Kế hoạch 27/KH-UBND về phát triển doanh nghiệp tỉnh Quảng Ninh năm 2020

Số hiệu 27/KH-UBND
Ngày ban hành 14/02/2020
Ngày có hiệu lực 14/02/2020
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Quảng Ninh
Người ký Bùi Văn Khắng
Lĩnh vực Doanh nghiệp

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NINH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 27/KH-UBND

Quảng Ninh, ngày 14 tháng 02 năm 2020

 

KẾ HOẠCH

PHÁT TRIỂN DOANH NGHIỆP TỈNH QUẢNG NINH NĂM 2020

Căn cứ Nghị quyết 20 - NQ/TU ngày 02/12/2019 của Tỉnh ủy; Nghị quyết 230/NQ-HĐND ngày 07/12/2019 của Hội đồng nhân dân tỉnh; Chương trình hành động số 3766/CTr-UBND ngày 29/6/2016 về việc triển khai Nghị quyết 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020; Thông báo số 1639-TB/TU ngày 22/01/2020 của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch phát triển doanh nghiệp năm 2020 như sau:

I. MỤC TIÊU

Tiếp tục phát triển doanh nghiệp về số lượng và chất lượng, đồng thời nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, tạo môi trường đầu tư và kinh doanh thuận lợi, bình đẳng, minh bạch cho các doanh nghiệp.

Thực hiện các cơ chế chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa như: hỗ trợ tiếp cận tín dụng; hỗ trợ thuế, kế toán; hỗ trợ mặt bằng sản xuất; hỗ trợ công nghệ; hỗ trợ cơ sở ươm tạo, cơ sở kỹ thuật, khu làm việc chung; hỗ trợ mở rộng thị trường; hỗ trợ thông tin, tư vấn và pháp lý; hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực; hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi từ hộ kinh doanh; hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo; hỗ trợ tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị.

Trong năm 2020, phát triển thêm 2.871 doanh nghiệp và đơn vị phụ thuộc, ngoài việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp cần quản lý chặt chẽ các loại hình kinh doanh mới như dịch vụ xe đưa đón khách tại nhà, căn hộ cho thuê, kinh doanh qua mạng internet, hộ kinh doanh cá thể có doanh thu tính thuế lớn, thường xuyên sử dụng 10 lao động trở lên chuyển đổi thành doanh nghiệp.

II. NHỮNG NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP TRỌNG TÂM

1. Cải cách hành chính, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ thực thi công vụ và tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp: Triển khai và thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ cải cách hành chính và đẩy mạnh cải cách hành chính tại tất cả các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh theo Nghị quyết 30/NQ-CP ngày 08/11/2011 của Chính phủ, Quyết định số 225/QĐ-TTg ngày 04/02/2016; Nghị quyết số 15-NQ/TU ngày 09/6/2014 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh; Quyết định số 985/QĐ-UBND ngày 04/4/2016, Quyết định số 3854/QĐ-UBND ngày 04/12/2015 của Ủy ban nhân dân tỉnh.

Thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố coi nhiệm vụ phát triển doanh nghiệp và tạo lập môi trường đầu tư là nhiệm vụ trọng tâm cần được ưu tiên, chịu trách nhiệm về thực thi công vụ của cán bộ công chức của cơ quan, đơn vị mình quản lý, đặc biệt cán bộ công chức trực tiếp tiếp xúc với người dân và doanh nghiệp.

2. Tập trung cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp phát triển: Tiếp tục triển khai Chương trình hành động số 3766/CTr-UBND ngày 29/6/2016, Kế hoạch 2979/KH-UBND ngày 28/4/2017 điều chỉnh bổ sung Chương trình hành động 3766/Ctr-UBND nhằm triển khai thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020; thực hiện đầy đủ nội dung cam kết với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam về việc tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp, Chỉ thị số 26/CT-TTg ngày 06/6/2017, Chỉ thị 07/CT-TTg ngày 5/3/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục triển khai hiệu quả Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 theo tinh thần của Chính phủ đồng hành cùng doanh nghiệp.

Tiếp tục triển khai thực hiện Kế hoạch thực hiện Nghị quyết 02/NQ-CP ngày 01/01/2020 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2020.

Triển khai có hiệu quả Nghị quyết 148/NQ-HĐND ngày 7/12/2018 của Hội đồng nhân dân tỉnh về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đến năm 2020, trong đó đặc biệt tập trung triển khai theo dõi quá trình triển khai chính sách hỗ trợ đầu tư vào cụm công nghiệp.

3. Tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, phát huy hiệu quả cơ chế công khai minh bạch và giám sát các hoạt động đối thoại: Tiếp tục đổi mới công tác tiếp xúc doanh nghiệp theo từng chuyên đề, thiết thực và hiệu quả; đến tận cơ sở tổ chức đối thoại, hướng dẫn doanh nghiệp; Phát huy hiệu quả của trang thông tin tiếp nhận kiến nghị và mô hình “Café doanh nhân”. Đổi mới nâng cao hiệu quả công tác đối thoại doanh nghiệp ở cấp tỉnh đến cấp cơ sở; tiếp tục triển khai hiệu quả đường dây nóng, cổng thông tin hỗ trợ doanh nghiệp của các sở, ngành, địa phương nhằm giải quyết triệt để những khó khăn, kiến nghị của doanh nghiệp.

