Quyết định 97/QĐ-UBND năm 2023 phê duyệt Đề án Tái cơ cấu ngành lúa gạo tỉnh Phú Yên đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030

Số hiệu 97/QĐ-UBND
Ngày ban hành 08/02/2023
Ngày có hiệu lực 08/02/2023
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Phú Yên
Người ký Lê Tấn Hổ
Lĩnh vực Lĩnh vực khác

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH PHÚ YÊN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 97/QĐ-UBND

Phú Yên, ngày 08 tháng 02 năm 2023

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN TÁI CƠ CẤU NGÀNH LÚA GẠO TỈNH PHÚ YÊN ĐẾN NĂM 2025, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2030

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH PHÚ YÊN

Căn cứ Luật Tổ chức Chính quyền địa phương năm 2015; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2019;

Căn cứ các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ: Số 225/QĐ-TTg ngày 25/02/2021 về phê duyệt Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021- 2025; số 706/QĐ-TTg ngày 21/05/2015 về phê duyệt Đề án phát triển thương hiệu gạo Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; số 150/QĐ-TTg ngày 28/01/2022 về phê duyệt chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050;

Căn cứ Quyết định số 555/QĐ-BNN-TT ngày 26/01/2021 của Bộ Nông nghiệp và PTNT về phê duyệt Đề án Tái cơ cấu ngành lúa gạo Việt Nam đến năm 2025 và 2030;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT (tại Tờ trình số 322/TTr-SNN ngày 23/12/2022).

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt kèm theo Quyết định này Đề án Tái cơ cấu ngành lúa gạo tỉnh Phú Yên đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030.

Điều 2. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố và Thủ trưởng các cơ quan liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này, kể từ ngày ký./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH

PHÓ CHỦ TỊCH




Lê Tấn Hổ

 

ĐỀ ÁN

TÁI CƠ CẤU NGÀNH LÚA GẠO TỈNH PHÚ YÊN ĐẾN NĂM 2025, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2030
(Kèm theo Quyết định số 97/QĐ-UBND ngày 08 /02/2022 của UBND tỉnh Phú Yên)

I. SỰ CẦN THIẾT, CƠ SỞ PHÁP LÝ XÂY DỰNG ĐỀ ÁN

1. Sự cần thiết:

Với mục tiêu đẩy mạnh phát triển nền nông nghiệp hàng hóa theo hướng hiện đại, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, tăng sức cạnh tranh, xây dựng các vùng sản xuất hàng hóa tập trung gắn với công nghiệp chế biến và chuỗi liên kết giá trị từ sản xuất đến thị trường tiêu thụ; bảo vệ môi trường, sinh thái; khai thác, sử dụng hợp lý, hiệu quả các nguồn lực tại địa phương, phát huy lợi thế các vùng sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu. Ngành sản xuất lúa gạo của tỉnh đang tồn tại những hạn chế nhất định như sản xuất chưa đồng bộ, chưa xây dựng thương hiệu gạo của tỉnh, mức độ áp dụng cơ giới hóa và các tiến bộ khoa học kỹ thuật chưa đồng đều giữa các khâu, các vùng, cơ cấu và diện tích sản xuất giống lúa có chất lượng cao chưa nhiều… đã đặt ra những thách thức đối với việc phát triển ngành hàng lúa gạo của tỉnh trong bối cảnh hội nhập với thị trường lúa gạo trong nước và quốc tế.

Quyết định số 1696/QĐ-UBND ngày 25/9/2020 của UBND tỉnh phê duyệt kết quả rà soát, điều chỉnh Đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp tỉnh Phú Yên đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 và Kế hoạch số 91/KH-UBND ngày 11/5/2021 của UBND tỉnh về triển khai thực hiện Quyết định số 255/QĐ-TTg ngày 25/02/2021 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021-2025 đã định hướng như sau: Duy trì sử dụng ổn định 24.000 ha đất chuyên trồng lúa nước, chuyển nhanh diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng các cây trồng khác cho hiệu quả kinh tế cao hơn, tăng tỷ lệ diện tích sử dụng các giống tiến bộ kỹ thuật và các giống lúa đặc sản, áp dụng quy trình sản xuất tốt, nâng cao tỷ lệ cơ giới hóa, giảm tỷ lệ thất thoát lúa sau thu hoạch, xây dựng vùng sản xuất tập trung lúa giống và lúa thương phẩm chất lượng cao với quy mô 10.000 ha; xây dựng chuỗi giá trị lúa gạo chất lượng cao và lúa gạo đặc sản mang thương hiệu Phú Yên.

Văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Phú Yên lần thứ XVII (trang 59) có nêu: “Duy trì ổn định, từng bước giảm diện tích một số cây trồng chủ lực phù hợp với quy hoạch, để tập trung nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, xây dựng vùng sản xuất tập trung; nghiên cứu nâng cao chất lượng và xây dựng thương hiệu sản phẩm gạo Phú Yên; tăng tỷ trọng lúa chất lượng cao trong tổng sản lượng lúa…”. Đồng thời, triển khai thực hiện Chương trình hành động số 03-CTr/TU ngày 14/12/2020 của Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Phú Yên lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025; Chương trình hành động số 11- CTr/TU ngày 18/8/2021 của Tỉnh ủy về tập trung đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, gắn với ứng dụng các tiến bộ khoa học và công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, phát triển sản phẩm theo chuỗi, tạo ra các sản phẩm chủ lực, có chất lượng, giá trị kinh tế.

Vì vậy, việc xây dựng Đề án “Tái cơ cấu ngành lúa gạo trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030” là rất cần thiết.

2. Cơ sở pháp lý:

- Luật Đất đai năm 2013; Luật Trồng trọt năm 2018;

- Kết luận số 81-KL/TW ngày 29/7/2020 của Bộ Chính trị về bảo đảm an ninh lương thực quốc gia đến năm 2030;

- Nghị định số 94/2019/NĐ-CP ngày 13/12/2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Trồng trọt về giống cây trồng và canh tác;

- Nghị định số 35/2015/NĐ-CP ngày 13/4/2015 của Chính phủ về quản lý, sử dụng đất trồng lúa;

- Nghị định số 62/2019/NĐ-CP ngày 11/7/2019 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 35/2015/NĐ-CP ngày 13/4/2015 của Chính phủ;

- Nghị định số 57/2018/NĐ-CP ngày 17/4/2018 của Chính phủ về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp;

[...]