Chủ nhật, Ngày 27/10/2024

Kế hoạch 250/KH-UBND năm 2019 về triển khai Đề án “Xây dựng thị trường vận tải cạnh tranh theo hướng phát triển vận tải đa phương thức, kết nối giữa các hình thức vận tải khác nhau, chú trọng áp dụng công nghệ thông tin để giảm thiểu chi phí vận tải tạo thuận lợi cho lưu thông, phân phối hàng hóa và dịch vụ của doanh nghiệp” do thành phố Hà Nội ban hành

Số hiệu 250/KH-UBND
Ngày ban hành 06/12/2019
Ngày có hiệu lực 06/12/2019
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Thành phố Hà Nội
Người ký Nguyễn Thế Hùng
Lĩnh vực Giao thông - Vận tải

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HÀ NỘI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 250/KH-UBND

Hà Nội, ngày 06 tháng 12 năm 2019

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI ĐỀ ÁN “XÂY DỰNG THỊ TRƯỜNG VẬN TẢI CẠNH TRANH THEO HƯỚNG PHÁT TRIỂN VẬN TẢI ĐA PHƯƠNG THỨC, KẾT NỐI GIỮA CÁC HÌNH THỨC VẬN TẢI KHÁC NHAU, CHÚ TRỌNG ÁP DỤNG CÔNG NGHỆ THÔNG TIN ĐỂ GIẢM THIỂU CHI PHÍ VẬN TẢI TẠO THUẬN LỢI CHO LƯU THÔNG, PHÂN PHỐI HÀNG HÓA VÀ DỊCH VỤ CỦA DOANH NGHIỆP”

Hà Nội là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học và là đầu mối giao thông quan trọng của cả nước. Đây cũng là cửa ngõ đưa, đón khách đi và đến trên khắp đất nước Việt Nam cũng như giao thương với các nước trên thế giới. Với những đặc điểm và lợi thế về điều kiện tự nhiên và kinh tế xã hội, Thành phố Hà Nội đã trở thành đầu mối của các dòng vận tải với nhiều loại hình phương tiện giao thông đa dạng.

Thời gian qua, Thành phố đã chỉ đạo tập trung đầu tư, phát triển hệ thống giao thông, quản lý vận tải đáp ứng nhu cầu đi lại và lưu thông hàng hóa của nhân dân. Nhiều công trình hạ tầng giao thông của Thành phố đã được đầu tư hoàn thành, mở mới các tuyến buýt kết nối sân bay Nội Bài vào Trung tâm Thành phố và các khu du lịch... góp phần giảm tải áp lực giao thông cho Thủ Đô, tăng cường kết nối giao thông giữa Thủ đô với các Tỉnh, thành phố trong khu vực đồng thời góp phần phát triển kinh tế xã hội. Tuy nhiên hệ thống hạ tầng giao thông khung mới đang trong quá trình đầu tư phát triển theo quy hoạch, các tuyến đường vành đai chưa được đầu tư khép kín, hệ thống đường hướng tâm còn thiếu và chưa hình thành đồng bộ theo quy hoạch; hệ thống đường sắt đô thị mới chỉ trong giai đoạn đầu tư ban đầu (chưa có tuyến đường sắt đô thị nào được đưa vào khai thác vận hành); các tuyến đường sắt thuộc mạng lưới đường sắt quốc gia hiện trạng, còn lạc hậu và đang trong giai đoạn đầu của quá trình đầu tư phát triển; Hệ thống giao thông đường thủy nội địa qua các tuyến sông như: sông Hồng; sông Đà; sông Đáy; sông Tích... với 9 cảng sông, 17 bến thủy nội địa và 58 bến khách ngang sông tuy nhiên chưa phát huy được vai trò giao thông đường thủy do việc đầu tư hạ tầng, phương tiện vận tải và kết nối còn chưa đồng bộ; Hệ thống giao thông đường hàng không có các sân bay: Nội Bài (đi quốc tế, nội địa); Gia Lâm (bay dịch vụ kết hợp quân sự); Bạch Mai, Hòa Lạc và Miếu Môn (đều là sân bay quân sự). Khả năng lưu thông hàng hóa và hành khách bằng đường hàng không còn chưa phát triển tương xứng do mới chỉ có sân bay Nội Bài được đầu tư ở quy mô nhất định, điều kiện hạ tầng cho thông qua hàng hóa còn khó khăn, chưa có ứng dụng công nghệ hiện đại để điều tiết chuyển tải hàng hóa thông qua... khiến cho việc khai thác sân bay trong lĩnh vực vận chuyển hàng hóa và hành khách còn hạn chế.

