Chủ nhật, Ngày 27/10/2024

Kế hoạch 211/KH-UBND năm 2021 về triển khai các giải pháp thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa thời điểm sau dịch COVID-19 do tỉnh Lạng Sơn ban hành

Số hiệu 211/KH-UBND
Ngày ban hành 25/10/2021
Ngày có hiệu lực 25/10/2021
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Lạng Sơn
Người ký Đoàn Thu Hà
Lĩnh vực Thương mại,Xuất nhập khẩu,Thể thao - Y tế

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LẠNG SƠN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 211/KH-UBND

Lạng Sơn, ngày 25 tháng 10 năm 2021

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI CÁC GIẢI PHÁP THÚC ĐẨY XUẤT KHẨU HÀNG HÓA THỜI ĐIỂM SAU DỊCH COVID-19

Thực hiện Công văn số 6802/VPCP-KTTH ngày 23/9/2021 của Văn phòng Chính phủ về việc khôi phục chuỗi cung ứng xuất khẩu và đẩy mạnh xúc tiến xuất khẩu nông, lâm, thủy sản sau COVID-19, UBND tỉnh Lạng Sơn ban hành Kế hoạch triển khai các giải pháp thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa thời điểm sau dịch COVID-19 như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Quán triệt các nội dung chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ ngành trung ương về việc khôi phục chuỗi cung ứng xuất khẩu và đẩy mạnh xúc tiến xuất khẩu hàng hóa sau COVID-19, trong đó ưu tiên nhóm hàng nông, lâm, thủy sản.

- Chuẩn bị các điều kiện khôi phục, thúc đẩy xuất nhập khẩu hàng hóa, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong bối cảnh công tác kiểm soát dịch tại các tỉnh, thành phía Nam đã có những dấu hiệu tích cực.

- Trên cơ sở tình hình thực tế sau dịch COVID-19 và các nhiệm vụ tại các Chương trình, Kế hoạch, Đề án của tỉnh có nội dung liên quan[1] phân công nhiệm vụ cho các sở, ban, ngành, đơn vị, UBND các huyện và thành phố trong việc nghiên cứu, tham mưu, triển khai các nội dung, nhiệm vụ theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ về hỗ trợ doanh nghiệp triển khai tổ chức sản xuất, khôi phục chuỗi cung ứng xuất khẩu để khai thác hiệu quả cơ hội từ thị trường xuất khẩu trong thời gian tới.

2. Yêu cầu

- Các sở, ban, ngành, UBND các huyện và thành phố có trách nhiệm nghiên cứu, tham mưu và tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện nhiệm vụ, giải pháp nhằm xúc tiến xuất khẩu hàng hóa của các tỉnh qua địa bàn tỉnh Lạng Sơn, trong đó có các mặt hàng xuất khẩu của tỉnh Lạng Sơn giai đoạn sau COVID-19, ưu tiên nhóm hàng nông, lâm, thủy sản.

- Bảo đảm sự phối hợp thường xuyên, hiệu quả trong việc tổ chức thực hiện Kế hoạch của UBND tỉnh.

II. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP

1. Rà soát, đề xuất, hoàn thiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ, nâng cao chất lượng sản phẩm nông, lâm, thủy sản phục vụ xuất khẩu

Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị định số 98/2018/NĐ-CP ngày 05/7/2018 của Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; Chỉ thị số 26/CT-TTg ngày 21/9/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc thúc đẩy sản xuất, lưu thông, tiêu thụ và xuất khẩu nông sản trong bối cảnh phòng, chống dịch COVID-19; Nghị quyết số 08/2019/NQ-HĐND ngày 10/12/2019 của HĐND tỉnh về chính sách đặc thù khuyến khích đầu tư, phát triển hợp tác, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2020-2025, Nghị quyết số 15/2021/NQ-HĐND ngày 17/7/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 08/2019/NQ-HĐND ngày 10/12/2019 của HĐND tỉnh. Rà soát các quy định của pháp luật về đất đai, thuế, khoa học và công nghệ, dịch vụ thương mại và các lĩnh vực có liên quan khác để đề xuất cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hoặc ban hành mới nhằm đẩy mạnh liên kết, hợp tác trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông sản, đặc biệt là các sản phẩm nông sản của tỉnh có thế mạnh sản xuất và tiềm năng xuất khẩu để xây dựng thương hiệu, đăng ký nhãn hiệu sản phẩm, mã số, mã vạch, truy xuất nguồn gốc,… theo các quy chuẩn quốc tế, nâng cao giá trị và tăng cường sức cạnh tranh của hàng hóa trên thị trường thế giới.

