Kế hoạch 1051/KH-UBND năm 2022 triển khai thực hiện Đề án phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ suối đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Gia Lai

Số hiệu 1051/KH-UBND
Ngày ban hành 25/05/2022
Ngày có hiệu lực 25/05/2022
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Gia Lai
Người ký Kpă Thuyên
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH GIA LAI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: : 1051/KH-UBND

Gia Lai, ngày 25 tháng 05 năm 2022

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN ĐỀ ÁN PHÒNG, CHỐNG SẠT LỞ BỜ SÔNG, BỜ SUỐI ĐẾN NĂM 2030 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH GIA LAI

Thực hiện Quyết định số 957/QĐ-TTg ngày 06/7/2020 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ suối, bờ biển đến năm 2030; Công văn số 4986/BNN-PCTT ngày 28/7/2020 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về triển khai thực hiện Đề án phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ suối đến năm 2030. UBND tỉnh Gia Lai ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ suối đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Gia Lai với các nội dung như sau:

A. ĐẶC ĐIỂM, TÌNH HÌNH

1. Mạng lưới sông, suối:

Tỉnh Gia Lai có 3 con sông lớn chảy qua và nằm phân bố khá đều trên toàn tỉnh:

- Phía Tây - Tây bắc là hạ lưu và các dòng nhánh phía tả sông Sê San.

- Phía Tây Tây nam là các sông Ia Đrăng, Ia Lốp thuộc hệ thống lưu vực sông Srêpôk.

- Phía Đông - Đông nam là đoạn thượng và trung lưu của dòng chính sông Ba.

Sông Sê San là một nhánh lớn của sông Mê Kông bắt nguồn từ núi Tiêm cao 2.010 m ở phía Bắc Kon Tum có diện tích lưu vực là 11.620 km2 , chiều dài sông là 237 km, độ dốc bình quân lưu vực 14,4%, độ cao bình quân lưu vực 737m. Địa hình lưu vực dốc dần về phía biên giới Việt Nam - Cam Pu Chia. Đoạn sông này là nơi phân chia ranh giới giữa 2 tỉnh Gia Lai và Kon Tum. Chỉ có 3 nhánh Ia Grai, Ry Ninh, Krom là những nhánh suối lớn ở phía tả dòng chính Sê San thuộc tỉnh Gia Lai. Các nhánh sông này khá dốc phân bố ở phía Bắc thành phố Pleiku. Phần lưu vực chiếm khoảng trên 25% diện tích tự nhiên toàn lưu vực Sê San (trên đất Việt Nam). Tuy 3 nhánh này có diện tích lưu vực nhỏ so với toàn lưu vực, song đã góp phần đóng góp đang kể nguồn nước cho vùng Tây Bắc tỉnh Gia Lai. Hàng năm lượng nước đến của 3 nhánh sông này khoảng 1,5 tỷ m3.

Sông Ba bắt nguồn từ đỉnh núi cao Ngọc Rô 1.549m của dải Trường Sơn, chảy qua vùng địa hình khá phức tạp. Từ thượng nguồn đến An Khê sông chảy theo hướng Tây Bắc - Đông Nam sau đó chuyển hướng Bắc - Nam, đến cửa sông Hinh chảy theo hướng gần như Tây - Đông rồi đổ ra biển Đông tại Tuy Hòa. Tính từ thượng nguồn đến cửa ra (sông Đà Rằng), sông Ba có diện tích lưu vực 13.900 km2, với chiều dài sông chính là 374 km, mật độ lưới sông 0,22 km/km2. Hàng năm trên toàn lưu vực sông Ba nhận được lượng mưa khoảng 1.740 mm và mô đuyn dòng chảy đạt 22,8 ls/km2 với gần 10 tỷ m3 nước đổ ra biển Đông. Các sông suối thuộc lưu vực sông Ba thường hẹp và sâu, độ dốc sông suối lớn nên có tiềm năng lớn về thủy điện.

Dòng nhánh đáng kể của sông Ba nằm trên địa phận tỉnh Gia Lai đổ vào dòng chính sông Ba là nhánh Ia Pi Hao, nhánh Đak Pô Kô, Nhánh Ia Yun.

Sông Ia Pi Hao bắt nguồn từ đỉnh núi Chư Dru Cao 1.180m. Sông chảy theo hướng Bắc Nam sau đó chuyển Tây Bắc - Đông Nam nhập vào sông Ba phía bờ phải. hàng năm đổ vào sông Ba một lượng nước hàng năm khoảng 435 triệu m3 nước.

Sông Đak Pô Kô bắt nguồn từ đỉnh núi Công Di Ông cao 1.029 m. Sông chảy theo hướng Đông Bắc - Tây Nam nhập vào bờ trái sông Ba với chiều dài sông 52 km. Hàng năm đổ vào sông Ba một lượng nước khoảng 598 triệu m3 nước.

