Kế hoạch 2810/KH-UBND năm 2022 thực hiện Quyết định 896/QĐ-TTg về Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh Gia Lai giai đoạn đến năm 2050

Số hiệu 2810/KH-UBND
Ngày ban hành 01/12/2022
Ngày có hiệu lực 01/12/2022
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Gia Lai
Người ký Đỗ Tiến Đông
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH GIA LAI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2810/KH-UBND

Gia Lai, ngày 01 tháng 12 năm 2022

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN QUYẾT ĐỊNH SỐ 896/QĐ-TTg NGÀY 26 THÁNG 7 NĂM 2022 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ VỀ CHIẾN LƯỢC QUỐC GIA VỀ BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH GIA LAI GIAI ĐOẠN ĐẾN NĂM 2050

Thực hiện Quyết định số 896/QĐ-TTg ngày 26 tháng 7 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050, Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh Gia Lai giai đoạn đến năm 2050 gồm các nội dung cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050 ban hành kèm theo Quyết định số 896/QĐ-TTg ngày 26 tháng 7 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ (Sau đây gọi là Quyết định số 896/QĐ-TTg).

- Tập trung nguồn lực cho ứng phó với biến đổi khí hậu, chủ động thích ứng nhằm hạn chế các tác động tiêu cực, giảm mức độ dễ bị tổn thương, tổn thất và thiệt hại thiên tai do biến đổi khí hậu gây ra, nâng cao nhận thức góp phần thực hiện thành công mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.

2. Yêu cầu

- Các cấp, các ngành và Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh tổ chức rà soát, tích hợp, lồng ghép mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp của Chiến lược vào nội dung quy hoạch tỉnh và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, phù hợp với tình hình thực tiễn từng cấp, từng ngành, từng địa phương.

- Triển khai đồng bộ, kết hợp hài hòa giữa giải quyết các vấn đề quan trọng, cấp bách với các vấn đề cơ bản, dài hạn gắn với phát triển kinh tế - xã hội nhằm đảm bảo an sinh xã hội và bảo vệ môi trường hướng đến phát triển nền kinh tế bền vững.

II. QUAN ĐIỂM, MỤC TIÊU

1. Quan điểm

- Thích ứng với biến đổi khí hậu và thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 là cơ hội để phát triển bền vững, ưu tiên cao nhất trong các quyết sách phát triển, tiêu chuẩn đạo đức cao nhất của các cấp, các ngành, doanh nghiệp và người dân.

- Ứng phó với biến đổi khí hậu là trách nhiệm của toàn hệ thống chính trị, của mỗi người dân và toàn xã hội. Nhà nước đóng vai trò kiến tạo, dẫn dắt; người dân và doanh nghiệp đóng vai trò trung tâm và là chủ thể thực hiện cùng với sự tham gia hiệu quả của các tổ chức chính trị - xã hội.

- Tập trung nguồn lực cho ứng phó với biến đổi khí hậu, phát triển các cơ chế tài chính, thị trường các-bon, thúc đẩy chuyển dịch đầu tư cho phát triển kinh tế ít phát thải; phát huy nguồn lực của Nhà nước thúc đẩy thu hút các nguồn lực của tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân, nguồn lực quốc tế, đẩy mạnh hợp tác công tư trên cơ sở bình đẳng, hợp tác, cùng có lợi.

2. Mục tiêu

a) Mục tiêu tổng quát:

Chủ động thích ứng hiệu quả, giảm mức độ dễ bị tổn thương, tổn thất và thiệt hại do biến đổi khí hậu; giảm phát thải khí nhà kính theo mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050, đóng góp tích cực và trách nhiệm với cộng đồng quốc tế trong bảo vệ hệ thống khí hậu trái đất; tận dụng cơ hội từ ứng phó biến đổi khí hậu để chuyển dịch mô hình tăng trưởng, nâng cao sức chống chịu và cạnh tranh của nền kinh tế.

b) Mục tiêu cụ thể

Thích ứng với biến đổi khí hậu

- Đến năm 2030

+ Nâng tỷ lệ che phủ rừng trên 49,2%1; quản lý, bảo vệ nâng cao chất lượng rừng và phát triển rừng bền vững, bảo vệ môi trường sinh thái, bảo tồn đa dạng sinh học, cung cấp các dịch vụ môi trường rừng2.

+ Tỷ lệ số hộ dân được sử dụng nước sạch hợp vệ sinh đạt 98%; 65% dân số ở nông thôn được sử dụng nước sạch đạt chất lượng theo Quy chuẩn quốc gia với số lượng tối thiểu 60 lít/ngày/người3; đảm bảo 100% dân cư đô thị sử dụng nước sạch từ hệ thống cấp nước tập trung4; đáp ứng nhu cầu về phòng chống dịch, bệnh và các bệnh mới phát sinh do biến đổi khí hậu.

+ Kiểm soát tình trạng suy thoái tài nguyên đất, tài nguyên nước đảm bảo cân đối đủ nguồn nước phục vụ cho sinh hoạt, công nghiệp, dịch vụ và các ngành kinh tế quan trọng.

+ Cơ cấu cây trồng, vật nuôi được chuyển đổi theo hướng thông minh với biến đổi khí hậu; phát triển chuỗi giá trị nông, lâm, thủy sản nhằm đảm bảo an ninh lương thực; hình thành các chuỗi liên kết do doanh nghiệp làm đầu mối, chuỗi liên kết với hợp tác xã, tổ hợp tác, triển khai việc truy xuất nguồn gốc, xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm nông, lâm nghiệp5.

+ Công tác dự báo khí tượng thủy văn: Các trạm khí tượng thủy văn do Đài Khí tượng thủy văn khu vực Tây Nguyên quản lý được đầu tư, nâng cấp các thiết bị đo đạc, tự động hóa đạt 95% đối với các trạm khí tượng, trạm đo mực nước, đo mưa, đo gió trên cao, tối thiểu 40% đối với các trạm đo lưu lượng; 100% công trình phải quan trắc khí tượng thủy văn được thực hiện quan trắc và cung cấp thông tin, dữ liệu khí tượng thủy văn theo quy định của pháp luật6.

+ Bảo tồn hiệu quả các loài hoang dã, đặc biệt là các loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ; không có thêm loài hoang dã bị tuyệt chủng; các nguồn gen hoang dã và giống cây trồng, vật nuôi được lưu giữ và bảo tồn và phát triển7.

+ Quản lý chặt chẽ việc xây dựng công trình, nhà cửa ven sông, suối. Chủ động sắp xếp lại dân cư, di dời dân cư ra khỏi khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở bờ sông, suối; phấn đấu đến năm 2030 hoàn thành 90% việc di rời các hộ dân ra khỏi khu vực có nguy cơ cao xảy ra sạt lở8; đối với khu vực chưa thể di dời được lắp đặt hệ thống theo dõi, giám sát, cảnh báo để kịp thời sơ tán, giảm thiểu rủi ro khi xảy ra thiên tai.

[...]