Kế hoạch 258/KH-UBND năm 2022 về xúc tiến xuất khẩu của tỉnh Hải Dương trong bối cảnh phòng, chống dịch bệnh Covid-19

Số hiệu 258/KH-UBND
Ngày ban hành 26/01/2022
Ngày có hiệu lực 26/01/2022
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Hải Dương
Người ký Lưu Văn Bản
Lĩnh vực Xuất nhập khẩu,Thể thao - Y tế

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HẢI DƯƠNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 258/KH-UBND

Hải Dương, ngày 26 tháng 01 năm 2022

 

KẾ HOẠCH

XÚC TIẾN XUẤT KHẨU CỦA TỈNH HẢI DƯƠNG TRONG BỐI CẢNH PHÒNG, CHỐNG DỊCH BỆNH COVID-19

Năm 2021, dưới sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Bộ Công Thương và các cấp, các ngành, sản xuất, tiêu thụ và xuất khẩu nông sản đạt được nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, lây lan nhanh, đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất, lưu thông, tiêu thụ, xuất khẩu nông sản, đặc biệt tại các thị trường xuất khẩu chủ yếu của Hải Dương như Trung Quốc, EU, Hoa Kỳ, Nhật Bản, ASEAN, Hàn Quốc và các thị trường tiềm năng như Canada, Anh, Mexico, Đức... khiến sức mua tại các thị trường này giảm sút; nhiều mặt hàng nông sản bị tồn đọng với khối lượng lớn, giá giảm sâu; một số chuỗi sản xuất bị đứt gãy, ảnh hưởng tới nguồn cung trong thời gian tới, đặc biệt trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.

Hải Dương là tỉnh có thế mạnh trong sản xuất rau, củ, quả các loại; trong đó, rau màu vụ Đông luôn có diện tích và sản lượng lớn nhất trong cả năm. Sản lượng một số loại rau màu chủ lực vụ Đông 2021-2022 cụ thể như:

- Cà rốt: sản lượng 50-60 nghìn tấn. Thu hoạch tháng 12 năm trước đến tháng 3 năm sau, tập trung tại Cẩm Giàng, Nam Sách, Chí Linh. Tiêu thụ chủ yếu (65-70%) qua xuất khẩu sang Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Đông, Malaixia, Thái lan và một phần (khoảng 30-35%) tiêu thụ trong nước.

- Hành, tỏi: sản lượng 90-100 nghìn tấn; thu hoạch nửa cuối tháng 1 và đầu tháng 2; tập trung tại Kinh Môn và Nam Sách. Tiêu thụ chủ yếu thị trường trong nước ở dạng ăn tươi, khoảng 10% ở dạng sấy khô cung cấp cho công nghiệp chế biến thực phẩm;

- Khoai tây: Sản lượng 12-13 nghìn tấn; thu hoạch trong tháng 1 và tháng 2 hàng năm. Thị trường tiêu thụ chủ yếu trong nước.

- Bắp cải: Sản lượng 90-100 nghìn tấn; thu hoạch từ tháng 10 đến giữa tháng 3 năm 2022. Thị trường tiêu thụ chủ yếu trong nước.

- Su hào: Sản lượng 50-60 nghìn tấn; thu hoạch từ tháng 10 đến tháng 3 năm 2022. Thị trường tiêu thụ chủ yếu trong nước.

- Cà chua: Sản lượng 12-13 nghìn tấn; thu hoạch từ tháng 10 đến tháng 3 năm 2022. Thị trường tiêu thụ chủ yếu trong nước.

Ngoài ra, Hải Dương còn có nhiều loại cây ăn quả lâu năm, nổi tiếng khác như: Vải Thiều (sản lượng 50-60 nghìn tấn); Nhãn (9-10 nghìn tấn); Ổi (45-55 nghìn tấn); Na (15-20 nghìn tấn).v.v.

Đến nay đã xây dựng được 40 vùng sản xuất theo tiêu chuẩn quốc tế (diện tích 450ha) với sản lượng đủ tiêu chuẩn xuất khẩu đi Nhật Bản, Mỹ, Úc, EU,…; diện tích sản xuất theo GAP: 6.300ha, sản lượng 40.000 tấn. Trong đó: diện tích Globalgap 61,5 ha (trong đó vải thiều 50ha, sản lượng 450 tấn; thanh long 11,5ha, sản lượng 150 tấn); diện tích VietGap 520ha, sản lượng khoảng 4.000 tấn; diện tích sản xuất theo GAP cơ bản 4.800ha, sản lượng 32.550 tấn. Tổng sản lượng trên 55.000 tấn vải và trên 10.000 tấn nhãn của toàn tỉnh đã được tiêu thụ thuận lợi. Đã có khoảng 5.000 tấn được xuất khẩu sang thị trường các nước Nhật Bản, Mỹ, Úc, EU, Singapore, Thái Lan,.... Lần đầu tiên vải thiều Hải Dương mở cửa thành công thêm nhiều thị trường mới như: Thái Lan, Anh, Canada, Ý, Pháp, Hà Lan, Bỉ, Tây Ban Nha, Đức, Thụy Sĩ, Đan Mạch và được bán trên 5 sàn thương mại điện tử Sendo.vn, Voso.Vn, VNSpost, Lazada, Alibaba… và có thêm nhiều doanh nghiệp mới tham gia xuất khẩu vải Hải Dương như công ty Kim Chính, Công ty Toàn Cầu, …

