Kế hoạch 3854/KH-UBND năm 2021 thực hiện Nghị quyết 105/NQ-CP về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch COVID-19 do tỉnh Bình Thuận ban hành

Số hiệu 3854/KH-UBND
Ngày ban hành 13/10/2021
Ngày có hiệu lực 13/10/2021
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Bình Thuận
Người ký Lê Tuấn Phong
Lĩnh vực Doanh nghiệp,Thể thao - Y tế

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH THUẬN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3854/KH-UBND

Bình Thuận, ngày 13 tháng 10 năm 2021

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 105/NQ-CP NGÀY 09/9/2021 CỦA CHÍNH PHỦ VỀ HỖ TRỢ DOANH NGHIỆP, HỢP TÁC XÃ, HỘ KINH DOANH TRONG BỐI CẢNH DỊCH COVID-19

Triển khai thực hiện Nghị quyết số 105/NQ-CP ngày 09/9/2021 của Chính phủ về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch COVID-19, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các Sở, ban, ngành và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp, cụ thể như sau:

I. MỤC TIÊU

1. Cụ thể hóa từng nội dung để tổ chức thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 105/NQ-CP ngày 09/9/2021 của Chính phủ về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch COVID-19.

2. Tập trung khôi phục, phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh gắn với bảo đảm an toàn phòng, chống dịch COVID-19.

3. Tiếp tục hỗ trợ, tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn cản trở hoạt động sản xuất, kinh doanh, giảm thiểu tối đa số doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh tạm ngừng hoạt động, giải thể, phá sản do tác động của dịch COVID-19.

4. Phấn đấu đến hết năm 2021 đạt một số mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể như sau:

- Lũy kế ít nhất khoảng 15.000 lượt khách hàng là doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh được hưởng chính sách tín dụng hỗ trợ ứng phó dịch bệnh.

- Đại đa số các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh tạm ngừng kinh doanh quay trở lại hoạt động.

- Thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách gia hạn nộp thuế; miễn, giảm thuế, phí, tiền thuê đất; hỗ trợ giảm tiền điện, tiền nước, cước viễn thông, các chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động, đào tạo lao động,...cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19.

II. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP CỤ THỂ

1. Thủ trưởng các sở, ban, ngành và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố

- Tổ chức nghiên cứu, quán triệt và thực hiện nghiêm túc các nhiệm vụ, giải pháp theo các mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể đã đề ra tại Kế hoạch này nhằm tập trung phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh gắn với bảo đảm an toàn phòng chống dịch COVID-19; đồng thời hỗ trợ, tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất kinh doanh của các đơn vị do tác động bởi dịch COVID-19; đề cao trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương; kịp thời động viên, khen thưởng những cá nhân dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, chủ động, đổi mới, sáng tạo, linh hoạt trong thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, kết hợp tháo gỡ các điểm nghẽn cản trở hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh; tuyên truyền, hướng dẫn, vận động người dân, doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh thực hiện các quy định, xử lý nghiêm các trường hợp không tuân thủ, bảo đảm phòng ngừa, ngăn chặn, nghiêm cấm tình trạng tham nhũng, tiêu cực.

- Các sở, ban, ngành và địa phương tham mưu việc tạm dừng, giãn, hoãn các cuộc kiểm tra, thanh tra doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh chưa cần thiết đã có trong kế hoạch năm 2021 và tổ chức thực hiện vào thời gian phù hợp sau khi dịch COVID-19 được kiểm soát.

- Chịu trách nhiệm thực hiện kịp thời, hiệu quả các nhiệm vụ được giao đúng tiến độ và thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, giám sát tổ chức thực hiện theo chỉ đạo của Chính phủ, hướng dẫn của các Bộ, ngành Trương ương và chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh.

- Bố trí đầu mối chuyên trách, chuyên nghiệp để kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc, kiến nghị của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong phạm vi ngành, lĩnh vực, địa bàn được giao quản lý hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền giải quyết; xử lý theo quy định các trường hợp cán bộ, công chức gây khó khăn, nhũng nhiễu doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh.

2. Sở Kế hoạch và Đầu tư

- Phối hợp với các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố, Ban Quản lý các Khu công nghiệp, Liên minh Hợp tác xã, các Hội, Hiệp hội ngành nghề trên địa bàn tỉnh nắm bắt, tổng hợp các khó khăn, vướng mắc, kiến nghị của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo các cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết nhằm tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn cản trở hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp để giảm thiểu tối đa số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động, giải thể, phá sản do tác động của dịch COVID-19.

- Phối hợp với các Hội, Hiệp hội ngành nghề trên địa bàn tỉnh đào tạo phát triển nguồn nhân lực, tư vấn, hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh vượt qua khó khăn, phát triển sản xuất kinh doanh.

3. Sở Y tế

- Chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh và Trung tâm Y tế các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục phân bổ hợp lý, hiệu quả nguồn vắc xin phòng COVID-19 theo thẩm quyền; bổ sung các đối tượng ưu tiên tiêm, bao gồm người lao động của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh tại khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu vực, địa bàn sản xuất kinh doanh, chế biến các sản phẩm nông nghiệp, thủy hải sản, các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh hoạt động trong lĩnh vực lưu thông hàng hóa, người lao động trong các lĩnh vực có nguy cơ cao,...

- Tổ chức hướng dẫn người lao động tại các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh mua sinh phẩm, thiết bị xét nghiệm, thực hiện việc tự xét nghiệm và việc công nhận kết quả xét nghiệm.

- Căn cứ vào tình hình kiểm soát dịch và mức độ bao phủ vắc xin trên địa bàn, tham mưu đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh kế hoạch cụ thể để các doanh nghiệp, hợp tác xã có thể hoạt động trở lại.

- Hướng dẫn cụ thể việc xét nghiệm và các điều kiện cần thiết đối với người lao động làm việc tại các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh để sớm được tham gia lưu thông và các hoạt động sản xuất kinh doanh.

- Hướng dẫn quy trình cách ly y tế an toàn để Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố thực hiện thống nhất, tạo thuận lợi cho việc tiếp nhận lao động đến và trở về từ các địa phương khác sau khi có hướng dẫn của Bộ Y tế.

4. Sở Thông tin và Truyền thông

- Phối hợp với Sở Y tế và các cơ quan liên quan phổ biến, tập huấn và đẩy mạnh triển khai kết nối nền tảng hỗ trợ tư vấn khám chữa bệnh từ xa tới 100% cấp huyện, cấp xã; công khai cổng thông tin về các văn bản chỉ đạo, điều hành chống dịch, góp phần tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong công tác phòng, chống dịch.

[...]