Kế hoạch 96/KH-UBND năm 2023 thực hiện Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu theo định kỳ 10 năm (đến năm 2030) trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu

Số hiệu 96/KH-UBND
Ngày ban hành 16/05/2023
Ngày có hiệu lực 16/05/2023
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Bạc Liêu
Người ký Lê Tấn Cận
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẠC LIÊU
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 96/KH-UBND

Bạc Liêu, ngày 16 tháng 5 năm 2023

 

KẾ HOẠCH HÀNH ĐỘNG

THỰC HIỆN CHIẾN LƯỢC QUỐC GIA VỀ BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU THEO ĐỊNH KỲ 10 NĂM (ĐẾN NĂM 2030) TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẠC LIÊU

Thực hiện Quyết định số 896/QĐ-TTg ngày 26/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch hành động thực hiện với các nội dung như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích:

- Tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện có hiệu quả các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra trong Quyết định số 896/QĐ-TTg ngày 26/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ, nhằm nâng cao năng lực quản lý, giám sát biến đổi khí hậu và tăng cường khả năng tiếp cận chủ động, linh hoạt thích ứng với tác động của biến đổi khí hậu và các điều kiện tự nhiên khác, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân, duy trì cân bằng sinh thái, hướng tới phát triển kinh tế thân thiện với môi trường, đảm bảo sự phát triển bền vững của tỉnh, góp phần thực hiện Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu, tạo đà tiếp tục thu hút hỗ trợ vốn đầu tư từ cộng đồng quốc tế.

- Góp phần thực hiện có hiệu quả các thỏa thuận quốc tế mà Việt Nam tham gia như: Đóng góp do quốc gia tự quyết (NDC), thực hiện Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu kể từ năm 2021 trở đi nhằm giữ cho mức tăng nhiệt độ toàn cầu ngưỡng 1,5°C vào cuối thế kỷ này; giảm mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 theo Công ước khung của Liên hiệp quốc về biến đổi khí hậu (Hội nghị COP26).

2. Yêu cầu:

- Việc tổ chức thực hiện phải quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các giải pháp cấp bách giảm mức độ dễ bị tổn thương, tăng cường sức chống chịu trước tác động của biến đổi khí hậu; ưu tiên cao nhất bảo đảm an toàn, sinh kế cho người dân ở những vùng có nguy cơ bị ảnh hưởng nặng trước tác động của biến đổi khí hậu; tập trung phát triển hạ tầng ứng phó với biến đổi khí hậu, chuyển dịch năng lượng dựa trên tiềm năng của tỉnh để tổ chức thực hiện đạt kết quả cao nhất.

- Triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí kính; tăng cường kiểm tra, giám sát các hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính của các cơ sở phát thải khí nhà kính đóng trên địa bàn tỉnh; đẩy mạnh các hoạt động truyền thông, nâng cao nhận thức về ứng phó với biến đổi khí hậu cho cơ quan quản lý các cấp và cộng đồng dân cư trên địa bàn tỉnh.

- Các Sở, Ban, Ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố và các cơ quan, đơn vị có liên quan căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao theo Kế hoạch hành động này xác định các nội dung, nhiệm vụ có trọng tâm, trọng điểm để tập trung chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện thống nhất, đồng bộ; đảm bảo bố trí nguồn kinh phí để triển khai thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ đã nêu tại Kế hoạch hành động này theo quy định của pháp luật.

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu tổng quát:

Chủ động thích ứng hiệu quả, giảm mức độ dễ bị tổn thương, tổn thất và thiệt hại do biến đổi khí hậu gây ra; huy động mọi nguồn lực đầu tư cho các hoạt động thích ứng với biến đổi khí hậu; giảm phát thải khí nhà kính bằng “0” vào năm 2050; tận dụng những cơ hội do biến đổi khí hậu mang lại để phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh một cách bền vững.

2. Mục tiêu cụ thể đến năm 2030:

a) Thích ứng với biến đổi khí hậu:

- Giảm mức độ dễ bị tổn thương và rủi ro trước tác động của biến đổi khí hậu thông qua nâng cao khả năng chống chịu và năng lực thích ứng của hệ thống tự nhiên, kinh tế - xã hội, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai và khí hậu cực đoan gia tăng do biến đổi khí hậu gây ra.

- Kiểm soát được tình trạng suy thoái tài nguyên nước, tài nguyên đất, đảm bảo đủ nguồn nước phục vụ cho sinh hoạt, công nghiệp, dịch vụ và các ngành kinh tế quan trọng khác trên địa bàn tỉnh.

- Cơ cấu cây trồng, vật nuôi được chuyển đổi theo hướng thích ứng thông minh với biến đổi khí hậu; phát triển chuỗi giá trị nông, lâm, thủy sản bền vững trên địa bàn tỉnh.

- Tỷ lệ độ che phủ rừng, cây phân tán và cây lâu năm đảm bảo độ che phủ đạt[1] 14,75%.

- Các công trình hạ tầng trọng yếu thích ứng với biến đổi khí hậu được hoàn thành với các tiêu chuẩn an toàn trước thiên tai, đặc biệt là các công trình phòng, chống thiên tai, ngăn triều cường, xâm nhập mặn, công trình trữ nước ngọt phục vụ sinh hoạt và sản xuất, chống ngập úng ở các đô thị.

- Bảo đảm 75% dân cư nông thôn được cung cấp nước sạch đáp ứng nhu cầu về phòng chống dịch, bệnh và các bệnh mới phát sinh do biến đổi khí hậu.

- Tự động hóa 100% đối với các trạm khí tượng, trạm đo mực nước, đo mưa, đo độ mặn; phát triển mạng lưới trạm khí tượng hải văn tự động, ưu tiên khu vực biển ven bờ.

- Bảo đảm 100% số hộ dân thuộc khu vực thường xuyên xảy ra thiên tai có nhà ở an toàn; hoàn thành di dời ít nhất 100% các hộ dân sinh sống ở nơi có nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất đến nơi an toàn; đối với khu vực chưa thể di dời được lắp đặt hệ thống theo dõi, giám sát, cảnh báo để kịp thời sơ tán, giảm thiểu rủi ro khi xảy ra thiên tai; 100% dân cư hiểu biết, có kiến thức cơ bản về ứng phó, thích nghi với biến đổi khí hậu.

b) Giảm phát thải khí nhà kính:

- Tích cực đóng góp có trách nhiệm cùng quốc gia và cộng đồng quốc tế bảo vệ hệ thống khí hậu trái đất; nâng cao chất lượng tăng trưởng, sức cạnh tranh của nền kinh tế trên địa bàn tỉnh.

- Phấn đấu đến năm 2030, bảo đảm tổng lượng phát thải khí nhà kính trên địa bàn tỉnh nằm trong giới hạn tổng lượng phát thải khí nhà kính quốc gia.

- Các cơ sở sản xuất có phát thải khí nhà kính thực hiện xây dựng kế hoạch, lộ trình cải thiện công nghệ phải thực hiện giảm phát thải khí nhà kính.

[...]