Chủ nhật, Ngày 27/10/2024

Quyết định 3487/QĐ-UBND năm 2021 phê duyệt Đề án Phát triển doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2021-2025

Số hiệu 3487/QĐ-UBND
Ngày ban hành 07/09/2021
Ngày có hiệu lực 07/09/2021
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Thanh Hóa
Người ký Nguyễn Văn Thi
Lĩnh vực Doanh nghiệp

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THANH HÓA
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3487/QĐ-UBND

Thanh Hóa, ngày 07 tháng 9 năm 2021

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN PHÁT TRIỂN DOANH NGHIỆP TỈNH THANH HÓA GIAI ĐOẠN 2021 - 2025

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH THANH HÓA

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước ngày 25 tháng 6 năm 2015; Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa ngày 12 tháng 6 năm 2017; Luật Doanh nghiệp ngày 17 tháng 6 năm 2020;

Căn cứ Nghị quyết số 58-NQ/TW ngày 05 tháng 8 năm 2020 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045;

Căn cứ Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025;

Căn cứ Kết luận số 562-KL/TU ngày 26 tháng 7 năm 2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về Đề án phát triển doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2021 - 2025;

Theo đề nghị của Sở Kế hoạch và Đầu tư tại Công văn số 6300/SKHĐT-ĐKKD ngày 30 tháng 8 năm 2021.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án Phát triển doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2021 - 2025 (sau đây gọi tắt là Đề án), với các nội dung chủ yếu sau:

I. QUAN ĐIỂM PHÁT TRIỂN

1. Phát triển doanh nghiệp là một trong những nhiệm vụ hàng đầu, là động lực, là đầu tàu để đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện tái cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng. Phát triển doanh nghiệp là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, trước hết là người đứng đầu các cấp ủy đảng, chính quyền, các sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị; chăm lo doanh nghiệp, coi doanh nghiệp vừa là khách hàng được phục vụ, vừa là đối tượng quản lý.

2. Phát triển doanh nghiệp gắn với quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và từng địa phương; đúng định hướng Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX và Nghị quyết số 58-NQ/TW của Bộ Chính trị, trên cơ sở phát triển công nghiệp nặng, nông nghiệp là nền tảng; công nghiệp năng lượng, công nghiệp chế biến, chế tạo và dịch vụ logistics là đột phá; du lịch là mũi nhọn theo hướng phát triển 4 trung tâm kinh tế động lực; 6 trụ cột tăng trưởng; 6 hành lang kinh tế của tỉnh.

3. Phát triển doanh nghiệp theo phương châm tích cực, vững chắc; vừa phát triển về số lượng, vừa nâng cao chất lượng, quy mô và hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp hiện có; khuyến khích doanh nghiệp đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh, xây dựng văn hóa kinh doanh, thực hiện tốt trách nhiệm xã hội.

4. Phát huy tinh thần khởi nghiệp, khuyến khích thành lập doanh nghiệp mới phù hợp với từng vùng, địa phương, nhất là tại các trung tâm và hành lang kinh tế; tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho hộ kinh doanh chuyển sang hoạt động theo mô hình doanh nghiệp.

II. ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN

1. Phát triển doanh nghiệp lĩnh vực nông, lâm, thủy sản theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, có giá trị gia tăng cao, gắn với xây dựng thương hiệu sản phẩm; chú trọng phát triển doanh nghiệp trồng trọt, sản xuất, kinh doanh, chế biến các sản phẩm nông nghiệp chủ lực theo hướng sản xuất tập trung theo vùng, quy mô lớn, công nghệ cao, theo chuỗi giá trị; khuyến khích phát triển doanh nghiệp chăn nuôi theo hướng công nghiệp, gắn với chế biến thực phẩm và bảo vệ môi trường; quan tâm phát triển doanh nghiệp nuôi trồng, khai thác thủy sản gắn với chế biến; khuyến khích phát triển doanh nghiệp trồng cây dược liệu, trồng rừng sản xuất gắn với thu gom, chế biến, bao tiêu sản phẩm.

2. Phát triển doanh nghiệp lĩnh vực công nghiệp, xây dựng gắn với bảo vệ môi trường; đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp hoạt động trong ngành công nghiệp truyền thống; ưu tiên phát triển doanh nghiệp hoạt động trong ngành công nghiệp trọng điểm như: công nghiệp nặng, công nghiệp năng lượng và công nghiệp chế biến, chế tạo, sản xuất các sản phẩm sau lọc hóa dầu, hóa chất, nhựa, công nghiệp điện tử viễn thông, công nghệ thông tin; phát triển hợp lý các doanh nghiệp hoạt động trong ngành công nghiệp sử dụng nhiều lao động như dệt may, giày da; khuyến khích phát triển các doanh nghiệp hoạt động trong ngành công nghiệp hỗ trợ cho các ngành công nghiệp trọng điểm của tỉnh; phát triển doanh nghiệp hoạt động trong ngành xây dựng đạt trình độ cao trong các lĩnh vực thiết kế, xây dựng công trình, phát triển đô thị.

3. Phát triển doanh nghiệp trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ theo hướng đa dạng các loại hình dịch vụ, gắn với phát huy các giá trị lịch sử, văn hóa, tiềm năng, lợi thế của từng vùng, từng địa phương; chú trọng phát triển doanh nghiệp kinh doanh sản phẩm dịch vụ chất lượng cao, có giá trị gia tăng lớn như: dịch vụ cảng biển, vận tải biển, logistics, thông tin truyền thông, tài chính, ngân hàng, y tế, giáo dục và đào tạo; khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại tại các khu đô thị, Khu Kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp; thu hút các doanh nghiệp lớn có thương hiệu đầu tư phát triển du lịch biển, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, du lịch văn hóa, tâm linh và khám phá thiên nhiên.

III. MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN

1. Mục tiêu chung: phát triển doanh nghiệp cả về số lượng, chất lượng, quy mô, hiệu quả sản xuất kinh doanh và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp theo hướng bền vững; cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp gia nhập thị trường, tiếp cận các nguồn lực, thị trường, từng bước hình thành một số doanh nghiệp lớn tầm cỡ trong nước và khu vực ASEAN trên định hướng phát triển 6 trụ cột tăng trưởng, góp phần hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh giai đoạn 2021 - 2025.

2. Mục tiêu cụ thể:

- Giai đoạn 2021 - 2025, có 15.000 doanh nghiệp thành lập mới, trong đó: khu vực đồng bằng, thành lập mới 9.830 doanh nghiệp, chiếm 65,5%; khu vực ven biển, thành lập mới 3.420 doanh nghiệp, chiếm 22,8%; khu vực miền núi, thành lập mới 1.750 doanh nghiệp, chiếm 11,7% (Có Phụ lục I kèm theo).

- Đến năm 2025, phấn đấu mật độ doanh nghiệp hoạt động bình quân đạt 7,9 doanh nghiệp/1.000 dân;

- Đến năm 2025, khu vực doanh nghiệp đóng góp khoảng 65 - 70% GRDP của tỉnh;

- Đến năm 2025, có khoảng 500.000 lao động làm việc trong khu vực doanh nghiệp;

- Đến năm 2025, đóng góp vào ngân sách của khu vực doanh nghiệp chiếm 65% tổng thu nội địa trên địa bàn tỉnh.

[...]