Kế hoạch 323/KH-UBND năm 2021 triển khai thực hiện Nghị quyết 105/NQ-CP về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch Covid-19 do tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành

Số hiệu 323/KH-UBND
Ngày ban hành 20/10/2021
Ngày có hiệu lực 20/10/2021
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Thừa Thiên Huế
Người ký Phan Quý Phương
Lĩnh vực Doanh nghiệp,Thể thao - Y tế

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 323/KH-UBND

Thừa Thiên Huế, ngày 20 tháng 10 năm 2021

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 105/NQ-CP NGÀY 09/9/2021 CỦA CHÍNH PHỦ VỀ HỖ TRỢ DOANH NGHIỆP, HỢP TÁC XÃ, HỘ KINH DOANH TRONG BỐI CẢNH DỊCH COVID-19

Nhằm quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Nghị quyết số 105/NQ-CP ngày 09/9/2021 của Chính phủ về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch Covid-19; kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh để ổn định hoạt động sản xuất, kinh doanh, phục hồi và tạo đà phát triển trong thời gian tới. Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết số 105/NQ-CP như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

Nâng cao tinh thần trách nhiệm, kịp thời tham mưu đề xuất các cơ chế, chính sách, giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch Covid-19.

Thực hiện quyết liệt, hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trên địa bàn tỉnh phục hồi, duy trì và phát triển sản xuất, kinh doanh gắn với bảo đảm an toàn phòng, chống dịch.

2. Yêu cầu

Chủ động thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh vừa phòng, chống dịch, vừa duy trì ổn định sản xuất, kinh doanh an toàn, hiệu quả; huy động các nguồn lực xã hội để hỗ trợ thiết thực, hiệu quả, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, đời sống cho người lao động.

Vận dụng sáng tạo, linh hoạt cách làm hay, mô hình hiệu quả vào thực tế của tỉnh; kịp thời báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh tháo gỡ khó khăn cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh và người dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 để hỗ trợ, giải quyết các khó khăn, vướng mắc phát sinh.

Đề cao trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu trong việc hỗ trợ, tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn cản trở hoạt động sản xuất, kinh doanh, giảm thiểu tối đa số doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh ngừng hoạt động, giải thể, phá sản do tác động bởi dịch Covid-19.

II. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP

Các sở, ban, ngành, đơn vị trực thuộc UBND tỉnh; các cơ quan Trung ương trên địa bàn tỉnh; Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh tỉnh Thừa Thiên Huế; Liên minh Hợp tác xã tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố Huế khẩn trương triển khai thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm như sau:

1. Sở Y tế: Chủ trì, phối hợp với các sở, ban ngành, đơn vị, địa phương:

a) Tham mưu UBND tỉnh đề nghị Chính phủ, Bộ Y tế tiếp tục quan tâm ưu tiên phân bổ vắc xin cho các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế nhằm nâng cao tỷ lệ tiêm vắc xin cho bệnh nhân, người dân, tăng cường kiểm soát tình hình dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện tốt các tiêu chí kiểm soát dịch bệnh Covid-19 của Chính phủ, Bộ Y tế. Tiếp tục thực hiện tham mưu phân bổ hợp lý, hiệu quả nguồn vắc xin phòng Covid-19, bổ sung các đối tượng ưu tiên tiêm, bao gồm người lao động của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh tại Khu kinh tế công nghiệp tỉnh, các cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh, quan tâm các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng đang có đơn hàng sản xuất, hoạt động xuất, nhập khẩu, sử dụng nhiều lao động; các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh hoạt động trong lĩnh vực lưu thông hàng hóa, cảng biển; người làm việc tại các công trình trọng điểm quốc gia và của tỉnh; người lao động trong các lĩnh vực có nguy cơ cao. Tiếp tục bổ sung các đối tượng ưu tiên tiêm vắc xin phù hợp, đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất, kinh doanh trong những ngành, lĩnh vực cần thiết khác.