Tiếp tục đảm bảo công tác kiểm tra, thanh tra doanh nghiệp không quá 01 lần trong 01 năm đối với 01 doanh nghiệp; tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan trong quản lý nhà nước về công tác thanh tra, kiểm tra theo đúng chương trình, kế hoạch.

Tuyên truyền và công khai đường dây nóng; hỏi đáp trực tuyến trên Cổng thông tin điện tử của Tỉnh để tiếp nhận phản ánh và hướng dẫn, giải đáp cho người dân và doanh nghiệp.

4. Tiếp tục hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực: Thực hiện có hiệu quả Quy hoạch phát triển nhân lực tỉnh Quảng Ninh đến 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Đề án đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng và phát triển toàn diện nguồn nhân lực Quảng Ninh đến 2030.

Hoàn thiện và tiếp tục phát huy cao hơn nữa hiệu quả của cơ chế phối hợp đào tạo nghề giữa 3 nhà “Nhà nước - Nhà trường - Doanh nghiệp”; nâng cao chất lượng đầu ra của lao động đảm bảo lao động có tay nghề, phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp. Cam kết tạo các cơ hội liên tục bồi dưỡng, đào tạo kỹ năng nghề ngay tại nơi làm việc cho người lao động. Phát huy hơn nữa vai trò cổng thông tin việc làm của Tỉnh về quảng bá và tuyên truyền lợi ích khi làm việc tại Quảng Ninh, tiếp tục cung cấp danh mục đầy đủ các cơ hội việc làm cho người lao động.

Hỗ trợ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp thành lập cơ sở đào tạo ngay trong doanh nghiệp nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp tổ chức các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng nghề cho người lao động thường xuyên, liên tục ngay tại nơi làm việc: Triển khai hướng dẫn các doanh nghiệp đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp.

5. Tăng cường công tác tuyên truyền và vận động hộ kinh doanh phát triển thành doanh nghiệp: Đa dạng hóa hình thức, phương pháp tuyên truyền, không chỉ thông qua các hội nghị, hệ thống truyền thanh, truyền hình, báo chí mà bằng những cách thức khác như tọa đàm, buổi nói chuyện, cung cấp các tin bài, cấp phát tài liệu hỏi đáp, tờ gấp, tờ rơi, panô, áp phích, lồng ghép việc tuyên truyền tại các buổi sinh hoạt cộng đồng. Mở rộng phạm vi hoạt động tuyên truyền đến các thôn xóm, cụm dân cư thông qua các hoạt động của tổ dân, khu phố.

III. NHIỆM VỤ CỤ THỂ

1. Các sở, ban, ngành và UBND các địa phương: Tiếp tục cải thiện kết quả đạt được theo Kế hoạch 61/KH-UBND ngày 8/3/2019 của UBND tỉnh triển khai Nghị quyết 02/NQ-CP ngày 01/01/2019, Nghị quyết 02/NQ-CP ngày 01/01/2020 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2020.

Duy trì và tiếp tục tập trung cải thiện các kết quả đã đạt được theo tinh thần chỉ đạo tại Chương trình hành động 3766/CTr-UBND ngày 29/6/2016, Kế hoạch 2979/KH-UBND ngày 28/4/2017 điều chỉnh bổ sung Chương trình hành động 3766/Ctr-UBND nhằm triển khai thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020.

Thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục đổi mới trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, coi việc phát triển doanh nghiệp là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh về công tác phát triển doanh nghiệp. Quán triệt cán bộ công chức về đạo đức công vụ, cải cách hành chính, chống quan liêu, tham nhũng, sách nhiễu, nâng cao tinh thần chính quyền phục vụ và hỗ trợ doanh nghiệp.

Tiếp tục rà soát, cắt giảm các thủ tục hành chính; tăng cường ứng dụng CNTT tạo thuận lợi nhất cho việc đăng ký thành lập và các hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Tổ chức các hội nghị đối thoại để kịp thời tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp; tăng cường công tác tuyên truyền để đưa Nghị quyết số 148/2018/NQ-HĐND ngày 07/12/2018 của HĐND tới từng doanh nghiệp, hộ kinh doanh. Tạo điều kiện thuận lợi, thông thoáng nhất trong tiếp cận thông tin, thị trường, các nguồn lực hỗ trợ, cơ chế, chính sách ưu đãi; cải cách thủ tục hành chính đối với các doanh nghiệp tuyên bố phá sản.

Các sở, ban, ngành và các địa phương căn cứ chức năng nhiệm vụ quản lý chặt chẽ các loại hình kinh doanh mới như dịch vụ xe đưa đón khách tại nhà, căn hộ cho thuê, kinh doanh qua mạng internet, đặc biệt đối với những hộ kinh doanh có doanh thu lớn, thường xuyên có 10 lao động trở lên chuyển đổi thành doanh nghiệp.

2. Sở Kế hoạch và Đầu tư: Làm đầu mối theo dõi, đôn đốc, tổng hợp tình hình thực hiện Kế hoạch được phân công cho các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố, tổng hợp báo cáo UBND tỉnh hằng quý.

Tiếp tục tập trung đôn đốc, triển khai thực hiện Chương trình hành động 3766/CTr-UBND ngày 29/6/2016, Kế hoạch 2979/KH-UBND ngày 28/4/2017 điều chỉnh bổ sung Chương trình hành động 3766/Ctr-UBND nhằm triển khai thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020; Nghị quyết 148/NQ-HĐND ngày 7/12/2918 của Hội đồng nhân dân tỉnh về hỗ trợ DNNVV, doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

[...]