Kế hoạch 24/KH-UBND 2023 thực hiện “Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030” trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa

Số hiệu 24/KH-UBND
Ngày ban hành 13/02/2023
Ngày có hiệu lực 13/02/2023
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Thanh Hóa
Người ký Đỗ Minh Tuấn
Lĩnh vực Công nghệ thông tin

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THANH HÓA
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 24/KH-UBND

Thanh Hóa, ngày 13 tháng 02 năm 2023

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN “ĐỀ ÁN PHÁT TRIỂN ỨNG DỤNG DỮ LIỆU VỀ DÂN CƯ, ĐỊNH DANH VÀ  XÁC THỰC ĐIỆN TỬ, PHỤC VỤ CHUYỂN ĐỔI SỐ QUỐC GIA GIAI ĐOẠN 2022 - 2025,  TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2030” TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH THANH HÓA NĂM 2023

Thực hiện Thông báo số 16/TB-VPCP ngày 28/01/2023 của Văn phòng Chính phủ về Kết luận Hội nghị sơ kết 01 năm triển khai “Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030” (Đề án 06) và tổng kết hoạt động của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số năm 2022; UBND tỉnh Thanh Hóa xây dựng kế hoạch thực hiện Đề án 06 như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Tổ chức quán triệt, triển khai kịp thời, đồng bộ, hiệu quả các chủ trương, mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ và giải pháp của Đề án 06 trong năm 2023 và những năm tiếp theo; tạo sự thống nhất trong nhận thức và hành động của cấp ủy, thủ trưởng các đơn vị, địa phương từ tỉnh đến cơ sở trong công tác triển khai thực hiện.

2. Tập trung phấn đấu hoàn thành các mục tiêu tổng quát, mục tiêu cụ thể trong ứng dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (CSDLQG về DC), hệ thống định danh và xác thực điện tử, thẻ Căn cước công dân gắn chíp điện tử (CCCD) để phục vụ 05 nhóm tiện ích: (1) Phục vụ giải quyết thủ tục hành chính và cung cấp dịch vụ công trực tuyến; (2) Phục vụ phát triển kinh tế, xã hội; (3) Phục vụ công dân số; (4) Hoàn thiện hệ sinh thái phục vụ kết nối, khai thác, bổ sung làm giàu dữ liệu dân cư; (5) Phục vụ chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo các cấp.

3. Xác định cụ thể các nội dung, nhiệm vụ, thời gian thực hiện, trách nhiệm hoàn thành để phân công cho các sở, ban, ngành, đơn vị, địa phương trong triển khai thực hiện Đề án 06 theo các phương châm: “Chủ động, không trông chờ chỉ đạo của cấp trên”, “làm đến đâu chắc đến đấy”, “giải quyết công việc linh hoạt, hiệu quả, khoa học”“có lộ trình thực hiện cụ thể”.

4. Phát huy vai trò, trách nhiệm của Thủ trưởng các sở, ban, ngành, đơn vị, địa phương trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo theo tiêu chí: “rõ người, rõ việc, rõ tiến độ, rõ kết quả, rõ trách nhiệm” trong triển khai thực hiện kế hoạch và trong công tác phối hợp tham mưu cho Tổ công tác triển khai Đề án 06 tỉnh triển khai các nhiệm vụ của Đề án 06.

II. NHIỆM VỤ CÔNG TÁC TRỌNG TÂM

1. Đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, huy động sự tham gia tích cực của cả hệ thống chính trị, nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp trong thực hiện Đề án 06

1.1. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền kết quả thực hiện Đề án 06, nhất là các tiện ích người dân, doanh nghiệp được hưởng trên Cổng thông tin điện tử UBND tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố, Báo Thanh Hóa, Đài Phát thanh và Truyền hình Thanh Hóa, Trang thông tin điện tử Công an tỉnh, các sở, ban, ngành, đơn vị cấp tỉnh, trên hệ thống thông tin cơ sở và các phương tiện truyền thông khác.