Sông A Yun bắt nguồn từ đỉnh núi cao Công Lak có độ cao 1.720 m. Sông chảy theo hướng Bắc - Nam sau chuyển hướng Tây Bắc - Đông Nam đến Cheo Reo nhập vào bờ phải sông Ba. Chiều dài sông 175 km, hàng năm đổ vào sông Ba một lượng nước khoảng 2.279 triệu m3 nước.

Sông Ia Hleo và Sông Ia Đrăng là 2 nhánh sông trong hệ thống sông Srêpôk nằm trên địa phận tỉnh Gia Lai, có diện tích lưu vực là 4.760 km2 và 977 km2.

Sông Ia Hleo bắt nguồn từ những dãy núi Chư Pung phía đông bắc của lưu vực. Sông có diện tích lưu vực 4.760 km2, cao độ nguồn sông 800m, cao độ bình quân lưu vực 336 m, gần như chảy theo hướng Đông - Tây nhập lưu vào sông Srêpok ở Cam Pu Chia. Lượng mưa trên lưu vực không được dồi dào, lượng mưa bình quân lưu vực khoảng 1.800 mm/năm cho nên về mùa kiệt nhiều nhánh suối lớn hầu như không có nước.

Sông Ia Đrăng bắt nguồn từ phía Tây của dãy núi Hàm Rồng có đỉnh cao 1.029 m. Sông có diện tích lưu vực 977 km2, cao độ bình quân lưu vực 391 m. Sông gần như chảy theo hướng Đông - Tây nhập vào sông Srepok ở Cam Pu Chia. Độ dốc lưu vực sông 5,9%, sông có độ dài 78km, mật độ lưới sông 0,44 km/km2, lượng mưa bình quân lưu vực khoảng 1.900 mm/năm.

2. Khái niệm và nguyên nhân gây ra sạt lở bờ sông, suối:

Xói mòn sông là việc loại bỏ trực tiếp của các hạt đất do nước chảy. Tốc độ xói mòn dòng sông được xác định bằng cả lực của nước chảy (ví dụ dòng chảy nhanh hơn bằng lực nhiều hơn) và khả năng chống xói mòn của vật liệu nằm ở bên bờ (ví dụ đất sét thường có khả năng chống xói mòn cao hơn cát). Sạt lở xảy ra khi trọng lượng của một dòng sông lớn hơn sức mạnh của đất, khiến bờ sụp đổ. Quá trình này phụ thuộc vào một số yếu tố bao gồm cường độ bên trong của đất (ví dụ đất sét so với cát), hàm lượng nước trong đất và thảm thực vật.

Hai quá trình xói mòn này được liên kết là sự xói mòn ở đáy của bờ tạo ra một góc bờ dốc hơn hoặc các khối đất nhô ra không ổn định hơn và có khả năng sụp đổ.

Khi mưa xuống, nước tập trung nhanh, chảy xiết sẽ gây nên hiện tượng xói lở mạnh bờ sông nhất là những đoạn sông cong, bờ cấu tạo bởi đất màu, lớp đất cát, pha cát, đất bùn hữu cơ. Tình hình xói lở xảy ra ở hầu hết hệ thống sông trong toàn tỉnh, chủ yếu tập trung trên hệ thống sông Ba. Quá trình xói lở ngày càng mãnh liệt hơn do tác động đan xen của nhiều nguyên nhân trực tiếp hoặc gián tiếp từ tự nhiên (bão, áp thấp nhiệt đới, mưa lũ …) và liên quan đến biến đổi khí hậu trên toàn cầu cũng như một số hoạt động kinh tế, xây dựng công trình trên các lưu vực sông chưa đảm bảo đầy đủ nguyên tắc phát triển bền vững và phá vỡ trạng thái cân bằng vốn có của nó.

(Các khu vực xung yếu có nguy cơ sạt lở bờ sông, bờ suối trên địa bàn tỉnh Gia Lai tại phụ lục 01)

B. KẾ HOẠCH THỰC HIỆN

I. QUAN ĐIỂM VÀ MỤC TIÊU

1. Quan điểm

a) Phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ suối nhằm đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân, công trình phòng chống thiên tai, cơ sở hạ tầng, ổn định dân sinh là nhiệm vụ của các cấp, ngành, đặc biệt là chính quyền địa phương, là trách nhiệm của các tổ chức, doanh nghiệp và toàn dân.

b) Chủ động phòng ngừa sạt lở; khi xây dựng, phê duyệt các quy hoạch, kế hoạch phát triển của các ngành, địa phương, đặc biệt là xây dựng các khu đô thị, dân cư, công nghiệp, dịch vụ, cơ sở hạ tầng ven sông, suối phải đề phòng nguy cơ sạt lở và không làm tăng nguy cơ sạt lở. Khi xảy ra sạt lở phải tập trung ứng phó, khắc phục kịp thời, hiệu quả giảm thiểu thiệt hại.

[...]