Kế hoạch 247/KH-UBND năm 2022 về Tái cơ cấu ngành lúa gạo thành phố Cần Thơ giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn năm 2030

Số hiệu 247/KH-UBND
Ngày ban hành 29/12/2022
Ngày có hiệu lực 29/12/2022
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Thành phố Cần Thơ
Người ký Nguyễn Ngọc Hè
Lĩnh vực Thương mại

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ CẦN THƠ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 247/KH-UBND

Cần Thơ, ngày 29 tháng 12 năm 2022

 

KẾ HOẠCH

TÁI CƠ CẤU NGÀNH LÚA GẠO THÀNH PHỐ CẦN THƠ GIAI ĐOẠN 2022 - 2025, TẦM NHÌN NĂM 2030

Thực hiện Quyết định số 555/QĐ-BNN-TT ngày 26 tháng 01 năm 2021 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành lúa gạo Việt Nam đến năm 2025 và 2030, Ủy ban nhân dân thành phố ban hành Kế hoạch Tái cơ cấu ngành lúa gạo thành phố Cần Thơ giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn năm 2030, với nội dung cụ thể như sau:

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

- Tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu ngành lúa gạo theo hướng hiệu quả và phát triển bền vững với mục tiêu phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; nông nghiệp hữu cơ; đáp ứng nhu cầu về gạo hữu cơ, gạo chất lượng cao, hạn chế ô nhiễm môi trường, thúc đẩy quá trình giảm phát thải khí nhà kính, nâng cao chất lượng, giá trị dinh dưỡng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

- Hình thành và nâng cao hiệu quả chuỗi giá trị lúa gạo; sử dụng tài nguyên hiệu quả và bảo vệ môi trường sinh thái; mở rộng các vùng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn, gắn với chế biến và xuất khẩu và nâng cao thu nhập của người dân và lợi ích của người tiêu dùng.

2. Mục tiêu cụ thể

- Đảm bảo giữ diện tích đất trồng lúa đến năm 2025 là 76.225 ha và đến năm 2030 là 74.319 ha.

- Tỷ lệ diện tích gieo trồng sử dụng hạt giống xác nhận trên 90%; sử dụng giống chất lượng cao trên 80%; giảm lượng giống gieo sạ (bình quân còn 80 kg/ha) trên 70%; ứng dụng quy trình canh tác tiên tiến (IPM, SRP, 1P5G,...), quy trình thực hành sản xuất tốt (VietGAP và tương đương (25%), canh tác lúa thông minh với biến đổi khí hậu, hướng đến sản xuất lúa hữu cơ (1,5%),...) trên 60%; ứng dụng công nghệ cao, công nghệ số khoảng 20%.

- Xây dựng mã số vùng trồng, chỉ dẫn địa lý, truy xuất nguồn gốc và an toàn thực phẩm 30%.

- Giảm lượng phân bón hóa học, lượng thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hóa học dùng trong sản xuất lúa từ 30% trở lên.

- Tỷ lệ cơ giới hóa trong sản xuất lúa đạt bình quân 90%.

- Tỷ lệ diện tích gieo trồng có liên kết sản xuất - tiêu thụ trên 30%.

- Lợi nhuận cho người trồng lúa trên 30%.

- Giảm phát thải khí nhà kính trong sản xuất lúa 5%.

II. NỘI DUNG TRIỂN KHAI KẾ HOẠCH

Kế hoạch tập trung thực hiện một số nhiệm vụ và giải pháp như sau:

1. Đánh giá hiện trạng sản xuất và kết quả thực hiện kế hoạch: Nhằm đánh giá kết quả thực hiện các nội dung hoạt động theo mục tiêu đề ra và kết quả thực hiện kế hoạch tái cơ cấu ngành lúa gạo trên địa bàn thành phố Cần Thơ.

- Phương pháp thực hiện

Chọn ngẫu nhiên nông dân trực tiếp sản xuất lúa tại mỗi huyện 150 nông dân/kỳ điều tra. Phỏng vấn trực tiếp bằng phiếu khảo sát thông tin.

+ Quy mô: 900 phiếu/3 huyện/2 kỳ điều tra.

+ Số lượng: 450 phiếu đầu kỳ + 450 phiếu cuối kỳ = 900 phiếu.

+ Địa điểm thực hiện: Tại các huyện Vĩnh Thạnh, Cờ Đỏ và Thới Lai.

+ Đối tượng thực hiện: Nông dân trực tiếp sản xuất lúa.

- Nội dung thực hiện

Phỏng vấn nông dân sản xuất lúa của các Tổ hợp tác (THT)/Hợp tác xã (HTX), cánh đồng lớn về quy trình kỹ thuật sản xuất lúa trong vụ trước đó.

2. Xây dựng vùng sản xuất lúa chất lượng cao liên kết theo cánh đồng lớn bằng việc tăng cường áp dụng các giải pháp kỹ thuật canh tác tiên tiến (IPM, 3 giảm 3 tăng, 1 phải 5 giảm, SRP, cơ giới hóa,..)

[...]