1.2. Đa dạng hóa các nội dung, hình thức tuyên truyền (pano, áp phích, video hướng dẫn người dân thực hiện dịch vụ công tại Bộ phận một cửa, trên màn hình led…); trong đó nêu cao tính tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, phát huy vai trò của các Tổ công tác triển khai Đề án 06 cơ sở, Tổ công nghệ số cộng đồng. Tạo mã Qrcode để người dân truy cập trung tâm hướng dẫn các nghiệp vụ về định danh, dịch vụ công.

1.3. Nâng cao công tác phối hợp giữa các sở, ban, ngành, đơn vị, địa phương trong công tác tham mưu thực hiện các nhiệm vụ của Đề án 06.

2. Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp, nhất là người đứng đầu trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ của Đề án 06

2.1. Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm, chỉ đạo, thúc đẩy, vào cuộc tích cực hơn nữa để triển khai thực hiện Đề án với quyết tâm chính trị cao, hành động quyết liệt, hiệu quả.

2.2. Tăng cường quán triệt nhận thức về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của Đề án 06 trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2030.

2.3. Có cơ chế kiểm tra, giám sát để hướng dẫn, giải đáp, khắc phục vướng mắc cho cấp cơ sở.

2.4. Sử dụng kết quả triển khai, thực hiện các nhiệm vụ của Đề án 06 là một trong những tiêu chí để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của Thủ trưởng các sở, ban, ngành, đơn vị, địa phương.

3. Tiếp tục hoàn thiện thể chế, tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho việc triển khai các nội dung của Đề án 06, nhất là đối với những nội dung mới chưa có tiền lệ

3.1. Chủ động rà soát, đề xuất hoàn thiện hành lang pháp lý, nhất là xây dựng quy trình, quy định để thực hiện chuyển đổi phương thức hoạt động từ thủ công sang công nghệ hiện đại, trong đó ưu tiên tập trung xây dựng, sửa đổi bổ sung nhanh nhất các văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND tỉnh phục vụ triển khai Đề án 06, nhất là các văn bản phục vụ triển khai dịch vụ công trực tuyến, văn bản về định danh và xác thực điện tử.

3.2. Các sở, ban, ngành, đơn vị, địa phương chỉ đạo hoặc tham mưu cấp có thẩm quyền chỉ đạo giải quyết dứt điểm các trường hợp vướng mắc để giải quyết thủ tục hành chính cho người dân.

4. Nâng cao hiệu quả thực hiện các dịch vụ công trực tuyến tạo thuận lợi nhất cho người dân, doanh nghiệp tham gia thực hiện

4.1. Hoàn thiện hạ tầng phục vụ thực hiện có hiệu quả các dịch vụ công trực tuyến.

4.2. Hoàn thiện quy trình nghiệp vụ, số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính đã cung cấp trên môi trường mạng, kết nối các dịch vụ công trực tuyến với Cổng dịch vụ công quốc gia; rà soát, đánh giá và tái cấu trúc toàn bộ các dịch vụ công đã cung cấp trên Cổng dịch vụ công quốc gia bảo đảm đáp ứng nguyên tắc lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm.

4.3. Tập trung công tác số hóa kết quả công tác giải quyết thủ tục hành chính để tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, đảm bảo không yêu cầu người dân, doanh nghiệp cung cấp thông tin nhiều lần khi thực hiện các thủ tục hành chính, trong đó đẩy nhanh việc số hóa dữ liệu hộ tịch của ngành Tư pháp, dữ liệu đất đai của ngành Tài nguyên và Môi trường, dữ liệu thông tin thuê bao điện thoại,... nhằm hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu dùng chung của tỉnh.

4.4. Tập trung hoàn thành và triển khai 53 dịch vụ công thiết yếu (25 dịch vụ công tại Đề án 06 và 28 dịch vụ công tại Quyết định 442/QĐ-TTg ngày 04/4/2022 của Thủ tướng Chính phủ), nhất là 10 dịch vụ công đã quá hạn trong năm 2022.

4.5. Chủ động hướng dẫn, tổ chức triển khai số hóa, cung cấp dịch vụ công trực tuyến. Tập trung triển khai các giải pháp nâng cao tỷ lệ người dân sử dụng các dịch vụ công trực tuyến; thường xuyên đánh giá kết quả thực hiện thông qua mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp.

5. Tập trung xây dựng, hoàn thiện các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành, kết nối dùng chung, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh

[...]