Kế hoạch 307/KH-UBND năm 2022 về Phát triển ngành hàng lúa gạo tỉnh Đồng Tháp đến năm 2025

Số hiệu 307/KH-UBND
Ngày ban hành 31/08/2022
Ngày có hiệu lực 31/08/2022
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Đồng Tháp
Người ký Huỳnh Minh Tuấn
Lĩnh vực Lĩnh vực khác

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐỒNG THÁP
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 307/KH-UBND

Đồng Tháp, ngày 31 tháng 08 năm 2022

 

KẾ HOẠCH

PHÁT TRIỂN NGÀNH HÀNG LÚA GẠO TỈNH ĐỒNG THÁP ĐẾN NĂM 2025

Thực hiện Kết luận số 250-KL/TU ngày 09/12/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ Tỉnh khoá XI về tiếp tục thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia Xây dựng nông thôn mới gắn với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp và công tác giảm nghèo bền vững đến năm 2025; Quyết định số 888/QĐ-UBND-HC ngày 09/8/2022 của Uỷ ban nhân dân Tỉnh về phê duyệt Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Uỷ ban nhân dân Tỉnh ban hành Kế hoạch Phát triển ngành hàng lúa gạo tỉnh Đồng Tháp đến năm 2025, nội dung cụ thể như sau:

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu tổng quát

Tiếp tục cơ cấu lại ngành lúa gạo theo hướng nâng cao hiệu quả và phát triển bền vững với các mục tiêu: (1) làm nòng cốt cho đảm bảo an ninh lương thực quốc gia; (2) nâng cao chất lượng, giá trị dinh dưỡng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; (3) nâng cao hiệu quả chuỗi giá trị lúa gạo; (4) thích ứng và giảm nhẹ biến đổi khí hậu; (5) nâng cao thu nhập của nông dân và lợi ích cho người tiêu dùng.

2. Một số chỉ tiêu cụ thể

- Phấn đấu chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa sang trồng các loại cây ăn trái, cây hàng năm khác có giá trị kinh tế cao, để nâng cao hiệu quả sử dụng đất, tăng thu nhập cho hộ sản xuất nhưng vẫn đảm bảo đến năm 2025 diện tích gieo trồng lúa toàn Tỉnh tối thiểu là 470.940 ha, năng suất đạt trên 3 triệu tấn1.

- Phấn đấu diện tích sản xuất lúa hữu cơ đến năm 2025 đạt 600 ha.

- Phấn đấu đến năm 2025, có trên 42.000 ha lúa được cấp mã số vùng trồng2.

- Phát triển vùng sản xuất tập trung theo hướng ứng dụng đồng bộ giải pháp giảm giá thành, cơ giới hóa, quy trình sản xuất tiên tiến, công nghệ thông minh gắn truy xuất nguồn gốc và chuỗi giá trị trên cây lúa.

- Xây dựng và phát triển hệ sinh thái nông nghiệp số áp dụng đồng bộ từ cấp tỉnh, huyện, xã (phát triển phần mềm, ứng dụng thiết bị thông minh) giúp quản lý nông nghiệp số và phát triển kinh tế nông nghiệp số3 đảm bảo điều kiện tích hợp được vào hệ thống dữ liệu của Tỉnh và bộ, ngành trung ương.

- Tập trung nâng cao hiệu quả sản xuất thông qua giảm chi phí phân, thuốc, giống. Nâng cao chất lượng gạo, tăng diện tích giống xác nhận, giống chất lượng cao, lúa thơm đặc sản. Phấn đấu nâng cao lợi nhuận cho người trồng lúa từ 35 - 40%, giảm lượng phân bón hóa học, lượng thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hóa học trong sản xuất lúa từ 30% trở lên.

- Tập trung tăng nhanh tỷ lệ cơ giới hóa sản xuất: chuyển dần từ gieo sạ bằng công cụ sang sử dụng máy cấy lúa đưa mức độ cơ giới hóa khâu gieo, cấy bằng máy đạt 15% diện tích; tối thiểu 20% diện tích gieo trồng lúa của toàn Tỉnh áp dụng sử dụng thiết bị bay không người lái để phun thuốc bảo vệ thực vật.

- Phấn đấu diện tích liên kết sản xuất lúa giống đạt trên 5.000 ha/năm.

II. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN NGÀNH HÀNG LÚA GẠO

1. Tổ chức sản xuất

a) Đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất

- Đầu tư, nâng cấp hệ thống giao thông nội đồng, kết nối giao thông nội đồng và hệ thống giao thông liên vùng trong Tỉnh.

- Hoàn thiện và nâng cấp hệ thống tưới tiêu nội đồng, trang bằng đồng ruộng theo từng tiểu vùng để góp phần tiết kiệm nước, áp dụng tốt các giải pháp kỹ thuật trong sản xuất.

b) Về giống lúa

- Định hướng cơ cấu giống, xây dựng cơ cấu giống lúa phù hợp cho từng vùng và tiểu vùng sinh thái đảm bảo phục vụ cho xuất khẩu và tiêu dùng nội địa.

- Tăng tỷ lệ sử dụng giống lúa cấp xác nhận, giống lúa chất lượng cao, lúa thơm đặc sản.

- Thúc đẩy hoạt động phối hợp Viện, Trường, Trung tâm nghiên cứu trong nghiên cứu và chuyển giao công nghệ mới, nâng cao công tác cải tạo giống; lai tạo, chọn giống mới, công nhận giống lúa mới đặc trưng cho Đồng Tháp giai đoạn 2025 - 2030, hướng tới nguồn giống chất lượng cao, đồng thời bảo tồn các giống truyền thống, giống đặc hữu của địa phương.

- Hỗ trợ, hướng dẫn cho các hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác (THT) có đủ năng lực sản xuất giống lúa hoặc liên kết sản xuất giống lúa với các doanh nghiệp trong và ngoài Tỉnh.

c) Cơ cấu thời vụ sản xuất lúa

- Xây dựng lịch thời vụ gieo sạ lúa phù hợp theo từng vùng, tiểu vùng sinh thái trong Tỉnh theo hướng cơ cấu vùng sản xuất 2 vụ lúa, 3 vụ lúa; vùng sản xuất 2 lúa - 1 màu…

- Xây dựng kế hoạch sản xuất theo hướng luân phiên cho đất có thời gian xả lũ (ngập nước), thời gian nghỉ giữa 2 vụ kéo dài nhằm giúp cải tạo, duy trì độ phì nhiêu của đất.

[...]