Ngày 07/06/2019, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 703/QĐ-TTg về phê duyệt Đề án “Xây dựng thị trường vận tải cạnh tranh theo hướng phát triển vận tải đa phương thức, kết nối giữa các hình thức vận tải khác nhau, chú trọng áp dụng công nghệ thông tin để giảm thiểu chi phí vận tải tạo thuận lợi cho lưu thông, phân phối hàng hóa và dịch vụ của doanh nghiệp”. Trên cơ sở vị trí, vai trò và đặc điểm tình hình giao thông trên địa bàn Thành phố Hà Nội và căn cứ chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Khoản 9, Mục IV Quyết định số 703/QĐ-TTg ngày 07/06/2019, Ủy ban nhân dân Thành phố xây dựng và ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án, như sau:

I. MỤC TIÊU

1. Tập trung chỉ đạo nhằm triển khai thực hiện hoàn thành mục tiêu của Đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 703/QĐ-TTg, ngày 07/06/2019: “Xây dựng thị trường vận tải cạnh tranh lành mạnh, phát huy thế mạnh của từng phương thức vận tải và phát triển vận tải đa phương thức; ứng dụng các công nghệ vận tải tiên tiến để tạo thuận lợi cho lưu thông hàng hóa, giảm chi phí logistics của nền kinh tế trong điều kiện hội nhập, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia”.

2. Thực hiện hoàn thành 05 mục tiêu cụ thể và tập trung triển khai các giải pháp chủ yếu của Đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

II. NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM

1. Công tác tuyên truyền:

a) Quán triệt tới toàn thể các Sở, Ban, ngành, cơ quan đơn vị trong quá trình thực hiện nhiệm vụ được giao gắn với việc thực hiện Quyết định số 703/QĐ-TTg ngày 07/06/2019 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án “Xây dựng thị trường vận tải cạnh tranh theo hướng phát triển vận tải đa phương thức, kết nối giữa các hình thức vận tải khác nhau, chú trọng áp dụng công nghệ thông tin để giảm thiểu chi phí vận tải tạo thuận lợi cho lưu thông, phân phối hàng hóa và dịch vụ của doanh nghiệp”.

b) Tuyên truyền tới các doanh nghiệp, người dân về chủ trương Xây dựng thị trường vận tải cạnh tranh của Chính phủ để các doanh nghiệp chủ động có phương án kinh doanh, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ để nâng cao sức cạnh tranh, nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải, phát triển vận tải đa phương thức và chuỗi dịch vụ logistics.

2. Hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật:

a) Tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành Trung ương rà soát, đề xuất hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, bao gồm: Các văn bản pháp luật liên quan đến quản lý phát triển thị trường vận tải; thu hút các thành phần kinh tế tham gia kinh doanh vận tải; đẩy mạnh cải cách hành chính, đặc biệt là thủ tục hành chính trong lĩnh vực vận tải; Các văn bản pháp luật liên quan đến đầu tư xây dựng theo hình thức đối tác công tư (PPP); cơ chế chính sách xã hội hóa đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ vận tải (cảng cạn, cảng thủy nội địa, trạm dừng nghỉ...); Xây dựng kế hoạch hành động thực hiện Luật quy hoạch và Nghị định số 37/2019/NĐ-CP ngày 07/5/2019 của Chính phủ hướng dẫn thực hiện Luật quy hoạch, nhằm đảm bảo cơ sở pháp lý xây dựng chiến lược, quy hoạch ngành giao thông vận tải một cách đồng bộ, khoa học, phù hợp với kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội; Các văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế chính sách về ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành và khai thác vận tải, đặc biệt là đối với hệ thống dịch vụ công trực tuyến, hệ thống dữ liệu và thống kê, hệ thống giao thông thông minh, sàn giao dịch vận tải, trí tuệ nhân tạo...; xây dựng các chương trình, đề án, dự án ứng dụng công nghệ thông tin, đảm bảo nâng cao hiệu lực, hiệu quả của chính sách vận tải.

b) Tham gia góp ý khi có yêu cầu đối với các quy định liên quan đến tạo thuận lợi vận tải và thương mại qua biên giới; các Hiệp định song phương và đa phương về hàng không, hàng hải, đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và vận tải đa phương thức trong khuôn khổ ASEAN, GMS; các quy định của pháp luật, các điều kiện về kinh doanh vận tải có yếu tố nước ngoài theo các Hiệp định, công ước quốc tế mà Việt Nam tham gia.

c) Nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện, chuẩn hóa hệ thống quy trình, quy phạm, tiêu chuẩn, định mức nhằm giảm giá thành vận chuyển, xây dựng, khuyến khích sản xuất, lưu thông hàng hóa và nâng cao công tác quản lý nhà nước.

3. Phát triển kết cấu hạ tầng giao thông trọng yếu có vai trò thúc đẩy phát triển vận tải và nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải

a) Ưu tiên tập trung phát triển những hạ tầng lớn, hiện đại có sức lan tỏa:

- Tập trung đầu tư các dự án, công trình về giao thông vận tải của Thành phố đã được xác định trong Chương trình số 06-CTr/TU ngày 29/6/2016 của Thành ủy về “Phát triển đồng bộ, hiện đại hóa từng bước kết cấu hạ tầng đô thị, tăng cường quản lý trật tự xây dựng, đất đai, môi trường, xây dựng đô thị văn minh và hiện đại” giai đoạn 2016 - 2020; Kế hoạch số 162/KH-UBND, ngày 29/08/2016 của UBND Thành phố.

- Phối hợp với Bộ GTVT trong quá trình đầu tư, nâng cấp cao tốc Bắc Nam, đường sắt Bắc - Nam đoạn qua Hà Nội; rà soát quy hoạch và đầu tư hệ thống giao thông kết nối các tuyến đường bộ với các nhà ga đường sắt, cảng bến thủy nội địa, cảng hàng không trên địa bàn Thành phố.

- Tập trung đầu tư khép kín các tuyến đường vành đai (bao gồm vành đai 1, vành đai 2, vành đai 2,5, vành đai 3, vành đai 3,5; vành đai 4; vành đai 5); Tập trung đầu tư hệ thống công trình đường bộ có tính kết nối vượt sông Hồng và sông Đuống (cầu Thượng Cát; cầu Tứ Liên; cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2; cầu Đuống 2, Cầu Mễ Sở - VĐ4, Cầu Ngọc Hồi - VĐ3,5...); Tổ chức triển khai thi công hoàn thành cơ bản đoạn tuyến đường trên cao dọc tuyến đường Vành đai 2 (đoạn Vĩnh Tuy - Ngã Tư Sở); hoàn thành một số đoạn tuyến của các tuyến đường: Quốc lộ 1A (phía Nam); Trục Hồ Tây - Ba Vì; Quốc Lộ 6; Tây Thăng Long; Hà Đông - Xuân Mai; Trục cầu Vĩnh Tuy - Giang Biên - Ninh Hiệp; Quốc lộ 3; ... - Đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành các công trình: tuyến đường sắt đô thị Nhổn-ga Hà Nội, đường vành đai 2 đoạn Ngã Tư Vọng-Ngã Tư Sở; đường vành đai 3 dưới thấp đoạn cầu vượt Mai Dịch-cầu Thăng Long…

