Thứ 6, Ngày 25/10/2024

Kế hoạch 160/KH-UBND năm 2024 thực hiện Chương trình bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản trên địa bàn tỉnh Yên Bái đến năm 2030

Số hiệu 160/KH-UBND
Ngày ban hành 22/07/2024
Ngày có hiệu lực 22/07/2024
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Yên Bái
Người ký Nguyễn Thế Phước
Lĩnh vực Lĩnh vực khác

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH YÊN BÁI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 160/KH-UBND

Yên Bái, ngày 22 tháng 7 năm 2024

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH BẢO VỆ VÀ PHÁT TRIỂN NGUỒN LỢI THỦY SẢN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH YÊN BÁI ĐẾN NĂM 2030

Căn cứ Luật Thủy sản ngày 21 tháng 11 năm 2017;

Căn cứ Nghị định số 26/2019/NĐ-CP ngày 08 tháng 3 năm 2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản;

Căn cứ Nghị định số 42/2019/NĐ-CP ngày 16 tháng 5 năm 2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản;

Căn cứ Quyết định số 339/QĐ-TTg ngày 11 tháng 3 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045;

Căn cứ Quyết định số 523/QĐ-TTg ngày 27 tháng 4 năm 2022 của Thủ tướng phê duyệt “Chương trình điều tra, đánh giá tổng thể nguồn lợi thủy sản và môi trường sống của các loài thủy sản trên phạm vi cả nước định kỳ 5 năm đến năm 2030”;

Căn cứ Kế hoạch số 240/KH-UBND ngày 23 tháng 11 năm 2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái về việc thực hiện Chương trình Quốc gia phát triển nuôi trồng thủy sản giai đoạn 2021-2030 trên địa bàn tỉnh Yên Bái;

Thực hiện Quyết định số 76/QĐ-TTg ngày 18 tháng 01 năm 2024 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình quốc gia bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản đến năm 2030; Văn bản số 1443/BNN-KN ngày 01 tháng 3 năm 2024 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc triển khai Kế hoạch thực hiện Chương trình bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản đến năm 2030.

Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành kế hoạch thực hiện Chương trình bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản trên địa bàn tỉnh Yên Bái đến năm 2030, như sau:

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

- Bảo tồn, bảo vệ, tái tạo nguồn lợi thủy sản nhằm phục hồi và sử dụng hợp lý, hiệu quả nguồn lợi thủy sản và các hệ sinh thái thủy sinh; gắn hoạt động tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, quản lý nguồn lợi thủy sản với hoạt động khai thác thủy sản bền vững, chống khai thác tận diệt; nâng cao nhận thức của cộng đồng và xã hội về bảo tồn, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản góp phần phát triển thủy sản bền vững, giữ gìn tính đa dạng sinh học, giá trị tài nguyên sinh vật; chủ động ứng phó có hiệu quả với biến đổi khí hậu; thúc đẩy tăng trưởng xanh, nâng cao đời sống và sinh kế cho người dân, bảo đảm quốc phòng, an ninh, chủ quyền quốc gia.

- Nâng cao nhận thức về tầm quan trọng và giá trị nguồn tài nguyên thiên nhiên và đa dạng sinh học bảo vệ môi trường sinh thái bền vững. Xác định vai trò và trách nhiệm của cộng đồng trong việc tham gia bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Quản lý có hiệu quả các hoạt động khai thác thủy sản trên địa bàn tỉnh; từng bước đưa quản lý nghề cá phù hợp với Luật Thủy sản.

2. Mục tiêu cụ thể

- Tổ chức thả cá giống bổ sung, tái tạo nguồn lợi một số giống, loài thủy sản bản địa, có giá trị kinh tế cao hoặc các giống, loài thủy sản quý hiếm đang có nguy cơ bị suy giảm, tuyệt chủng, góp phần thiết thực tái tạo, phục hồi nguồn lợi và đa dạng hóa các giống, loài thủy sản vào vùng nước tự nhiên hàng năm; tạo sinh kế, ổn định đời sống dân sinh cho người dân sinh sống tại địa bàn các xã ven sông, hồ chứa, hồ Thác Bà (từ năm 2026 đến năm 2030).

- Thực hiện quan trắc môi trường nhằm phát hiện sớm, cảnh báo kịp thời ảnh hưởng về chất lượng nước trong nuôi trồng thủy sản, từ đó khuyến cáo, hướng dẫn cho các hộ nuôi trồng thủy sản thực hiện các biện pháp xử lý, kiểm soát môi trường nước, phòng bệnh cho thủy sản nuôi đạt hiệu quả.

