Kế hoạch 01/KH-UBND năm 2022 triển khai giải pháp thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa giai đoạn sau dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh Trà Vinh

Số hiệu 01/KH-UBND
Ngày ban hành 05/01/2022
Ngày có hiệu lực 05/01/2022
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Trà Vinh
Người ký Nguyễn Trung Hoàng
Lĩnh vực Xuất nhập khẩu,Thể thao - Y tế

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH TRÀ VINH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 01/KH-UBND

Trà Vinh, ngày 05 tháng 01 năm 2022

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI CÁC GIẢI PHÁP THÚC ĐẨY XUẤT KHẨU HÀNG HÓA GIAI ĐOẠN SAU DỊCH COVID-19 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH TRÀ VINH

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành tại Công văn số 6802/VPCP-KTTH ngày 23/9/2021 của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ về việc khôi phục chuỗi cung ứng xuất khẩu và đẩy mạnh xúc tiến xuất khẩu nông, lâm, thủy sản sau COVID-19;

Ủy ban nhân dân tỉnh Trà Vinh ban hành Kế hoạch triển khai các giải pháp thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa giai đoạn sau dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh Trà Vinh, cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

- Quán triệt các nội dung chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương về việc khôi phục chuỗi cung ứng xuất khẩu và đẩy mạnh xúc tiến xuất khẩu hàng hóa giai đoạn sau dịch COVID-19 gắn với thực hiện các chương trình, kế hoạch, đề án của tỉnh đã ban hành có nội dung liên quan([1]).

- Xác định cụ thể các mặt hàng xuất khẩu có tiềm năng, sản phẩm chủ lực quốc gia, sản phẩm chủ lực cấp tỉnh đề ra giải pháp nhằm phát triển sản xuất, thúc đẩy xuất khẩu giai đoạn sau dịch COVID-19, trong đó ưu tiên nhóm hàng nông, thủy sản.

- Cụ thể hóa các nhiệm vụ phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương, gắn với trách nhiệm thực hiện của từng Sở, ban, ngành tỉnh có liên quan và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố; đồng thời đảm bảo tính khả thi và hiệu quả.

- Triển khai thực hiện đảm bảo hiệu quả, phù hợp với tình hình thực tiễn của tỉnh; nâng cao trách nhiệm, tinh thần phối hợp của các cấp, các ngành trong triển khai thực hiện Kế hoạch này; thu hút sự tham gia của các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh.

II. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP

1. Tập trung phát triển vùng nguyên liệu an toàn

- Lúa gạo: Năm 2022, sản lượng lúa ước đạt 1,14 triệu tấn, tăng 2,92%. Giai đoạn 2021 - 2025 nâng cao hiệu quả sử dụng đất trồng lúa, giữ ổn định khoảng 80 ngàn ha đất trồng lúa; diện tích gieo trồng khoảng 200 ngàn ha, sản lượng đạt khoảng 1,15 triệu tấn thóc/năm góp phần cung cấp nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Nâng tỷ lệ diện tích gieo trồng lúa chất lượng cao trong tổng diện tích gieo trồng lúa từ 70% trở lên; tỷ lệ sử dụng giống xác nhận lên khoảng 90%. Đẩy mạnh phát triển sản xuất lúa hữu cơ, lúa sạch và đa dạng các sản phẩm chế biến từ gạo và phụ phẩm của lúa gạo (rơm, rạ, trấu, cám) để tăng giá trị gia tăng. Phát triển vùng sản xuất trọng điểm lúa gạo tại các huyện Càng Long, Châu Thành, Cầu Ngang, Tiểu Cần, Trà Cú và Cầu Kè.

- Cây dừa: Năm 2022, sản lượng dừa ước đạt 309,6 ngàn tấn, tăng 6,5%. Giai đoạn 2021 - 2025 giữ ổn định diện tích khoảng 24 ngàn ha, sản lượng khoảng 350 ngàn tấn, tập trung trồng mới, cải tạo vườn dừa bị lão hóa với các giống có năng suất, chất lượng cao như dâu xanh, dâu vàng, xiêm xanh đạt tiêu chuẩn VietGap và hữu cơ, tập trung phát triển trên địa bàn các huyện Càng Long, Tiểu Cần, Châu Thành, Trà Cú, Cầu Kè và thành phố Trà Vinh. Phát triển dừa sáp đặc sản với quy mô vừa phải với diện tích khoảng 400 ha, tập trung phát triển trên địa bàn các huyện Càng Long, Cầu Kè, Tiểu Cần và Châu Thành.

