Chủ nhật, Ngày 27/10/2024

Chương trình 1013/CTr-UBND năm 2022 triển khai thực hiện Quyết định 497/QĐ-TTg và Kế hoạch 57-KH/TU thực hiện Chỉ thị 10-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khí tượng thủy văn đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trên địa bàn tỉnh Gia Lai

Số hiệu 1013/CTr-UBND
Ngày ban hành 20/05/2022
Ngày có hiệu lực 20/05/2022
Loại văn bản Văn bản khác
Cơ quan ban hành Tỉnh Gia Lai
Người ký Kpă Thuyên
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH GIA LAI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1013/CTr-UBND

Gia Lai, ngày 20 tháng 05 năm 2022

 

CHƯƠNG TRÌNH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN QUYẾT ĐỊNH SỐ 497/QĐ-TTG NGÀY 21/4/2022 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ VÀ KẾ HOẠCH SỐ 57-KH/TU NGÀY 07/12/2021 CỦA BAN THƯỜNG VỤ TỈNH ỦY THỰC HIỆN CHỈ THỊ SỐ 10-CT/TW CỦA BAN BÍ THƯ VỀ TĂNG CƯỜNG SỰ LÃNH ĐẠO CỦA ĐẢNG ĐỐI VỚI CÔNG TÁC KHÍ TƯỢNG THỦY VĂN ĐÁP ỨNG YÊU CẦU XÂY DỰNG VÀ BẢO VỆ TỔ QUỐC TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH GIA LAI

Thực hiện Quyết định số 497/QĐ-TTg ngày 21/4/2022 của Thủ tướng Chính phủ và Kế hoạch số 57-KH/TU ngày 0712/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về thực hiện Chỉ thị số 10-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khí tượng thủy văn đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Chương trình thực hiện Quyết định số 497/QĐ-TTg và Kế hoạch số 57-KH/TU trên địa bàn tỉnh Gia Lai với các nội dung sau:

I. Thực trạng công tác khí tượng thủy văn (KTTV) trên địa bàn tỉnh

1. Hệ thống pháp luật và thực hiện pháp luật về KTTV

Trên cơ sở Luật Khí tượng thủy văn năm 2015; Nghị định số 38/2016/NĐ- CP ngày 15/5/2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Khí tượng thủy văn; Nghị định số 48/2020/NĐ-CP ngày 15/4/2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 38/2016/NĐ-CP của Chính phủ và Quyết định số 18/2021/QĐ-TTg ngày 22/4/2021 của Thủ tướng Chính phủ quy định về dự báo, cảnh báo, truyền tin thiên tai và cấp độ rủi ro thiên tai, Sở Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Công văn số 3319/UBND-NL ngày 19/7/2016 về việc triển khai Luật Khí tượng thuỷ văn và Nghị định số 38/2016/NĐ-CP và Quyết định số 408/QĐ-UBND ngày 20/8/2020 về phê duyệt danh mục công trình và chủ công trình phải tổ chức quan trắc khí tượng thuỷ văn trên địa bàn tỉnh Gia Lai; ngoài ra căn cứ vào nhiệm vụ được giao, Ủy ban nhân dân tỉnh đã chủ động ban hành một số văn bản chỉ đạo thực hiện các nội dung có liên quan đến hoạt động KTTV trên địa bàn tỉnh.

2. Về công tác dự báo KTTV

- Trong những năm qua, Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Tây Nguyên được Bộ Tài nguyên và Môi trường và Tổng cục Khí tượng Thủy văn đầu tư về trang thiết bị, nâng cao trình độ đội ngũ dự báo viên KTTV nhằm đáp ứng nhu cầu của xã hội. Cụ thể, về năng lực dự báo của Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Tây Nguyên hiện nay có 12 dự báo viên trong đó gồm 04 thạc sỹ, 08 kỹ sư có kinh nghiệm trong công tác dự báo; công nghệ, trang thiết bị dự báo hằng năm được đầu tư, hiện nay hệ thống dự báo KTTV bao gồm SmartMet, Radar thời tiết, các sản phẩm mô hình số trị có độ phân giải cao. Do vậy, trong những năm qua chất lượng dự báo, cảnh báo KTTV phục vụ trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã từng bước được nâng cao và đem lại hiệu quả nhất định cho công tác phòng, chống thiên tai phục vụ phát triển kinh tế-xã hội.