b) Trên cơ sở hướng dẫn của Bộ Y tế, tham mưu UBND tỉnh ban hành quy định cụ thể việc doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh mua sinh phẩm, thiết bị xét nghiệm, thực hiện việc tự xét nghiệm và chịu trách nhiệm về kết quả xét nghiệm.

c) Căn cứ vào tình hình kiểm soát dịch và mức độ vắc xin được phân bổ, hướng dẫn UBND các huyện, thị xã, thành phố Huế thực hiện lộ trình, kế hoạch cụ thể để các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh có thể hoạt động trở lại.

d) Hướng dẫn cụ thể UBND các huyện, thị xã, thành phố Huế về việc xét nghiệm và các điều kiện cần thiết đối với người lao động làm việc tại các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh để sớm được tham gia hoạt động sản xuất kinh doanh.

đ) Hướng dẫn quy trình cách ly y tế an toàn để UBND các huyện, thị xã, thành phố Huế thực hiện thống nhất, tạo thuận lợi cho việc tiếp nhận lao động đến và trở về từ các địa phương khác, sau khi có hướng dẫn của Bộ Y tế.

2. Sở Thông tin và Truyền thông:

a) Chủ trì, phối hợp với Sở Y tế, Công an tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố Huế khẩn trương phổ biến, tập huấn và đẩy mạnh triển khai kết nối nền tảng hỗ trợ tư vấn khám chữa bệnh từ xa tới 100% cấp huyện, cấp xã; ban hành Sổ tay điện tử hướng dẫn ứng phó với Covid-19; đồng thời, đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của UBND tỉnh các văn bản chỉ đạo, điều hành chống dịch nhằm góp phần tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong công tác phòng, chống dịch.

b) Hướng dẫn triển khai đồng bộ và thống nhất phần mềm ứng dụng Hue-S, các phần mềm ứng dụng, kết nối thông tin từ tỉnh đến các địa phương phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19, trong đó có việc tiêm chủng, xét nghiệm, khai báo y tế, cấp luồng xanh, chứng chỉ xanh,... nhằm đảm bảo thông tin tập trung, chính thống, nhanh chóng, thuận lợi, an toàn cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh và người dân.

c) Chỉ đạo các cơ quan báo chí, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh (TRT) thông tin, tuyên truyền kịp thời về tình hình dịch bệnh, chủ trương, chính sách, quy định của Đảng, Nhà nước và hướng dẫn của các cơ quan về phòng, chống dịch bệnh; củng cố niềm tin cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh ổn định sản xuất kinh doanh.

d) Tăng cường truyền thông về tác dụng, hiệu quả của việc tiêm chủng vắc xin; hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh tiếp cận hạ tầng công nghệ thông tin để phục vụ làm việc trực tuyến, từ xa.

đ) Phối hợp với Công an tỉnh xử lý nghiêm việc đưa tin thiếu chính xác, chưa được kiểm chứng, xuyên tạc gây hoang mang trong Nhân dân theo quy định pháp luật.

3. Ban Quản lý Khu kinh tế, công nghiệp tỉnh: Thường xuyên kiểm tra, theo dõi, đôn đốc, nhắc nhở các doanh nghiệp trong Khu kinh tế và các khu công nghiệp của tỉnh triệt để tuân thủ nguyên tắc phòng chống dịch; đồng thời, quan tâm đến đời sống của công nhân, người lao động. Chủ động đề xuất tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo kịp thời những khó khăn vướng mắc trong công tác vừa tập trung phòng chống dịch, vừa đảm bảo sản xuất kinh doanh.

4. Sở Kế hoạch và Đầu tư: Chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố Huế:

a) Tập trung đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025 đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, trong đó ưu tiên bố trí vốn để hoàn thành dứt điểm các dự án trọng điểm, có tính chất lan tỏa, kết nối vùng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Kiên quyết điều chuyển vốn của các dự án, địa phương có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công chậm sang các dự án, địa phương có tỷ lệ vốn giải ngân vốn đầu tư công cao để tránh lãng phí nguồn lực đầu tư nhằm giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp, người lao động.

[...]
1
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