- Cây ăn quả: Năm 2022, sản lượng ước đạt 263,47 ngàn tấn, tăng 9,31%, tập trung phát triển một số loại cây ăn quả có lợi thế của tỉnh như bưởi da xanh, cam sành, xoài, quýt đường, thanh long ruột đỏ, măng cụt,... duy trì và phát triển các loại cây ăn trái đạt chứng nhận VietGAP hoặc GlobalGAP, sản xuất theo hướng hữu cơ, an toàn; khuyến khích nông dân trồng mới, nâng cấp, cải tạo vườn tạp và vườn kém hiệu quả để trồng các loại cây ăn trái có giá trị kinh tế và thị trường tiêu thụ. Phấn đấu đến năm 2025 diện tích trồng đạt 20 ngàn ha, sản lượng 296 ngàn tấn, tập trung ở các huyện Càng Long, Cầu Kè, Tiểu Cần, Châu Thành, Trà Cú và thành phố Trà Vinh. Mở rộng liên kết vùng, rải vụ thu hoạch; phát triển mạnh các vùng sản xuất cây ăn quả tập trung gắn với phát triển nhà máy chế biến các sản phẩm từ trái cây xuất khẩu.

- Tôm: Năm 2022, sản lượng tôm ước đạt 75,5 ngàn tấn. Dự kiến đến cuối năm 2025, diện tích nuôi là 29,5 ngàn ha, sản lượng khoảng 85,74 ngàn tấn, cụ thể: (1) Tôm thẻ chân trắng: Phát triển sản xuất theo hình thức thâm canh sử dụng chế phẩm sinh học, áp dụng quy trình thực hành nuôi tốt (VietGAP), dự kiến năm 2025, diện tích nuôi là 12 ngàn ha và sản lượng 74,24 ngàn tấn tập trung ở các huyện và thị xã ven biển, trong đó: Nuôi thâm canh mật độ cao quy mô năm 2025 khoảng 01 ngàn ha tập trung phát triển trên địa bàn các huyện Duyên Hải, Cầu Ngang, Châu Thành, Trà Cú và thị xã Duyên Hải. Tăng cường chế biến sâu, đa dạng sản phẩm đáp ứng yêu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu; (2) Tôm sú: Dự kiến đến năm 2025, diện tích nuôi còn 17,5 ngàn ha và sản lượng 11,5 ngàn tấn, trong đó: Nuôi theo hình thức thâm canh và bán thâm canh giữ ổn định khoảng 6,3 ngàn ha, tập trung ở các huyện Cầu Ngang, Châu Thành, Duyên Hải và thị xã Duyên Hải. Tiếp tục duy trì và nhân rộng các mô hình nuôi an toàn sinh học, bảo vệ môi trường sinh thái như: Mô hình tôm - lúa, diện tích khoảng 5,5 ngàn ha, ở các huyện Châu Thành, cầu Ngang và Duyên Hải; tôm - rừng (tôm đạt chứng nhận sinh thái xuất khẩu) khoảng 5,7 ngàn ha, ở các huyện Duyên Hải và thị xã Duyên Hải.

- Cá tra: Năm 2022, sản lượng ước đạt 4,5 ngàn tấn. Dự kiến đến cuối năm 2025, diện tích nuôi là 70 ha, sản lượng khoảng 25 ngàn tấn, thâm canh phát triển ở các huyện Cầu Kè, Tiểu Cần, Châu Thành và thành phố Trà Vinh. Tăng cường chế biến sâu, đa dạng sản phẩm chế biến từ cá tra để tạo ra các sản phẩm có giá trị gia tăng cao.

- Thịt heo: Năm 2022, sản lượng thịt heo hơi ước đạt 76 ngàn tấn, tăng 8,25%. Tập trung các nguồn lực để khống chế triệt để dịch tả heo Châu Phi, khuyến khích tái đàn ở những địa phương đảm bảo an toàn sinh học, đáp ứng đủ điều kiện; phát triển chăn nuôi heo với các giống ngoại, heo lai hướng nạc bằng các giống Yorkshire, Landrace, Duroc và heo lai nhiều nhóm máu,... Phát triển chăn nuôi heo theo hướng trang trại công nghiệp; tăng đàn heo chăn nuôi theo hướng hữu cơ, an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, ứng dụng công nghệ cao; phát triển hệ thống giết mổ hiện đại, bảo đảm an toàn dịch bệnh và an toàn thực phẩm gắn với vùng chăn nuôi tập trung. Phấn đấu đến năm 2025 khoảng 400 ngàn con; trong đó, đàn heo nái chiếm khoảng 10%; đàn heo nuôi trang trại, công nghiệp chiếm trên 40%; sản lượng thịt khoảng 60 ngàn tấn tập trung ở các huyện trên địa bàn tỉnh.

