Kế hoạch 320/KH-UBND năm 2017 về triển khai nhiệm vụ được giao tại Quyết định 2053/QĐ-TTg về Kế hoạch thực hiện Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh

Số hiệu 320/KH-UBND
Ngày ban hành 11/10/2017
Ngày có hiệu lực 11/10/2017
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Bắc Ninh
Người ký Nguyễn Tiến Nhường
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẮC NINH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 320/KH-UBND

Bắc Ninh, ngày 11 tháng 10 năm 2017

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI CÁC NHIỆM VỤ ĐƯỢC GIAO TẠI QUYẾT ĐỊNH SỐ 2053/QĐ-TTG NGÀY 28/10/2016 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ VỀ VIỆC BAN HÀNH KẾ HOẠCH THỰC HIỆN THỎA THUẬN PARIS VỀ BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẮC NINH

Thực hiện Quyết định số 2053/QĐ-TTg ngày 28/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Kế hoạch thực hiện Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu (BĐKH) và Văn bản số 4126/BTNMT-BĐKH ngày 11/8/2017 của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Ninh ban hành kế hoạch triển khai thực hiện, cụ thể như sau:

I. MỤC TIÊU

1. Xác định và triển khai các hoạt động, giải pháp phù hợp đến năm 2020 và 2030 để hoàn thành các nhiệm vụ được giao trong Quyết định số 2053/QĐ-TTg ngày 28/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ.

2. Thực hiện các hành động nhằm giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và thích ứng với BĐKH. Quy hoạch, quản lý và khai thác, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả và bền vững các nguồn tài nguyên, nhất là tài nguyên nước; giữ và sử dụng có hiệu quả diện tích đất chuyên trồng lúa. Khai thác hiệu quả và bền vững sinh thái, cảnh quan, tài nguyên sinh vật. Khuyến khích sử dụng năng lượng theo hướng tăng tỉ lệ năng lượng tái tạo, năng lượng mới. Phấn đấu đến năm 2020 đạt và duy trì được các chỉ tiêu: Trên 98% dân cư được sử dụng nước hợp vệ sinh; Trên 90% chất thải rắn thông thường được xử lý đạt tiêu chuẩn; 100% chất thải nguy hại được xử lý đạt tiêu chuẩn; 100% chất thải y tế được xử lý đạt tiêu chuẩn; 100% các khu, cụm công nghiệp đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường; Giữ diện tích rừng hiện có, phát triển rừng trên đất trống, đồi núi trọc, nâng cao chất lượng rừng trồng; Nâng cao tỷ lệ tái sử dụng hoặc tái chế rác thải sinh hoạt; Cải thiện môi trường làng nghề và khu vực nông thôn.

II. NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM

1. Tăng cường các hoạt động bảo vệ môi trường nhằm giảm nhẹ phát thải khí nhà kính

- Nâng cao hiệu lực, hiệu quả đánh giá môi trường chiến lược và đánh giá tác động môi trường, bảo đảm dự án phát triển đáp ứng các yêu cầu về bảo vệ môi trường từ khâu lập, phê duyệt, triển khai thực hiện. Cấm nhập khẩu công nghệ, triển khai các dự án đầu tư mới sử dụng công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, tiêu tốn nguyên liệu, tài nguyên, hiệu quả thấp.

- Tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường, đặc biệt là ô nhiễm môi trường tại các khu, cụm công nghiệp, các làng nghề, lưu vực sông, các đô thị lớn và khu vực nông thôn. Tập trung thanh tra, kiểm tra các cơ sở gây ô nhiễm môi trường trong các cụm công nghiệp, các cơ sở có nguồn thải lớn; tăng cường kiểm tra việc thực hiện các kết luận sau thanh tra, kiểm tra; phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi xả chất thải vượt quy chuẩn môi trường. Giải quyết 100% đơn thư, khiếu nại tố cáo thuộc thẩm quyền. Tiếp tục phối hợp với các cơ quan liên quan thanh tra, kiểm tra giải quyết các vấn đề về môi trường liên vùng, liên tỉnh.Tập trung xử lý triệt để, dứt điểm các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; áp dụng chế tài mạnh, xử lý nghiêm khắc, buộc các cơ sở gây ô nhiễm môi trường thực hiện các yêu cầu về bảo vệ môi trường, giảm thiểu ô nhiễm, xử lý chất thải theo quy định của pháp luật.

- Đẩy mạnh thực hiện các chương trình, dự án đầu tư xử lý nước thải, xử lý chất thải rắn, quản lý chất thải nguy hại. Thúc đẩy tái sử dụng, tái chế và sản xuất, thu hồi năng lượng từ chất thải.

- Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường. Đẩy mạnh xã hội hoá hoạt động bảo vệ môi trường, thúc đẩy phát triển, sử dụng năng lượng mới, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, sản xuất và tiêu dùng bền vững.

- Tập trung nguồn lực thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường lưu vực sông Cầu.

- Triển khai thực hiện một số dự án xử lý môi trường trọng điểm, bao gồm:

+ Vận hành có hiệu quả hệ thống xử lý nước thải tập trung làng nghề giấy Phong Khê - thành phố Bắc Ninh.

+ Hoàn thành Dự án Đầu tư công trình xử lý, cải tạo bãi rác Đồng Ngo trong năm 2018.

+ Tập trung đầu tư, vận hành có hiệu quả các nhà máy xử lý nước thải đô thị của thành phố Bắc Ninh với công suất xử lý 28.000 m3/ngày đêm (đã hoạt động từ tháng 7/2013 với công suất hiện tại là 14.000 m3/ngày đêm) và thị xã Từ Sơn với công suất 33.000 m3/ngày đêm.

+ Đôn đốc Công ty Cổ phần Môi trường xanh Kinh Bắc triển khai dự án đầu tư xây dựng Nhà máy xử lý nước thải và rác thải tại cụm công nghiệp Phú Lâm, huyện Tiên Du.

+ Đôn đốc các ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai dự án đầu tư xây dựng khu xử lý chất thải rắn tập trung cấp huyện; các chương trình, đề án về Tăng cường các giải pháp bảo vệ môi trường làng nghề tỉnh Bắc Ninh đến năm 2020 và Đề án nâng cao chất lượng môi trường nông thôn tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2016-2020 theo quan điểm và nguyên tắc đầu tư xử lý ô nhiễm môi trường nông thôn và ô nhiễm môi trường làng nghề trên địa bàn tỉnh.

2. Triển khai các hành động thích ứng BĐKH

- Thực hiện các chương trình mục tiêu trong ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn nhằm phát triển kinh tế thủy sản bền vững, phát triển lâm nghiệp bền vững; tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp và phòng, chống, giảm nhẹ thiên tai, ổn định đời sống dân cư.

- Thực hiện các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng về công nghệ giống cây trồng, vật nuôi mới, các biện pháp kỹ thuật sản xuất mới góp phần nâng cao sức chống chịu sâu, bệnh hại, tăng sức đề kháng của cây trồng, vật nuôi để giảm thiểu hóa chất sử dụng trong sản xuất nông nghiệp, từ đó góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất và bảo vệ môi trường sinh thái.

- Xây dựng quy chuẩn kỹ thuật môi trường địa phương; hoàn thiện các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật về cơ sở hạ tầng, các công trình công cộng và dân sinh phù hợp với bối cảnh BĐKH.

- Quản lý tổng hợp nguồn tài nguyên nước lưu vực sông; đảm bảo an ninh nguồn nước. Tiếp tục thực hiện Dự án “Tăng cường năng lực quản lý môi trường nước lưu vực sông tại Việt Nam” do Tổng cục Môi trường và tổ chức JICA (Nhật Bản) triển khai. Đề xuất Dự án Điều tra, đánh giá ngưỡng chịu tải và đề xuất các giải pháp bảo vệ môi trường các lưu vực sông trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh.

- Đảm bảo an ninh lương thực thông qua bảo vệ, duy trì hợp lý và quản lý bền vững quỹ đất cho nông nghiệp; chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; tạo giống mới thích ứng với BĐKH; hoàn thiện hệ thống kiểm soát, phòng chống dịch bệnh. Quản lý chặt chẽ đất lúa theo quy hoạch sử dụng đất được duyệt và việc chuyển đất lúa sang sử dụng vào mục đích phi nông nghiệp theo quy định

- Củng cố, nâng cấp và hoàn thiện các tuyến đê sông xung yếu; kiểm soát các vùng bị ảnh hưởng nặng nề nhất.

- Thực hiện lồng ghép thích ứng với BĐKH dựa vào hệ sinh thái và cộng đồng, thông qua phát triển dịch vụ hệ sinh thái, bảo tồn đa dạng sinh học, sử dụng kiến thức bản địa, ưu tiên cộng đồng dễ bị tổn thương nhất.

- Thúc đẩy phát triển, sử dụng năng lượng mới, năng lượng tái tạo, các nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu mới thay thế các nguồn tài nguyên truyền thống.

[...]