- Triển khai đầu tư các bến xe khách liên tỉnh, đặc biệt là Bến xe khách chính phía Nam (Khu vực Ngọc Hồi - Đường Vành đai 4), Bến xe Cổ Bi và Bến xe Phía Tây; đồng thời hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông kết nối (Tuyến vành đai 3,5 được hình thành sẽ góp phần cải thiện giao thông quá cảnh trong giai đoạn trước mắt để thay thế cho vành đai 3 đang quá tải. Ngoài ra, đầu tư đoạn từ đường Phúc La - Văn Phú (Hà Đông) kết nối với Quốc lộ 1A cũ và cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ sẽ góp phần tăng khả năng kết nối với Bến xe Yên Nghĩa (thay cho việc các xe khách liên tỉnh phải đi qua đường Vành đai 3, đường Phan Trong Tuệ như hiện nay), đầu tư mở rộng Quốc lộ 6 đoạn Ba La - Xuân Mai để kết nối Bến xe Yên Nghĩa với đường Hồ Chí Minh).

b) Đầu tư phát triển hệ thống cảng cạn theo quy hoạch được duyệt. Ưu tiên các cảng cạn kết nối với đường thủy nội địa, đường sắt khu vực phía Bắc (Cảng cạn ICD Cổ Bi; Cảng cạn ICD Mỹ Đình;Cảng container quốc tế Phủ Đổng; Cảng Giang Biên...); Nâng cấp, cải tạo kết cấu hạ tầng phục vụ vận tải container đường thủy nội địa và các dịch vụ logistics tại khu vực phía Bắc; Giải quyết dứt điểm các nút thắt, các điểm tắc nghẽn trên các tuyến đường thủy nội địa huyết mạch; Triển khai nghiên cứu đầu tư mới và nâng cấp một số cảng trên sông Hồng cùng với việc nghiên cứu quy hoạch hai bờ sông hồng đoạn trong khu vực vành đai 4.

4. Phát triển hài hòa, hợp lý các phương thức vận tải, vận tải đa phương thức và dịch vụ logistics

a) Phối hợp với các Bộ, ngành trung ương có giải pháp ưu tiên phát triển vận tải đa phương thức trên các hành lang vận tải chính, đặc biệt là hành lang Bắc Nam và các hành lang kết nối với các cảng biển cửa ngõ quốc tế nhằm tăng khối lượng hàng hóa vận chuyển, giảm chi phí vận tải biển, giảm chi phí logistics đối với hàng hóa xuất nhập khẩu.

b) Đẩy mạnh phát triển hệ thống cảng cạn theo quy hoạch được duyệt làm đầu mối kết nối các phương thức vận tải kết hợp cung cấp các dịch vụ logistics. Ưu tiên đầu tư các cảng cạn trên địa bàn thành phố có kết nối với đường thủy nội địa, đường sắt, đường hàng không.

c) Phối hợp với các Bộ, ngành trung ương và UBND các tỉnh, Thành phố tăng cường kết nối dịch vụ vận tải giữa các phương thức thông qua việc kết nối hoạt động của các doanh nghiệp; khuyến khích, tạo điều kiện hình thành các doanh nghiệp vận tải có quy mô lớn, có khả năng thực hiện các chuỗi vận tải nội địa-quốc tế với giá thành hợp lý, chất lượng cao.

d) Tăng cường kết nối dịch vụ vận tải đường sắt, đường thủy nội địa với các phương thức vận tải khác bằng các hình thức xã hội hóa đầu tư hệ thống kho bãi, thiết bị xếp dỡ, đường giao thông kết nối tại các ga, cảng đầu mối.

[...]