Kế hoạch 166/KH-UBND năm 2021 triển khai thực hiện Nghị quyết 105/NQ-CP về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch Covid-19 do tỉnh Hưng Yên ban hành

Số hiệu 166/KH-UBND
Ngày ban hành 03/11/2021
Ngày có hiệu lực 03/11/2021
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Hưng Yên
Người ký Đặng Ngọc Quỳnh
Lĩnh vực Doanh nghiệp,Thể thao - Y tế

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HƯNG YÊN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 166/KH-UBND

Hưng Yên, ngày 03 tháng 11 năm 2021

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 105/NQ-CP NGÀY 09/9/2021 CỦA CHÍNH PHỦ VỀ HỖ TRỢ DOANH NGHIỆP, HỢP TÁC XÃ, HỘ KINH DOANH TRONG BỐI CẢNH DỊCH COVID-19

Năm 2021, triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh rất nhiều khó khăn, thách thức do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 diễn biến nhanh, phức tạp và khó lường, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất và đời sống kinh tế - xã hội, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt thực hiện mục tiêu kép vừa phòng chống đại dịch Covid-19 vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; cùng với sự nỗ lực phấn đấu cao của toàn thể nhân dân và doanh nghiệp trong tỉnh, đến nay, tỉnh đã thực hiện hiệu quả và kịp thời công tác phòng, chống dịch trên địa bàn tỉnh, góp phần đảm bảo môi trường an toàn để duy trì hoạt động sản xuất trong các khu, cụm, nhà máy sản xuất công nghiệp, tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh luôn nằm trong tầm kiểm soát, tình hình kinh tế - xã hội đạt kết quả khá tích cực.

Để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc do tác động tiêu cực của dịch COVID-19, hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh ổn định sản xuất, kinh doanh, hồi phục và tạo đà phát triển trong thời gian tới, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố khẩn trương quán triệt, thực hiện quyết liệt, hiệu quả những nội dung sau:

I. QUAN ĐIỂM

1. Nêu cao tinh thần tự lực, tự cường; huy động sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh và người dân; quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt vì mục tiêu cao nhất là bảo vệ tính mạng, sức khỏe của người dân, đồng thời hỗ trợ, tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh nhưng phải bảo đảm an toàn phòng, chống dịch bệnh; không để xảy ra đứt gánh chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng, có lộ trình, kế hoạch cụ thể để doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh hoạt động trở lại. Tổ chức triển khai có hiệu quả các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về công tác phòng, chống dịch; xây dựng các giải pháp phù hợp, hiệu quả từng bước thích ứng an toàn với dịch bệnh.

2. Kiên trì, quyết liệt phòng, chống dịch COVID-19 theo phương châm “Chống dịch như chống giặc”; đảm bảo hài hòa, hợp lý, hiệu quả giữa phòng, chống dịch và sản xuất kinh doanh; “Chống dịch để sản xuất và sản xuất để chống dịch”, “Lợi ích hài hòa - rủi ro chia sẻ”, “An toàn mới sản xuất, sản xuất thì phải an toàn”; chú trọng hiệu quả, không phô trương hình thức, nói đi đôi với làm; lấy người dân, doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh làm trung tâm phục vụ, đồng thời là chủ thể tham gia phòng, chống dịch.

3. Tiếp tục đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trên nguyên tắc khó khăn, vướng mắc ở cấp nào, địa phương nào thì cấp đó, địa phương đó phải chủ động, kịp thời, tháo gỡ, giải quyết; đề cao trách nhiệm cá nhân, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, gây khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, gây ùn tắc trong lưu thông hàng hóa; trường hợp vượt thẩm quyền, phải chủ động báo cáo cấp trên trực tiếp xem xét, xử lý; chỉ đạo triển khai các biện pháp tháo gỡ những điểm nghẽn, ách tắc với phương châm “sớm nhất - hiệu quả nhất” nhằm giảm thiểu thiệt hại, tác động tiêu cực đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh và người dân.

4. Phát huy tính chủ động, sáng tạo trong việc áp dụng các mô hình sản xuất, kinh doanh hiệu quả và an toàn phòng, chống dịch. Tăng cường phối hợp giữa các sở, ban, ngành, địa phương, bảo đảm hiệu quả, thực chất trong xử lý các khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh. Kịp thời kiến nghị lên Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành trung ương tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong đầu tư, kinh doanh.

5. Mở rộng và bảo vệ chặt chẽ vùng an toàn dịch bệnh nhằm thúc đẩy sản xuất, kinh doanh; kiểm soát dịch bệnh và sớm ổn định sản xuất, kinh doanh tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, các khu vực, địa bàn sản xuất, kinh doanh, chế biến các sản phẩm nông nghiệp kiên quyết không để đứt gãy chuỗi cung ứng sản xuất, cung ứng lao động.