Riêng trong năm 2021, xuất sang thị trường Nhật Bản được gần 1.000 tấn, cao gấp 20 lần tổng sản lượng vải cả nước xuất khẩu đi Nhật Bản năm 2020. Đặc biệt, nhờ sản xuất theo tiêu chuẩn xuất khẩu mà giá trị vải nhãn được nâng lên, giá vải, nhãn xuất khẩu luôn ổn định và cao hơn sản xuất đại trà từ 5.000-15.000 đồng/kg. Riêng vải đạt tiêu chuẩn xuất khẩu đi nhật được bán ở thị trường Hà Nội với giá từ 80.000-120.000 đồng/kg, bán trên sàn Ladaza: 100-150.000đồng/kg.

Thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 26/CT-TTg ngày 21/9/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc thúc đẩy sản xuất, lưu thông, tiêu thụ và xuất khẩu nông sản trong bối cảnh phòng, chống dịch bệnh COVID-19; Kế hoạch số 240/KH- UBND về việc thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01/01/2021 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2021 và các chỉ thị, văn bản, chính sách của Trung ương Đảng, Chính phủ, Bộ, ngành, UBND tỉnh về tăng cường quản lý, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh phát triển toàn diện trên các lĩnh vực nhằm phục hồi sản xuất, lưu thông, tiêu thụ và xuất khẩu hàng hóa, UBND tỉnh Hải Dương ban hành Kế hoạch triển khai giải pháp xúc tiến xuất khẩu của tỉnh trong bối cảnh phòng, chống dịch bệnh Covid-19 với những nội dung như sau:

I. MỤC ĐÍCH VÀ YÊU CẦU

1. Mục đích

- Quán triệt thực hiện nội dung chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương, UBND tỉnh về việc khôi phục cung ứng xuất khẩu và đẩy mạnh xúc tiến xuất khẩu của tỉnh trong bối cảnh phòng, chống dịch bệnh Covid-19, trong đó ưu tiên nhóm hàng nông sản, lâm sản, thủy sản.

- Phân công nhiệm vụ cho các Sở, ban, ngành và chính quyền các cấp trong việc nghiên cứu, tham mưu, triển khai các nội dung, nhiệm vụ theo chỉ đạo của Chính phủ.

2. Yêu cầu

Các Sở, ban, ngành địa phương có trách nhiệm nghiên cứu, tham mưu và tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện nhiệm vụ, giải pháp nhằm xúc tiến xuất khẩu các ngành hàng của tỉnh trong bối cảnh phòng, chống dịch bệnh Covid-19, trong đó ưu tiên nhóm hàng nông sản, lâm sản và thủy sản.

Bảo đảm sự phối hợp thường xuyên, hiệu quả trong việc tổ chức thực hiện Kế hoạch của UBND tỉnh.

II. PHÂN CÔNG NHIỆM VỤ

1. Nhiệm vụ chung của các Sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố.

- Đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ xuất khẩu các sản phẩm có lợi thế về điều kiện sản xuất, khí hậu, thổ nhưỡng...; tăng tỷ trọng sản lượng sản phẩm có chất lượng cao, gia tăng giá trị sản phẩm; phù hợp với xu thế hội nhập kinh tế quốc tế.

- Tổ chức sản xuất hàng hóa quy mô tập trung, an toàn thực phẩm, có chỉ dẫn địa lý, thương hiệu sản phẩm, mã vùng trồng, tem, nhãn; đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng, kỹ thuật,… phục vụ cho chế biến, xuất khẩu. Ưu tiên thu hút đầu tư và phát triển công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến nông lâm thủy sản, sản xuất hàng xuất khẩu của tỉnh.

2. Nhiệm vụ cụ thể

2.1. Sở Công Thương

Tập trung tái cơ cấu ngành công nghiệp Hải Dương, trong đó chú trọng phát triển công nghiệp phục vụ nông nghiệp, nông thôn, gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới (công nghiệp bảo quản, chế biến sản phẩm từ nông nghiệp, công nghiệp sinh học, duy trì và phát triển các làng nghề tiểu thủ công nghiệp).

[...]