
Ngày ban hành 18/10/2024
Ngày có hiệu lực 18/10/2024
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Ninh Bình
Người ký Trần Song Tùng
Lĩnh vực Lĩnh vực khác

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NINH BÌNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 183/KH-UBND

Ninh Bình, ngày 18 tháng 10 năm 2024

 

KẾ HOẠCH

BẢO VỆ VÀ PHÁT TRIỂN NGUỒN LỢI THỦY SẢN ĐẾN NĂM 2030 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NINH BÌNH

Thực hiện Quyết định số 76/QĐ-TTg ngày 18/01/2024 của Thủ tướng chính phủ phê duyệt Chương trình Quốc gia Bảo vệ và Phát triển nguồn lợi thủy sản đến năm 2030. Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch Bảo vệ và Phát triển nguồn lợi thủy sản đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Ninh Bình, với các nội dung sau:

I. MỤC ĐÍCH YÊU CẦU

1. Mục đích

- Cụ thể hoá các quan điểm, mục tiêu, nội dung và giải pháp chủ yếu của Chương trình quốc gia Bảo vệ và Phát triển nguồn lợi thủy sản đến năm 2030, tại Quyết định số 76/QĐ-TTg ngày 18/01/2024 của Thủ tướng chính phủ, phù hợp với quy hoạch tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050 và điều kiện thực tế của tỉnh bảo đảm kịp thời, hiệu quả.

- Cân bằng hệ sinh thái, đa dạng sinh học, phục hồi những thủy sản bản địa, tăng trữ lượng nguồn lợi thủy sản ngoài tự nhiên.

- Từng bước bổ sung vào hệ sinh thái thủy sản của tỉnh những loài thủy sản đặc hữu, có giá trị kinh tế cao[1], từng bước xây dựng thương hiệu ẩm thực địa phương.

- Tạo sự đồng thuận, nhất trí của các cấp, ngành, địa phương và người dân trên địa bàn tỉnh trong tổ chức triển khai thực hiện Chương trình quốc gia Bảo vệ và Phát triển nguồn lợi thủy sản đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh.

2. Yêu cầu

- Triển khai nghiêm túc, có chất lượng nhằm nâng cao công tác quản lý, điều hành và thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp tổ chức thực hiện kế hoạch đề ra.

- Các sở, ngành, địa phương xác định rõ các nhiệm vụ trọng tâm cần ưu tiên thực hiện trong lĩnh vực bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản; xây dựng các nội dung công việc, thời hạn, tiến độ hoàn thành và trách nhiệm trong việc tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch.

- Bảo đảm kế thừa, tích hợp với các Chương trình, Kế hoạch, Đề án hiện có nhằm nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản, bảo đảm sự thống nhất trong chỉ đạo; sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa các sở, ngành, địa phương và các đơn vị có liên quan trong quá trình tổ chức, triển khai thực hiện.

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

Bảo tồn, bảo vệ, tái tạo nguồn lợi thủy sản nhằm phục hồi và sử dụng hợp lý, hiệu quả nguồn lợi thủy sản và các hệ sinh thái thủy sinh; gắn hoạt động tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, quản lý nguồn lợi thủy sản với hoạt động khai thác thủy sản bền vững; chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (gọi tắt là IUU); nâng cao nhận thức của cộng đồng và xã hội về bảo tồn, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản góp phần phát triển thủy sản bền vững, giữ gìn tính đa dạng sinh học, giá trị tài nguyên sinh vật; chủ động ứng phó có hiệu quả với biến đổi khí hậu và nước biển dâng; thúc đẩy tăng trưởng xanh, nâng cao đời sống và sinh kế cho người dân, bảo đảm quốc phòng, an ninh, chủ quyền quốc gia.

2. Mục tiêu cụ thể

- Thực hiện điều tra, đánh giá đa dạng sinh học, nguồn lợi và môi trường sống của loài thủy sản trên địa bàn toàn tỉnh; điều tra nghề cá thương phẩm hằng năm trên vùng biển Ninh Bình.

- Xác định các khu vực được quản lý, bảo vệ, quy hoạch thành các bãi đẻ của các loài thủy sản, để lựa chọn các đối tượng thả phù hợp cho sinh sản tự nhiên làm tăng quần đàn trong khu vực[2].

- 100% các hệ thống sông chính được điều tra, đánh giá nguồn lợi và môi trường sống của loài thủy sản.

- Sinh sản nhân tạo, ương nuôi thành công và lập hồ sơ giám sát, đánh giá một số loài đặc sản, đặc hữu của tỉnh.

- Tổ chức hoạt động thả giống tái tạo nguồn lợi thủy sản vào vùng nước tự nhiên được duy trì hàng năm.

- Thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản gắn với xây dựng nông thôn mới, phát triển du lịch sinh thái.

- Cập nhật hệ thống cơ sở dữ liệu thành phần về bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản vào cơ sở dữ liệu quốc gia về thủy sản phục vụ công tác quản lý.

III. NỘI DUNG

1. Điều tra đánh giá nguồn lợi thủy sản, môi trường sống loài thủy sản

- Thực hiện điều tra, nguồn lợi thủy sản, môi trường sống loài thủy sản tại vùng lộng và vùng biển ven bờ của tỉnh theo định kỳ 5 năm/lần.

- Hàng năm tổ chức Kiểm tra, đánh giá kết quả tại các bãi đẻ, đề xuất đối tượng, chủng loại, kích cỡ, số lượng thả cho năm tiếp theo.

[...]