- Điều tra, đánh giá đa dạng sinh học, nguồn lợi thủy sản và môi trường sống của các loài thủy sản trong hệ thống sông, ngòi, hồ chứa trên địa bàn tỉnh.

II. NỘI DUNG KẾ HOẠCH

1. Công tác thông tin tuyên truyền

- Nội dung tuyên truyền: Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến về Chương trình Quốc gia bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản đến năm 2030; nội dung kế hoạch, mục tiêu, ý nghĩa của kế hoạch thực hiện. Tăng cường truyền thông nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, cộng đồng và xã hội về vai trò, giá trị của nguồn lợi thủy sản và các hệ sinh thái thủy sinh; quyền lợi, trách nhiệm, nghĩa vụ của cộng đồng và người dân khi tham gia chương trình; phổ biến các quy định của pháp luật có liên quan đến bảo tồn, tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản; tuyên truyền, vận động các tổ chức xã hội, xã hội nghề nghiệp tham gia vào các hoạt động của chương trình.

- Hình thức tuyên truyền: Đa dạng hóa các phương thức truyền thông, thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, hệ thống truyền thanh cơ sở, các lớp tập huấn, đào tạo, hội nghị, hội thảo, tài liệu, tờ rơi, tờ gấp...

- Đối tượng được tuyên truyền: Mọi người dân, các tăng ni, phật tử trong địa bàn thực hiện chương trình tái tạo nguồn lợi thủy sản, trong đó tập trung vào các hộ dân sống xung quanh các đầm hồ thả tái tạo nguồn lợi thủy sản, các hộ dân tham gia hoạt động khai thác nguồn lợi thủy sản tự nhiên, các hộ nuôi cá lồng trên địa bàn tỉnh, cán bộ xã, công an xã, trưởng các khu dân cư.

2. Bảo vệ, tái tạo, phát triển nguồn lợi thủy sản và phục hồi môi trường sống của các loài thủy sản

- Tổ chức quản lý các khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản, khu vực cấm khai thác thủy sản có thời hạn và đường di cư tự nhiên của các loài thủy sản trên địa bàn tỉnh. Ban hành quy định về thời gian, địa điểm cấm khai thác trong năm, đặc biệt là các khu vực tập trung sinh sản, Bãi cá đẻ tự nhiên như: Bãi cá đẻ Đồng Lạng, xã Bảo Ái, huyện Yên Bình; Bãi cá đẻ Làng Ven, xã Minh Tiến, huyện Lục Yên. nhằm bảo vệ, phục hồi hệ sinh thái và môi trường sống của các loài thủy sản. Thời gian thực hiện: Từ tháng 6 đến tháng 9 hàng năm.

- Kiểm soát chặt chẽ hoạt động khai thác, gây nuôi, vận chuyển, mua bán tiêu thụ các loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm.

- Hàng năm tổ chức thả bổ sung các giống loài thủy sản vào thủy vực tự nhiên như sông, hồ, đầm để khôi phục khả năng tự tái tạo, lấy lại sự cân bằng sinh thái, ổn định quần xã thủy sinh vật ở các thủy vực có sự giám sát của các ngành chức năng và chính quyền địa phương. Cơ cấu giống, loài thủy sản bố trí hợp lý theo phân tầng sinh sống của các loài cá để đảm bảo khả năng sinh trưởng phát triển tốt trong điều kiện tự nhiên; Ưu tiên lựa chọn các đối tượng thủy sản có giá trị kinh tế cao, quý hiếm, có khả năng thích nghi tốt với môi trường và trong danh mục được phép nhân nuôi theo quy định. Thời gian thực hiện từ tháng 6 đến tháng 12 (giai đoạn 2026-2030).

- Thực hiện công tác xã hội hóa các nguồn lực xã hội, thông qua công tác vận động các tổ chức chính trị, xã hội, Giáo hội phật giáo Việt Nam tỉnh Yên Bái, tổ chức các hoạt động phóng sinh, tái tạo nguồn lợi thủy sản vào các hệ thống sông, hồ tự nhiên trên địa bàn tỉnh. Thời gian thực hiện: Ngày truyền thống ngành thủy sản Việt Nam (ngày 01/4), ngày môi trường thế giới (ngày 05/6), ngày Quốc tế đa dạng sinh học (ngày 22/5), Rằm tháng riêng, Lễ phật đản, Lễ hội Vu lan (ngày 15/7 âm lịch), ngày Ông Táo (ngày 23/12 âm lịch).

[...]