II. MỤC TIÊU

1. Tập trung khôi phục, phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh gắn với bảo đảm an toàn phòng, chống dịch COVID-19.

2. Hỗ trợ, tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn cản trở hoạt động sản xuất, kinh doanh, giảm thiểu tối đa số doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh tạm ngừng hoạt động, giải thể, phá sản do tác động bởi dịch COVID-19.

3. Đến hết năm 2021 phấn đấu đạt một số mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể sau:

- Các khách hàng là doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh được hưởng chính sách tín dụng hỗ trợ ứng phó dịch bệnh.

- Đại đa số các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh tạm ngừng kinh doanh quay trở lại hoạt động.

- Thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách gia hạn nộp thuế; miễn, giảm thuế, phí, tiền thuê đất; hỗ trợ giảm tiền điện, tiền nước, cước viễn thông, các chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động, đào tạo lao động,... cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 theo hướng dẫn của các bộ, ngành trung ương.

III. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP

Căn cứ quan điểm, mục tiêu và tình hình thực tiễn nêu trên, UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai các nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu sau đây:

1. Thực hiện quyết liệt, hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh phục hồi, duy trì và phát triển sản xuất, kinh doanh gắn với bảo đảm an toàn phòng, chống dịch

a) Sở Y tế chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị:

- Căn cứ hướng dẫn chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế về việc đăng ký, phê duyệt và quản lý đối tượng tiêm phòng đảm bảo công khai, minh bạch và tạo điều kiện thuận lợi cho các cá nhân, tổ chức, đơn vị, địa phương trong quá trình triển khai chiến dịch tiêm phòng vắc xin Covid-19. Hướng dẫn các doanh nghiệp, hợp tác xã, hội kinh doanh lập danh sách các đối tượng tiêm theo thứ tự ưu tiên tiêm và theo sự phân bổ vắc xin của Bộ Y tế.

- Tiếp tục phân bổ hợp lý, hiệu quả nguồn vắc xin phòng COVID-19 theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Y tế và của tỉnh: xem xét để bổ sung các đối tượng ưu tiên tiêm, bao gồm người lao động của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh tại khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu vực, địa bàn sản xuất, kinh doanh, chế biến các sản phẩm nông nghiệp; các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh hoạt động trong lĩnh vực lưu thông hàng hóa; người làm việc tại các công trình quan trọng của tỉnh; người lao động trong các lĩnh vực có nguy cơ cao. Tiếp tục bổ sung các đối tượng ưu tiên tiêm vắc xin phù hợp, đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất, kinh doanh trong những ngành, lĩnh vực cần thiết khác. Căn cứ hướng dẫn của Bộ Y tế, hướng dẫn việc xét nghiệm và các điều kiện cần thiết đối với người lao động làm việc tại các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh để các hoạt động sản xuất kinh doanh đảm bảo an toàn phòng, chống dịch COVID-19.

- Triển khai có hiệu quả Kế hoạch số 129/KH-UBND ngày 13/8/2021 của UBND tỉnh về chiến dịch tiêm vắc xin phòng Covid-19 diện rộng năm 2021-2022 trên địa bàn tỉnh Hưng Yên.

b) Sở Thông tin và Truyền thông

- Căn cứ chỉ đạo và hướng dẫn của Bộ Thông tin và Truyền thông, chủ trì, phối hợp với Sở Y tế, Công an tỉnh, các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố và các cơ quan, đơn vị liên quan khẩn trương phổ biến, tập huấn và đẩy mạnh triển khai kết nối nền tảng hỗ trợ tư vấn khám chữa bệnh từ xa tới 100% cấp huyện, cấp xã; triển khai thực hiện sổ tay điện tử hướng dẫn ứng phó với COVID-19; hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh kịp thời cập nhật các văn bản chỉ đạo, điều hành chống dịch để triển khai hiệu quả công tác phòng, chống dịch.

- Hướng dẫn triển khai, sử dụng đồng bộ và thống nhất nền tảng công nghệ số do Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì xây dựng phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19, trong đó có việc tiêm chủng, xét nghiệm, khai báo y tế, cấp luồng xanh, chứng chỉ xanh,… nhằm đảm bảo thông tin tập trung, chính thống, nhanh chóng, thuận lợi, an toàn cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh và người dân.

- Phối hợp với Sở Y tế hướng dẫn các cơ quan báo chí, Đài Phát thanh và Truyền hình Hưng Yên, hệ thống truyền thanh cơ sở tuyên truyền kịp thời về tình hình dịch bệnh, chủ trương, chính sách, quy định của Đảng, Nhà nước, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và hướng dẫn của các cơ quan về phòng, chống dịch bệnh; củng cố niềm tin cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh ổn định sản xuất kinh doanh; nhân rộng những mô hình sản xuất kinh doanh hiệu quả, kinh nghiệm hay gắn với đảm bảo an toàn dịch bệnh.

[...]