Kế hoạch 228/KH-UBND năm 2021 thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh năm 2022

Số hiệu 228/KH-UBND
Ngày ban hành 24/11/2021
Ngày có hiệu lực 24/11/2021
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Quảng Ninh
Người ký Nguyễn Thị Hạnh
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NINH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 228/KH-UBND

Quảng Ninh, ngày 24 tháng 11 năm 2021

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG NINH NĂM 2022

Căn cứ Nghị định số 07/2021/NĐ-CP ngày 27/01/2021 của Chính phủ Quy định chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025; Hướng dẫn số 3486/LĐTBXH-VPQGGN ngày 06/10/2021 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Về việc xây dựng kế hoạch năm 2022 thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025; theo đề nghị của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tại Tờ trình số 3982/TTr-LĐTBXH ngày 15/11/2021, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2022 trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, gồm những nội dung như sau:

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu tổng quát

Thực hiện đồng bộ, hiệu quả các chính sách giảm nghèo để cải thiện điều kiện sống của người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo; tạo điều kiện để hộ nghèo, hộ cận nghèo được tiếp cận ngày càng thuận lợi hơn với các dịch vụ xã hội cơ bản. Thông qua các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện về công tác giảm nghèo, góp phần thu hẹp khoảng cách chênh lệch về mức sống giữa thành thị và nông thôn, giữa các vùng, các dân tộc và các nhóm dân cư.

2. Mục tiêu cụ thể

- 100% hộ nghèo, hộ cận nghèo được ưu tiên vay vốn tín dụng ưu đãi để đầu tư sản xuất, phát triển kinh tế.

- 100% người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo được cấp thẻ BHYT.

- 100% học sinh, sinh viên thuộc hộ nghèo, cận nghèo được miễn giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập.

- 100% cán bộ làm công tác giảm nghèo các cấp được tập huấn nâng cao năng lực, phổ biến chính sách về giảm nghèo.

- Giảm tối thiểu 400 hộ nghèo, tỷ lệ giảm trung bình là 0,11%; giảm 1.200 hộ cận nghèo, tỷ lệ giảm trung bình là 0,35%.

- Đến hết năm 2022, có 12/12 thôn, bản đặc biệt khó khăn của tỉnh theo tiêu chí mới đạt tiêu chí hoàn thành Chương trình 135, ra khỏi diện đặc biệt khó khăn.

II. NỘI DUNG THỰC HIỆN

1. Đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo

a) Mục tiêu: Hỗ trợ đa dạng hóa sinh kế, xây dựng, phát triển các mô hình giảm nghèo, dự án giảm nghèo để tạo việc làm, sinh kế bền vững, có thu nhập tốt, nâng cao chất lượng cuộc sống và thích ứng với biến đổi khí hậu, dịch bệnh cho người nghèo; góp phần thực hiện mục tiêu chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, phát huy các giá trị văn hóa của dân tộc, thế mạnh của vùng, địa phương.

b) Đối tượng

- Người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo (trong vòng 36 tháng kể từ thời điểm thoát nghèo), người khuyết tật (không có sinh kế ổn định) ưu tiên hỗ trợ hộ nghèo dân tộc thiểu số, hộ nghèo cỏ thành viên là người có công với cách mạng và phụ nữ thuộc hộ nghèo.

- Cá nhân, tổ chức, hộ gia đình, tổ, nhóm hợp tác, hợp tác xã, doanh nghiệp; cơ sở đào tạo, cơ sở giáo dục nghề nghiệp; cơ sở sản xuất, kinh doanh khác. Xây dựng, nhân rộng, phát triển mô hình giảm nghèo, khởi nghiệp kinh doanh nhằm tạo việc làm, sinh kế, tăng thu nhập và chuyển giao khoa học, công nghệ, kỹ thuật, mô hình giảm nghèo cho người nghèo.

c) Nội dung hỗ trợ

- Hỗ trợ thí điểm, xây dựng, phát triển, nhân rộng các mô hình giảm nghèo, dự án giảm nghèo tổ chức sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, thương mại, du lịch (thông qua các hình thức như hợp tác xã, tổ hợp tác, tổ tự quản, tổ thoát nghèo, doanh nghiệp, cơ sở đào tạo, cơ sở giáo dục nghề nghiệp hoặc mô hình khác) để tạo việc làm, sinh kế bền vững, có thu nhập tốt cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, người khuyết tật.

- Đào tạo, tập huấn, hướng dẫn, thuê chuyên gia/cán bộ kỹ thuật/người có tay nghề cao; chuyển giao kỹ thuật, khoa học, công nghệ và mô hình kinh doanh; xây dựng mô hình giảm nghèo, vay vốn tín dụng ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội; hỗ trợ trang thiết bị, vật tư, công cụ, nhà xưởng sản xuất và điều kiện cơ sở vật chất phục vụ sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu; hỗ trợ kinh phí, đặt hàng, giao nhiệm vụ xây dựng, phát triển, nhân rộng mô hình giảm nghèo và các nội dung hỗ trợ khác theo quy định của pháp luật.

- Xây dựng các mô hình tư vấn, giới thiệu việc làm cho lao động trên địa bàn tỉnh, ưu tiên địa bàn các thôn đặc biệt khó khăn và các xã, thôn mới ra khỏi diện đặc biệt khó khăn.

2. Hỗ trợ phát triển sản xuất, cải thiện dinh dưỡng

2.1. Hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp

a) Mục tiêu: Hỗ trợ phát triển sản xuất để bảo đảm an ninh lương thực và đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng cho người dân tại các vùng khó khăn. Hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp (nông, lâm, ngư, diêm nghiệp) cho người nghèo theo hướng sản xuất hàng hóa, gắn sản xuất với chế biến, tiêu thụ, nâng cao chất lượng sản phẩm.

b) Đối tượng: Hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo (trong vòng 36 tháng), người khuyết tật (không có sinh kế ổn định); ưu tiên hỗ trợ hộ nghèo dân tộc thiểu số, hộ nghèo có thành viên là người có công với cách mạng và trẻ em, phụ nữ thuộc hộ nghèo.

c) Nội dung

[...]