- Thịt bò: Tiếp tục phát triển đàn bò thịt đa dạng sử dụng giống bò cái nền địa phương tốt, gieo tinh hoặc phối giống với bò đực ngoại chất lượng cao (Brahman, Charolais, Limousine, BBB...) để lai, cải tạo nâng cao chất lượng, tầm vóc bò địa phương. Phấn đấu đến năm 2025, 100% đàn bò thịt của tỉnh được lai nhóm máu Zêbu hoặc lai giống chuyên thịt chất lượng cao tập trung ở hầu hết các huyện trong tỉnh, tổng đàn bò toàn tỉnh đạt 250 ngàn con, sản lượng thịt hơi đạt khoảng 16 ngàn tấn.

- Thịt và trứng gia cầm: Phát triển chăn nuôi gia cầm theo hướng trang trại, công nghiệp chiếm từ 30% và chăn thả, hướng chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh; chú ý phát triển các giống gà địa phương, vịt thịt chất lượng cao. Phấn đấu đến năm 2025 là 08 triệu con và tổng sản lượng thịt gia cầm hơi xuất chuồng khoảng 21 ngàn tấn và sản lượng trứng các loại khoảng 160 triệu quả/năm.

2. Hỗ trợ tiếp cận chính sách xúc tiến thương mại, chính sách tín dụng cho các dự án nông nghiệp, khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp

- Hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất kinh doanh tiếp cận các chính sách của tỉnh để xúc tiến thương mại mở rộng thị trường tiêu thụ theo Nghị quyết số 11/2016/NQ-HĐND ngày 08/12/2016 của Hội đồng nhân dân tỉnh quy định một số chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư trên địa bàn tỉnh Trà Vinh; Nghị quyết số 80/2019/NQ-HĐND ngày 12/4/2019 của Hội đồng nhân dân tỉnh về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 11/2016/NQ-HĐND ngày 08/12/2016 của Hội đồng nhân dân tỉnh quy định một số chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư trên địa bàn Trà Vinh; Quyết định số 13/2016/QĐ-UBND ngày 15/4/2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc ban hành Quy chế xây dựng, quản lý và thực hiện chương trình xúc tiến thương mại trên địa bàn tỉnh Trà Vinh; Quyết định số 14/QĐ-UBND ngày 13/8/2019 của Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Quy chế quản lý kinh phí và mức chi cho các hoạt động khuyến công trên địa bàn tỉnh Trà Vinh.

- Tiếp tục tổ chức thực hiện hiệu quả chính sách tiền tệ theo định hướng điều hành của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh ưu tiên vốn đẩy mạnh đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 09/6/2015 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn và Nghị định số 116/2018/NĐ-CP ngày 07/9/2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 09/6/2015 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; phát triển đa dạng các sản phẩm tín dụng, dịch vụ ngân hàng nhằm hỗ trợ hoạt động sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ nông sản của người dân, doanh nghiệp.

- Hỗ trợ và khuyến khích các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất kinh doanh đầu tư xây dựng kho đông lạnh, sơ chế, chế biến sâu, đa dạng các sản phẩm nông nghiệp để kéo dài thời gian bảo quản và nâng cao giá trị hàng hóa xuất khẩu; đồng thời, mời gọi doanh nghiệp đủ năng lực, nội lực, đủ tiêu chuẩn tham gia, hỗ trợ phát triển chuỗi giá trị nông sản của tỉnh.

3. Cung cấp thông tin, cập nhật và khuyến cáo tình hình xuất khẩu các mặt hàng nông, thủy sản

- Tăng cường theo dõi, nắm tình hình hoạt động của các cửa khẩu và cung cấp các thông tin, khuyến cáo về hoạt động điều tiết hàng hóa xuất khẩu mặt hàng nông, thủy sản từ nội địa lên các cửa khẩu biên giới tỉnh Lạng Sơn, Sơn La, Quảng Ninh,... thông tin nhu cầu tiêu thụ nông, lâm và thủy sản của các thị trường xuất khẩu đối tác hiện nay cũng như các thị trường xuất khẩu mà Việt Nam đã ký kết các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTA).

- Thông tin, cảnh báo các sản phẩm có nguy cơ bị điều tra áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại, gian lận xuất xứ và chuyển tải bất hợp pháp khi xuất khẩu sang thị trường ngoài nước; các hàng rào kỹ thuật đối với thương mại (TBT) và các biện pháp an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật (SPS) giúp doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất kinh doanh có định hướng để tổ chức phát triển sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu hiệu quả.

- Biên soạn quyển Sổ tay sản phẩm chủ lực Trà Vinh, Sổ tay hướng dẫn đầu tư, các tài liệu liên quan năng lực sản xuất, chế biến, bảo quản,... về hàng hóa nông, thủy sản của tỉnh để giới thiệu phục vụ các đoàn khảo sát thị trường trong nước và quốc tế, các doanh nghiệp, các nhà đầu tư đang có nhu cầu tìm hiểu đầu tư, hợp tác thương mại tại tỉnh Trà Vinh.

4. Tăng cường công tác xúc tiến thương mại, đẩy mạnh xuất khẩu

[...]