2. Theo dõi, cung cấp thông tin, cập nhật và khuyến cáo tình hình xuất nhập khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản

- Tăng cường theo dõi, nắm tình hình và cung cấp các thông tin về nhu cầu của các thị trường xuất khẩu đối tác hiện nay cũng như các thị trường xuất khẩu mới, có tiềm năng để kết nối; nắm tình hình xuất nhập khẩu và hoạt động của các cửa khẩu xuất khẩu mặt hàng nông, lâm, thủy sản bằng nhiều hình thức, giúp thương nhân, doanh nghiệp có định hướng để tổ chức phát triển sản xuất, kinh doanh hiệu quả.

- Phân tích, dự báo, khuyến cáo đến các hiệp hội, ngành hàng, doanh nghiệp, hợp tác xã, người dân về nhu cầu tiêu thụ nông, lâm, thủy sản của các nước đối tác, đặc biệt là Trung Quốc nhằm tận dụng các lợi thế để thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa nông, lâm, thủy sản; nắm thông tin các hàng rào kỹ thuật trong thương mại (SPS), tiêu chuẩn về các biện pháp kiểm dịch động thực vật (TBT) tại các nước nhập khẩu để hạn chế rủi ro trong xuất nhập khẩu hàng hoá.

- Biên soạn và hệ thống các tài liệu về khả năng sản xuất, thổ nhưỡng, năng lực chế biến, bảo quản,… về hàng hóa nông, lâm, thuỷ sản của tỉnh để giới thiệu phục vụ các đoàn khảo sát thị trường trong nước và quốc tế, các doanh nghiệp, các nhà đầu tư đang có nhu cầu tìm hiểu đầu tư, hợp tác thương mại tại tỉnh Lạng Sơn.

- Thực hiện một số chương trình quảng bá, giới thiệu về sản phẩm có lợi thế so sánh của tỉnh trên các phương tiện thông tin đại chúng[2]; phát hành các ấn phẩm về nghiên cứu thị trường xuất khẩu truyền thống và thị trường xuất khẩu tiềm năng với một số chủ đề như: giới thiệu về thị trường, thị hiếu tiêu dùng, những mặt hàng xuất khẩu được sản xuất trong tỉnh có lợi thế, cách thức tiếp cận thị trường, cách đàm phán, ký kết hợp đồng kinh tế, phương thức thanh toán, những rào cản kỹ thuật, địa chỉ cần liên hệ với những cơ quan hỗ trợ cho việc xuất khẩu.

3. Công tác hỗ trợ, xúc tiến thương mại

3.1. Tổ chức hội chợ, triển lãm xúc tiến xuất khẩu hàng hóa trong nước

- Đẩy mạnh các hoạt động kết nối cung cầu, xúc tiến thương mại thông qua các chương trình hợp tác, các hội nghị, hội chợ kết nối giao thương; liên kết, ký kết các biên bản ghi nhớ với các tỉnh, thành phố trong cả nước, tạo điều kiện để quảng bá các sản phẩm nông sản, thực phẩm an toàn tỉnh Lạng Sơn nhằm mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm.

- Hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã trong tỉnh tham gia hội chợ, triển lãm trong nước và quốc tế, điểm bán hàng Việt trên địa bàn tỉnh; tăng cường quảng bá các doanh nghiệp, các sản phẩm và các loại hình dịch vụ của tỉnh, tổ chức các cuộc gặp gỡ, giao thương, học hỏi kinh nghiệm trong việc nâng cao chất lượng sản phẩm, thương hiệu và khả năng cạnh tranh, đầu tư, sản xuất kinh doanh, liên doanh, liên kết, kích cầu tiêu dùng, tìm kiếm và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm.

- Hỗ trợ các doanh nghiệp trong tỉnh tham gia một số hội chợ có uy tín mang tầm quốc gia, quốc tế[3].

3.2. Tổ chức tham gia hội chợ, triển lãm và khảo sát trị trường quốc tế

- Tổ chức cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hàng nông, lâm, thủy sản xuất khẩu trên địa bàn tỉnh tham gia hội chợ, triển lãm quốc tế, khảo sát và tìm hiểu mở rộng thị trường, đặc biệt là các thị trường truyền thống đối với hàng nông, lâm, thủy sản của tỉnh gồm: các nước ASEAN, Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc,....; tiếp tục phối hợp với Chính quyền nhân dân thị Bằng Tường, Quảng Tây, Trung Quốc để tổ chức Hội chợ thương mại quốc tế Việt - Trung luân phiên. Ngoài ra, tăng cường mở rộng, kết nối và khảo sát các thị trường tiềm năng như: EU, châu Mỹ, Trung Đông, châu Phi, thị trường Trung cận Đông, Nam Á, Mexico, Canada, Ấn Độ, Australia.

- Vận động các doanh nghiệp sản xuất các mặt hàng nông, lâm, thủy sản thế mạnh của tỉnh tham gia các hội chợ triển lãm quốc tế để quảng bá và xây dựng hình ảnh, thương hiệu của sản phẩm.

3.3. Xúc tiến thương mại, xuất khẩu hàng hóa thông qua sàn thương mại điện tử

[...]