Kế hoạch 97/KH-UBND năm 2021 thực hiện Đề án "Đổi mới phương thức kinh doanh tiêu thụ nông sản giai đoạn 2021 -2025, định hướng đến năm 2030" do tỉnh Lạng Sơn ban hành

Số hiệu 97/KH-UBND
Ngày ban hành 28/04/2021
Ngày có hiệu lực 28/04/2021
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Lạng Sơn
Người ký Đoàn Thu Hà
Lĩnh vực Thương mại

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LẠNG SƠN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 97/KH-UBND

Lạng Sơn, ngày 28 tháng 4 năm 2021

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN ĐỀ ÁN “ĐỔI MỚI PHƯƠNG THỨC KINH DOANH TIÊU THỤ NÔNG SẢN GIAI ĐOẠN 2021-2025, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030”

Thực hiện Quyết định số 194/QĐ-TTg ngày 09/02/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án "Đổi mới phương thức kinh doanh tiêu thụ nông sản giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030" (sau đây gọi tắt là Đề án), UBND tỉnh Lạng Sơn ban hành kế hoạch triển khai thực hiện như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

Tuyên truyền, phổ biến và triển khai thực hiện kịp thời, hiệu quả Đề án “Đổi mới phương thức kinh doanh tiêu thụ nông sản giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030” ban hành kèm theo Quyết định số 194/QĐ-TTg ngày 09/02/2021 của Thủ tướng Chính phủ gắn với thực hiện các đề án, nghị quyết, kết luận, kế hoạch của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội tỉnh giai đoạn 2021 - 2025.

2. Yêu cầu

- Cụ thể hóa các nhiệm vụ của Đề án phù hợp với tình hình thực tế của tỉnh, gắn với trách nhiệm thực hiện của từng sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố, các cơ quan, đơn vị có liên quan, đồng thời đảm bảo tính khả thi và hiệu quả thực tế.

- Việc triển khai kế hoạch phải được thực hiện đồng bộ, phát huy hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh của tỉnh để hình thành và phát triển đa dạng những hình thức kinh doanh tiêu thụ nông sản theo chuỗi bền vững; thường xuyên kiểm tra, giám sát, kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện.

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

- Hình thành và phát triển đa dạng các phương thức kinh doanh tiêu thụ nông sản theo chuỗi bền vững có ứng dụng thương mại điện tử và truy xuất nguồn gốc, phù hợp với điều kiện tự nhiên, trình độ, đặc điểm của sản xuất nông nghiệp và yêu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu.

- Củng cố và phát triển mô hình hợp tác xã thương mại và dịch vụ với vai trò như một trung gian cần thiết giữa người nuôi, trồng với các doanh nghiệp sản xuất, chế biến, phân phối và ngân hàng, để tổ chức cung ứng đầu vào và tiêu thụ đầu ra cho nông dân.

- Xây dựng cơ chế ràng buộc, gắn kết giữa các chủ thể chính trong kênh tiêu thụ nông sản nhằm khuyến khích các chủ thể liên kết hữu cơ với nhau từ khâu cung ứng vật tư, sản xuất, chế biến, đến tiêu thụ sản phẩm nông sản.

- Tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại, phát triển thị trường trong nước, đẩy mạnh xuất khẩu và phát triển thương mại nông thôn miền núi, biên giới, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc; góp phần nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX), cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh.

2. Mục tiêu cụ thể đến năm 2025, định hướng đến 2030

- Phấn đấu đến năm 2025, xây dựng được 25 chuỗi giá trị trong sản xuất nông nghiệp, 4 chỉ dẫn địa lý, 20 nhãn hiệu tập thể hoặc nhãn hiệu chứng nhận cho các sản phẩm của tỉnh.

- Giai đoạn 2021-2025 thu hút đầu tư xây mới, cải tạo trên 20 chợ (mỗi huyện, thành phố phấn đấu thu hút đầu tư xây mới, cải tạo, nâng cấp từ 02 - 03 chợ trên địa bàn), 03 trung tâm thương mại, 05 siêu thị, 01 trung tâm hội chợ triển lãm thương mại tại thành phố Lạng Sơn, 01 trung tâm dịch vụ logistics vệ tinh cấp tỉnh tại Khu trung chuyển hàng hóa gắn với xây dựng kho ngoại quan dự trữ, chế biến, bảo quản nông sản và các dịch vụ hỗ trợ xuất khẩu ở khu vực cửa khẩu nhằm chủ động thị trường và giá nông sản xuất khẩu.

- Đến năm 2030, tiếp tục thu hút đầu tư, cải tạo, nâng cấp và hoàn thiện hệ thống hạ tầng thương mại gắn với phát triển kinh tế ban đêm, quảng bá giới thiệu sản phẩm nông sản vùng miền, đặc biệt là các sản phẩm OCOP của tỉnh; tiếp tục đầu tư xây dựng, nâng cấp để hoàn thiện hạ tầng khu vực cửa khẩu, các dự án Khu trung chuyển hàng hóa, Khu chế xuất 1, Khu phi thuế quan theo hướng hiện đại, đáp ứng nhu cầu xuất nhập khẩu nông sản, hoa quả ngày càng cao giữa Việt Nam và Trung Quốc.

III. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP

1. Nhiệm vụ

1.1. Đẩy mạnh truyền thông, nâng cao nhận thức của tổ chức, cá nhân về đổi mới phương thức kinh doanh tiêu thụ nông sản.

1.2. Rà soát, hoàn thiện chính sách về phát triển liên kết sản xuất tiêu thụ nông sản và chính sách phát triển kết cấu hạ tầng thương mại.

1.3. Tăng cường quản lý chặt chẽ quy trình sản xuất an toàn và kiểm tra chất lượng sản phẩm trước khi bán ra thị trường; tùy theo quy mô, điều kiện, khả năng của doanh nghiệp để vận dụng các kênh liên kết tiêu thụ nông sản theo cấu trúc phù hợp, bảo đảm nông sản được tiêu thụ trong chuỗi đáp ứng tiêu chuẩn trong nước và tiêu chuẩn của các nước nhập khẩu, làm cơ sở để định hướng sản xuất nông sản theo yêu cầu của thị trường.

1.4. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý quy trình sản xuất và kiểm tra chất lượng sản phẩm.

1.5. Hoàn thiện kết cấu hạ tầng thương mại nhằm tạo điều kiện tiêu thụ các sản phẩm nông sản thuận lợi cho lưu chuyển hàng hóa và bảo quản, tiêu thụ nông sản trong nước và xuất khẩu.

1.6. Chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đặc biệt là các doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất, kinh doanh nông sản về kinh nghiệm, kỹ năng quản trị, kinh doanh nông sản.

1.7. Tăng cường công tác nghiên cứu thị trường, cung cấp thông tin về cung - cầu nông sản; chú trọng hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản.

[...]