- Theo Thông tư số 40/2016/TT-BTNMT ngày 19/12/2016 và Thông tư số 41/2016/TT-BTNMT ngày 21/12/2016 của Bộ Tài nguyên và Môi trương về quy định Quy trình kỹ thuật cảnh báo, dự báo hiện tượng KTTV và đặc biệt gần đây nhất là Quyết định số 18/2021/QĐ-TTg ngày 22/4/2021 của Thủ tướng Chính phủ quy định về dự báo, cảnh báo, truyền tin thiên tai và cấp độ rủi ro thiên tai, theo đó quy định mức độ chi tiết dự báo thời tiết chỉ đến cấp vùng khí hậu và cấp huyện. Hiện tại với nguồn kinh phí hàng năm được cấp từ Tổng cục Khí tượng Thủy văn, Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Tây Nguyên đang thực hiện dự báo thời tiết cho 05 vùng khí hậu của tỉnh Gia Lai (Khu vực phía Tây, Trung tâm, phía Bắc, phía Đông và Đông Nam tỉnh Gia Lai).

- Gia Lai có diện tích trên 15.510 km2, địa hình đồi núi chia cắt phức tạp để phục vụ hiệu quả cho công tác phát triển sản xuất - đời sống nhân dân trên địa bàn tỉnh trong công tác phòng chống thiên tai nhu cầu xây dựng các bản tin dự báo thời tiết riêng cho các huyện, thị xã và mức độ chi tiết đến cấp xã để cảnh báo cho Nhân dân có biện pháp phòng, chống ứng phó với thiên tai là hết sức cấp thiết.

3. Về mạng lưới trạm KTTV

Hiện tại trên địa bàn tỉnh Gia Lai mạng lưới trạm KTTV do Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Tây Nguyên quản lý gồm có: 04 Trạm khí tượng (Yaly, Pleiku, An Khê và Ayunpa); 03 trạm thủy văn (An Khê, Pmơrê, Ayunpa); 34 Trạm đo mưa tự động; 01 Trạm Ra Đa thời tiết Pleiku. Các trạm KTTV đã được Tổng cục Khí tượng Thủy văn đầu tư, nâng cấp và đưa các thiết bị đo đạc tự động, do vậy công tác đo đạc và truyền tin đã từng bước hiện đại hóa. Mặc dù vậy, thực tế hiện nay mạng lưới trạm quan trắc KTTV trên địa bàn tỉnh còn thưa; nhiều sông vừa và nhỏ chưa có trạm quan trắc thủy văn, nhất là khu vực phía Tây tỉnh (gồm các huyện Chư Prông, Đức Cơ, Ia Grai,...).

Theo Quyết định số 341/QĐ-BTNMT ngày 23/3/2012 của Bộ Tài nguyên và Môi trường thì trên địa bàn tỉnh Gia Lai có 166 sông nội tỉnh đã xác định được ranh giới lưu vực sông có chiều dài từ 10 km trở lên. Ngoài ra, còn có các suối, khe nhỏ có chiều dài dưới 10km chưa được tổng hợp trong danh mục sông của tỉnh. Trên địa bàn tỉnh Gia Lai có nhiều lưu vực sông lớn như: lưu vực sông Ia Lốp, lưu vực sông Sê San, lưu vực sông Ia Đrăng, lưu vực sông Ayun và lưu vực sông Ba. Các lưu vực trên ảnh hưởng rất lớn đến phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Gia Lai.

Tuy nhiên, hiện tại theo Quyết định số 05/2020/QĐ-TTg ngày 31/01/2020 của Thủ tướng Chính phủ đã quy định mực nước tương ứng với 03 cấp báo động lũ tại Trạm Thủy văn Pmơrê trên sông Ayun (cấp 1: 676,0m; cấp 2: 677,5m; cấp 3: 679,0m); Trạm Thủy văn An Khê trên sông Ba (cấp 1: 404,5m; cấp 2: 405,5m; cấp 3: 406,5m), trạm thủy văn Ayun Pa trên sông Ba (cấp 1: 153,0m; cấp 2: 154,5m; cấp 3: 156,0m), tuy nhiên các vị trí cấp báo động thuộc các trạm thủy văn trên sông chính đều nằm ở vùng phía Đông tỉnh. Như vậy, khu vực phía Tây tỉnh còn thiếu, chưa xây dựng các mốc mực nước ứng với các cấp báo động đây là những khó khăn cho công tác dự báo cảnh báo KTTV, nhất là khi có các loại hình thời tiết nguy hiểm xảy ra.

4. Nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ trong công tác KTTV

Để nâng cao hiệu quả hoạt động trong công tác KTTV, trong những năm vừa qua Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Tây Nguyên đã ứng dụng nhiều công nghệ tiên tiến hiện đại trong công tác dự báo KTTV; điển hình như: ứng dụng hệ thống Field Visits trong thu thập dữ liệu; ứng dụng SmartMet trong dự báo. Đồng thời, đơn vị từng bước đổi mới nội dung bản tin theo hướng định lượng, dễ hiểu, dễ sử dụng, đáp ứng được yêu cầu của công tác phòng, chống thiên tai và phát triển kinh tế-xã hội của từng địa phương. Nhờ đó, chất lượng các bản tin dự báo trong những năm gần đây cũng được cải thiện đáng kể, góp phần giúp giảm thiểu tối đa mức độ thiệt hại do thiên tai gây ra. Công tác dự báo số trị luôn được phát triển và hiện nay là những mô hình dự báo được chạy trên nền tảng hệ thống siêu máy tính hiệu năng cao với tổng năng lực tính toán khoảng 16 Tflops. Đặc biệt, với công nghệ dự báo tổng hợp, các bản tin dự báo xác suất được đưa vào phục vụ cộng đồng, các bản tin dự báo thời tiết cực ngắn, dự báo mưa lớn trong những tình huống thời tiết nguy hiểm đã được Đài Khí tượng Thủy văn khí tượng khu vực Tây Nguyên triển khai thực hiện.

Giai đoạn 2015 - 2020, Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Tây Nguyên ngoài việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn được giao, đã chủ trì, phối hợp triển khai thực hiện các đề tài, chương trình nghiên cứu khoa học và công nghệ thuộc lĩnh vực KTTV trên địa bàn tỉnh như: Đề tài Cảnh báo sớm hạn hán trên khu vực tỉnh Gia Lai; Đề tài phân vùng ngập lụt vùng hạ lưu sông Ba; tham gia các Đề tài, đề án cấp nhà nước như phân vùng cấp độ rủi ro thiên tai. Qua đó, đã góp phần nâng cao chất lượng dự báo, cảnh báo, giảm thiểu rủi ro do thiên tai trên địa bàn tỉnh.

5. Hợp tác trong lĩnh vực KTTV ở Trung ương và địa phương

Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, địa phương chủ động, phối hợp chặt chẽ với Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Tây Nguyên trực thuộc của Tổng cục Khí tượng Thủy văn - Bộ Tài nguyên và Môi trường trong việc thực hiện các công tác chuyên môn và trong công tác dự báo, cảnh báo, cung cấp thông tin, dữ liệu, số liệu về hoạt động KTTV để phục vụ công tác phòng, chống thiên tai trên địa bàn tỉnh.

II. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Nghiên cứu, tổ chức quán triệt và thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Quyết định số 497/QĐ-TTg và Kế hoạch số 57-KH/TU tạo chuyển biến về nhận thức và hành động, nhất là trách nhiệm người đứng đầu các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố và tầng lớp Nhân dân đối với công tác KTTV trong chủ động phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai; ứng phó với biến đổi khí hậu góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

- Xác định toàn diện các nhiệm vụ chủ yếu, cụ thể, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước của các cơ quan, tổ chức đối với công tác KTTV.

- Tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của công tác KTTV trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và phục vụ thiết thực đời sống dân sinh.

2. Yêu cầu

- Việc triển khai thực hiện Quyết định 497/QĐ-TTg và Kế hoạch số 57- KH/TU được tiến hành đồng bộ, thống nhất và lồng ghép với việc tổ chức thực hiện các nghị quyết, chương trình, quy hoạch, kế hoạch, dự án, đề án về phát triển kinh tế - xã hội hằng năm và từng giai đoạn của các sở, ban, ngành và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố.

- Huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội; tăng cường sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, trách nhiệm giữa các cấp, các ngành, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong quá trình thực hiện Chương trình này.

- Thường xuyên tuyên truyền, nâng cao nhận thức về hoạt động KTTV phục vụ công tác phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu; nhằm chủ động, phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai.

[...]