Kế hoạch 199/KH-UBND năm 2020 về tổ chức thực hiện Quyết định 149/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 do tỉnh Thanh Hóa ban hành

Số hiệu 199/KH-UBND
Ngày ban hành 17/09/2020
Ngày có hiệu lực 17/09/2020
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Thanh Hóa
Người ký Nguyễn Văn Thi
Lĩnh vực Tài chính nhà nước

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THANH HÓA
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 199/KH-UBND

Thanh Hóa, ngày 17 tháng 9 năm 2020

 

KẾ HOẠCH

TỔ CHỨC THỰC HIỆN QUYẾT ĐỊNH SỐ 149/QĐ-TTG NGÀY 22/01/2020 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT CHIẾN LƯỢC TÀI CHÍNH TOÀN DIỆN QUỐC GIA ĐẾN NĂM 2025, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030

Thực hiện Quyết định số 149/QĐ-TTg ngày 22/01/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch tổ chức thực hiện, cụ thể như sau:

I. Mục tiêu

1. Mục tiêu chung

Mọi người dân và doanh nghiệp đều được tiếp cận và sử dụng an toàn, thuận tiện các sản phẩm, dịch vụ tài chính phù hợp nhu cầu, với chi phí hợp lý, do các tổ chức được cấp phép cung ứng một cách có trách nhiệm và bền vững.

2. Mục tiêu cụ thể

a) Phát triển đa dạng các tổ chức cung ứng, kênh phân phối, sản phẩm, dịch vụ tài chính do các tổ chức được cấp phép cung ứng để nâng cao khả năng tiếp cận và sử dụng các sản phẩm, dịch vụ tài chính của những người chưa được tiếp cận hoặc ít được tiếp cận với các sản phẩm, dịch vụ tài chính, như: người sống ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa; người nghèo, người có thu nhập thấp, phụ nữ và những đối tượng yếu thế khác; doanh nghiệp siêu nhỏ, hợp tác xã, hộ gia đình sản xuất kinh doanh;...

b) Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số, tăng cường đổi mới sáng tạo trong thiết kế và phân phối sản phẩm, dịch vụ tài chính theo hướng đơn giản, tiện lợi, dễ sử dụng, giảm chi phí, phù hợp với nhu cầu và khả năng chi trả của mọi người dân, doanh nghiệp.

c) Hỗ trợ các tổ chức, chương trình, dự án tài chính vi mô hoạt động an toàn, hiệu quả, bền vững, hướng tới mục tiêu phục vụ người nghèo, người thu nhập thấp, phụ nữ và doanh nghiệp siêu nhỏ với các sản phẩm, dịch vụ tài chính đa dạng, linh hoạt, phù hợp, góp phần thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về đảm bảo an sinh xã hội và giảm nghèo bền vững.

d) Nâng cao hiểu biết tài chính cho người dân và doanh nghiệp, đảm bảo mọi người dân và doanh nghiệp có kiến thức, kỹ năng, thái độ, hành vi ứng xử phù hợp trong lựa chọn và sử dụng các sản phẩm, dịch vụ tài chính. Đảm bảo người tiêu dùng tài chính được cung cấp đầy đủ thông tin và đối xử công bằng.

3. Một số chỉ tiêu phấn đấu đến năm 2025

- 100% các đơn vị trả lương ngân sách thực hiện trả lương qua tài khoản.

- Tỷ lệ chi trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội bằng hình thức không dùng tiền mặt đạt 50% ở khu vực đô thị, định hướng đến năm 2030 đạt 60%.

- Tỷ lệ các dịch vụ công được thanh toán không dùng tiền mặt:

+ Thu, nộp thuế, phí, lệ phí, thu phạt vi phạm hành chính: 98%.

+ Chi trả các chương trình an sinh xã hội: 60%.

+ Đối với dịch vụ thanh toán tiền điện: 80% các chi nhánh điện các huyện, thành phố, thị xã trong tỉnh chấp nhận hóa đơn thanh toán qua ngân hàng, 80% số tiền điện được thanh toán qua ngân hàng.

+ Đối với dịch vụ thanh toán tiền nước: 80% số đơn vị, doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn đô thị; 70% số đơn vị, doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân tại các huyện, thành phố, thị xã trong tỉnh thực hiện thanh toán tiền nước qua ngân hàng.

+ Đối với dịch vụ thanh toán tiền học phí: 80% số học sinh, sinh viên các trường trên địa bàn đô thị nộp học phí qua ngân hàng.

+ Đối với dịch vụ thanh toán tiền viện phí: 70% bệnh viện, trung tâm y tế các huyện trong tỉnh chấp nhận thanh toán viện phí qua ngân hàng.

- Ít nhất 80% người trưởng thành có tài khoản giao dịch tại ngân hàng hoặc các tổ chức được phép khác; tiến tới mục tiêu mỗi người trưởng thành có ít nhất một tài khoản giao dịch tại ngân hàng hoặc các tổ chức được phép khác vào năm 2030.

- Ít nhất 20 chi nhánh, phòng giao dịch của ngân hàng thương mại trên 100.000 người trưởng thành.

- Ít nhất 50% tổng số xã có điểm cung ứng dịch vụ tài chính (chi nhánh, phòng giao dịch của tổ chức tín dụng và đại lý ngân hàng; ngoại trừ điểm cung ứng dịch vụ tài chính của Ngân hàng Chính sách xã hội).

- Ít nhất 30% người trưởng thành gửi tiết kiệm tại tổ chức tín dụng.

- Số lượng giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt đạt tốc độ tăng trưởng 20% - 25% hàng năm.

- Ít nhất 10.000 doanh nghiệp nhỏ và vừa có dư nợ tại các tổ chức tín dụng.

- Dư nợ tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn trên tổng dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế đạt 25%.

[...]